Phú Yên: Bọ đậu đen lúc nhúc “đổ bộ” đảo lộn cuộc sống dân

Bọ đậu đen xuất hiện dày đặc làm đảo lộn cuộc sống của người dân
Bọ đậu đen xuất hiện dày đặc làm đảo lộn cuộc sống của người dân
(PLVN) - Trước sự xuất hiện dày đặc của bọ đậu đen, người dân thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) đã dùng nhiều biện pháp tiêu diệt như: thu gom đốt, dội nước sôi, phun thuốc diệt côn trùng và dùng cả các kinh nghiệm xua đuổi rầy, rệp bằng nước ép tỏi ớt, nhưng tình hình vẫn không thay đổi, côn trùng này vẫn xuất hiện ngày càng nhiều.

Không cắn nhưng ngứa và hôi tanh

Hơn một tuần nay, người dân ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) gần như bỏ mọi công việc để ở nhà quét dọn, tìm cách tiêu diệt, chống đỡ với sự xuất hiện dày đặc của bọ đậu đen.

Theo người dân ở đây, bọ đậu đen này xuất hiện nhiều trên mặt đất vào buổi sáng. Khi có ánh mặt trời chúng tập trung thành vệt dài hoặc hình tròn rồi di chuyển đến những chỗ râm mát như: nhà ở, bếp núc, chuồng trại… Dù nhà đóng kín cửa, chúng vẫn có thể luồn lách qua các khe kẽ, chui rúc vào mọi ngóc ngách trong nhà.

Người dân quét bọ đậu đen thành đống rồi châm lửa đốt
Người dân quét bọ đậu đen thành đống rồi châm lửa đốt 

Bà Võ Thị Yên (ngụ khu phố 8, thị trấn Hai Riêng) cho biết: “Lần đâu tiên tôi thấy loại côn trung này. Chẳng biết chúng chui từ đầu ra, nhưng khiến cuộc sống bà con ở đây đảo lộn hoàn toàn. Nhiều người ngửi thấy mùi tanh là muốn nôn. Hơn một tuần qua, người dân chúng tôi rất khổ sở vì chúng. Dù đã thường xuyên đóng cửa, quét dọn, nhưng chúng vẫn tìm cách luồn lách bay vào nhà. Chúng tôi mong ngành chức năng sớm xử lý, chứ để tình trạng như thế này kéo dài thì không ổn chút nào”.

Trước sự xuất hiện dày đặc của bọ đậu đen, người dân ở đây đã dùng nhiều biện pháp tiêu diệt như: thu gom đốt, dội nước sôi, phun thuốc diệt côn trùng và dùng cả các kinh nghiệm xua đuổi rầy, rệp bằng nước ép tỏi ớt, nhưng tình hình vẫn không thay đổi, côn trùng này vẫn xuất hiện ngày càng nhiều.

Sởn da gà trước hình ảnh lũ bọ lúc nhúc, dày đặc
Sởn da gà trước hình ảnh lũ bọ lúc nhúc, dày đặc 

Ông Nguyễn Cộng (ngụ khu phố 9, thị trấn Hai Riêng) cho biết: “Bọ đậu đen xuất hiện dày đặc và hầu hết tất cả nhà ở đây đều bị nó tấn công. Loại này khi bò vào người, nó không cắn nhưng ngứa. Một ngày, tôi phun 2 lần thuốc diệt côn trùng mà vẫn không tiêu diệt được chúng. Việc bọ đậu đen xuất hiện ngày càng nhiều đã gây bất tiện và ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong gia đình”.

Ngành chức năng khuyến cáo cách xử lý

Theo ông Lê Nguyễn Lanh Đa - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, qua kiểm tra thực tế tại thị trấn Hai Riêng, đơn vị này xác định, côn trùng bay vào nhà dân, là bọ đậu đen không gây hại cho cây trồng. Cách đây 3 năm đã từng xuất hiện ở địa bàn huyện Sông Hinh.

