Đối với sản xuất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng từ siêu bão Yagi, toàn tỉnh Phú Thọ có 3.591ha lúa, 1.697ha hoa màu bị ngập, úng, gãy đổ; gần 200ha cây lâu năm, trên 150ha cây trồng hàng năm, hơn 370ha cây ăn quả, gần 120ha rừng bị gãy, đổ. Ngoài ra còn có 28 lồng cá bị chìm, vỡ. Thiệt hại nặng nề nhất là các huyện ven sông Thao như Hạ Hòa, Thanh Ba, Cẩm Khê.
Về hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn và việc xả lũ của các hồ thủy điện khiến cho trên 1.000ha thủy sản bị ngập, tràn, vỡ bờ; 214 lồng nuôi cá lồng nuôi trên sông và hồ chứa bị vỡ, mất trắng; trên 600 lồng cá bị chết rải rác trên sông Đà và sông Lô.
Để giúp bà con nông dân khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các địa phương tập trung lực lượng như dân quân tự vệ, công an xã, đoàn viên thanh niên... hỗ trợ bà con thu hoạch lúa, rau màu, dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, ổn định đời sống, sản xuất.
Bà con nông dân thu hoạch lúa đến kỳ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Ảnh: Cổng TTĐT Phú Thọ |
Bên cạnh việc kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất tại các địa phương, từ ngày 11/9, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các địa phương tập trung tiêu nước cứu lúa; hướng dẫn kỹ thuật buộc, dựng lúa đang chín sáp, tránh đổ nếu tiếp tục xảy ra thiên tai; thu hoạch lúa đến kỳ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, chuẩn bị đất để gieo trồng cây vụ Đông.
Đối với diện tích rau, màu tranh thủ thu hoạch để đảm bảo năng suất, chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi thu gom để tiêu hủy, dùng vôi bột khử trùng, xới xáo đất để tránh yếm khí, vi khuẩn, vi trùng tồn tại trong đất, chuẩn bị đất để sản xuất vụ Đông.
Để kịp thời khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đề nghị UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn người dân phục hồi sản xuất thủy sản sau mưa bão.
Theo đó, đối với nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi đảm bảo trong ngưỡng cho phép; tiến hành thu hoạch ngay nếu đạt kích cỡ thương phẩm. Gia cố hệ thống dây neo, phao, vệ sinh lồng, lưới để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Các lồng cá bị hư hỏng do lũ cần thực hiện tu sửa, gia cố lại lồng nuôi, vệ sinh làm sạch khu vực nuôi, khử trùng nguồn nước rồi mới tiến hành thả giống nuôi; thực hiện nuôi theo đúng quy trình và các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Đối với vùng nuôi cá trong ao, xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh mật độ cao. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao nuôi, sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng môi trường nước sau mưa, bão, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Thường xuyên theo dõi sức khỏe, tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Xử lý thủy sản bị chết theo quy định tránh gây ô nhiễm môi trường.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tỉnh Phú Thọ đã chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trên 1.000ha thủy sản của tỉnh Phú Thọ chịu ảnh hưởng do cơn bão số 3. Ảnh: Ngọc Phúc |
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ cũng đã yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương triển khai nhiệm vụ liên quan đến công tác hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Theo NHNN Chi nhánh tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi NHNN Việt Nam cho chủ trương, với vai trò đầu mối, NHNN Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp để hỗ trợ người dân bị thiệt hại, các khu vực bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Trước mắt, các tổ chức tín dụng, chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, nhanh chóng tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão, thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo đúng quy định hiện hành.