Trong năm vừa qua, các Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận, giải quyết 429 vụ việc trợ giúp pháp lý cho 429 lượt người được trợ giúp pháp lý (tăng 63 vụ việc so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, số vụ việc hoàn thành là 327 vụ; số vụ việc phức tạp, điển hình theo Tiêu chí của Bộ Tư pháp là 161 vụ.
Số liệu thống kê cho thấy, 100% các Trợ giúp viên pháp lý đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, trong đó, 04 Trợ giúp viên pháp lý đã hoàn thành vượt trên 200% chỉ tiêu tốt. Qua thẩm định, đánh giá chất lượng các vụ việc đã hoàn thành, 100% vụ việc đều đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu nại, tố cáo từ người được được trợ giúp pháp lý. Nhiều vụ việc các Trợ giúp viên pháp lý được tham gia sớm, ngay từ thời điểm giải quyết tin báo, tố giác tội phạm trong tố tụng hình sự hoặc giai đoạn khởi kiện trong tố tụng dân sự,…
Cùng với đó, hoạt động tham gia tố tụng của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt từ các vụ việc thành công, hiệu quả đã và đang góp phần bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, hỗ trợ hiệu quả công tác thực thi, thi hành pháp luật tại các cơ quan tiến hành tố tụng, khẳng định sâu sắc vai trò, ý nghĩa của chính sách trợ giúp pháp lý đối với đời sống xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho các đối tượng yếu thế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, người được trợ giúp pháp lý chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận thức về công tác TGPL chưa cao nên việc giải thích, hướng dẫn thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn. Một số địa phương, cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xã hội chưa chủ động, trong việc hỗ trợ, thông tin, phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và Trợ giúp viên pháp lý,…
Để khắc phục khó khăn, đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động trợ giúp pháp lý, thời gian tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Phú Thọ cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TGPL cũng như tham gia tố tụng. Tổ chức thẩm định chất lượng vụ việc TGPL, đảm bảo các vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn của người thực hiện trợ giúp pháp lý đều được thẩm định, đánh giá. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý nhằm nâng cao chất lượng vụ việc tham gia tố tụng./.