Loại côn trùng này có màu xám bóng, hình thù giống như con mạt nhưng lớn hơn. Buổi sáng, chúng bắt đầu xuất hiện dày đặc trên mặt đất. Khi có ánh mặt trời, chúng lại bám thành mảng dày đen kịt rồi di chuyển rất nhanh bằng cách bay, nhảy, bò đến những chỗ râm mát. Bọ đậu đen bò lên da người sẽ gây ngứa. Khi tiếp xúc với người thì bốc mùi hôi tanh nồng nặc. 

Hiện chưa có thuốc nên người dân mới chỉ có cách tiêu diệt bọ đậu đen bằng phương pháp thủ công
Hiện chưa có thuốc nên người dân mới chỉ có cách tiêu diệt bọ đậu đen bằng phương pháp thủ công

Ông Đào Phi Long - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh cho biết, về hướng xử lý côn trùng bọ đậu đen, đơn vị đã có văn bản gửi Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Phú Yên xin ý kiến. Vì hiện nay các hóa chất được giao chỉ xử lý tiêu diệt 2 loại đó là muỗi sốt rét và muỗi sốt xuất huyết, còn các loại khác không có thuốc để tiêu diệt.

Trước mắt, Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh khuyến cáo người dân xử lý bọ đậu đen bằng thủ công. Đó là dọn dẹp và vệ sinh môi trường xung quanh, tìm ổ trú của bọ đậu đen vào buổi sáng để đốt tiêu diệt. Còn ban đêm thì nên tắt điện trong nhà, thắp điện bên ngoài để dẫn dụ ánh sáng cho chúng bay ra ngoài. Trường hợp chúng đã vào nhà thì quét lại rồi dọn dẹp và lau chùi sạch sẽ.

“Đối với côn trùng này, hiện tại không có văn bản, chứng cứ nào nói rằng chúng gây bệnh, truyền bệnh cho người. Khả năng những ngày tới, thời tiết bắt đầu nắng nóng gay gắt, côn trùng sẽ biến mất. Khi trời mưa ẩm, chúng sẽ xuất hiện nhiều” - ông Long cho biết. 

Theo http://vi.wikipedia.org, bọ đậu đen hay mọt đậu đen (danh pháp khoa học: Mesomorphus villiger) là loài côn trùng cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae trong bộ Coleoptera. Bọ đậu đen di chuyển nhanh, có hình dáng giống như hạt đậu đen. Chúng có tính hướng quang nên thường bay vào nhà với mật độ cao. Con bọ xịt ra chất dịch có mùi hôi hăng hắc rất khó chịu cho con người. Chất dịch này có thể làm phần da người tiếp xúc bị phỏng rộp.

Bọ đậu đen thường sống trong đất ở những nơi khu đất ẩm thấp, nơi có nhiều xác bã thực vật hoại mục như: nhà lá, vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái, nhưng không gây hại cho thực vật. Khi bay vào nhà, chúng thường bám đen đặc ở chân tủ gỗ, giường, chiếu và các vật dụng khác trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Thanh niên tham gia tích cực vì khí hậu

Các chuyên gia lĩnh vực biến đổi khí hậu trao đổi tại Lễ công bố báo cáo của công tác thanh niên về chính sách khí hậu. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Với sự sáng tạo và sức trẻ năng động, thanh niên Việt Nam được coi là lực lượng nòng cốt đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tham gia tích cực vì khí hậu suốt thời gian qua.

Ra quân đạp xe hưởng ứng giờ Trái đất năm 2024

Các đoàn viên thanh niên đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2024.
(PLVN) - Sáng nay - 23/3/2024, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ TN&MT, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) tổ chức Chương trình ra quân đạp xe hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô

 Bạc Liêu cảnh báo nguy cơ cháy, nổ vào mùa khô
(PLVN) - Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các cấp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống cháy nổ, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân nâng cao ý thức trong việc phòng cháy, chữa cháy, nhất là vào thời tiết nắng nóng như hiện nay.