Khoáng sản múc lên, người dân sống khổ
Nhiều năm nay tại xóm Côm, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ xuất hiện một doanh nghiệp khai thác khoáng sản thường xuyên “oanh tạc” vùng đất này bằng xe tải, máy xúc, máy ủi… với cường độ mạnh đe dọa đến đời sống an sinh của người dân. Không những vậy, doanh nghiệp này còn đe dọa người dân, cán bộ địa phương nếu có phản ánh, khiếu nại trong bất kì hình thức nào.
Con đường nhỏ dẫn vào xóm Côm, xã Thu Ngạc ghồ ghề khó đi. Đó là nguyên nhân của việc gần 2 năm nay, xe tải trọng lớn cứ ùn ùn kéo đến đây “ăn quặng”.
Con đường gian khổ và hiểm nguy khi các cháu học sinh phải đi qua hàng ngày |
Gặp phóng viên báo Pháp luật Việt Nam (PLVN), người dân quanh xã Thu Ngạc đều không dấu nổi sự bức xúc. Theo người dân nơi đây, không hiểu vì lý do gì, gần 2 năm nay, tại xã Thu Ngạc bỗng xuất hiện 2 điểm khai thác mỏ Tan. Không kể ngày đêm, máy xúc hoạt động hết công suất, bổ vào những quả đồi, múc lên những chiếc xe trọng tải lớn xếp thành từng hàng đợi sẵn. Và chỉ trong một thời gian ngắn, đường sá nơi đây đã đầy “ổ gà, ổ voi”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tính mạng của người dân.
Bà Hà Thị Săn bức xúc chia sẻ với phóng viên PLVN |
“Gần 2 năm nay, người dân chúng tôi phải chịu cảnh bụi bay mù mịt vào ngày nắng, ngày mưa thì lầy lội. Khổ nhất là các em học sinh đi học, dù mưa hay nắng cũng lấm lem bùn đất, tiềm ẩn nguy cơ bị tai nạn do hoạt động khai thác và xe trọng tải lớn vận chuyển khoáng sản. Dù đã nhiều lần có ý kiến lên chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này vẫn không được khắc phục”, bà Hà Thị Săn, người dân xã Thu Ngạc cho biết. Cũng theo bà Săn, ngoài phá nát đường sá, ô nhiễm môi trường, đơn vị khai thác khoáng sản còn lấp mất chiếc ao dùng để trữ nước tưới tiêu cho đồng ruộng, khiến tình trạng thiếu nước xảy ra, năng suất cũng vì thế mà sụt giảm. Đặc biệt, vào những ngày mưa lớn, bùn đất từ bãi thải của đơn vị khai thác còn tràn xuống ruộng của người dân khiến mọi người rất bức xúc. “Con đường dân sinh do các hộ ở xóm Mán, xã Thu Ngạc tự bỏ tiền ra để đào đắp.
Cận cảnh khai thác quặng của công ty Thắng Lợi |
Không tiền, tôi phải đi vay 5 triệu đồng để làm đường, nhưng nay đơn vị khai thác đã làm hỏng hết rồi, người dân có ý kiến lên chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết, bất lực, chúng tôi định ra chặn đường thì bị đơn vị khai thác khoáng sản đe dọa nên đành thôi và ôm nỗi bức xúc trong lòng”, bà Săn cho biết thêm. “Đơn vị về địa phương khai thác khoáng sản, không biết có được cấp phép hay không, có đem gì cho người dân nơi đây, nhưng cái thiệt hại thì đã hiển hiện rõ nét. Những con đường bị băm nát, ô nhiễm bụi, ruộng nương bị ảnh hưởng và đời sống của người dân đã bị đảo lộn. Không hiểu lý do gì, hơn 1 năm trước, chúng tôi thấy có cán bộ của huyện Tân Sơn xuống khu mỏ, sau đó, hoạt động khai thác có dừng lại khoảng 1 – 2 tháng rồi lại tiếp tục làm như bình thường”, một người dân ở xã Thu Ngạc cho biết. Doanh nghiệp đe dọa cán bộ tài nguyên huyện? Theo tìm hiểu của PV, năm 2015 UBND tỉnh Phú Thọ kí quyết định số 13/GP-UBND cho phép công ty TNHH Thắng Lợi (gọi tắt là công ty Thắng Lợi) khai thác khoáng sản đôlomit và talc tại mỏ đôlomít , talc tại xóm Côm, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ được Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Cúc ký.
Quyết định cấp mỏ của UBND tỉnh Phú Thọ cho Công ty Thắng Lợi |
Trong quyết định này có rất nhiều điều khoản đi kèm, bên cạnh những thủ tục pháp lý thì Công ty Thắng Lợi phải thực hiện đầy đủ nội dung cam kết bảo vệ môi trường cải tạo phục hồi môi trường của Dự án khai thác đồng thời thực hiện ký quỹ phục hồi môi trường theo quy định. Trong quá trình khai thác phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn, phải thu hồi tối đa sản phẩm khai thác từ mỏ và các sản phẩm khác. Công ty Thắng Lợi phải thực hiện phục hồi môi trường đất đai sau khai thác báo cáo định kì trong khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay Công ty Thắng Lợi tiến hành việc thăm dò và khai thác khoáng sản không theo đúng theo cam kết, làm trái với quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng mà người dân địa phương trực tiếp gánh. Khai thác khoáng sản đổ chất thải là đất, đá… bừa bộn không có liệu pháp che chắn, đường xá thì đào bới tùm lum khiến cho nguồn nước sinh hoạt người dân bị chia cắt những con đường giao thông mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa lũ thì lầy lội.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo PLVN đã có buổi làm việc với UBND huyện Tân Sơn, tại buổi làm việc ông Nguyễn Thành Trung – chức vụ Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cùng ông Nguyễn Văn Hải – Phó Trưởng phòng cho biết: “phía UBND huyện thường xuyên thực hiện công tác thanh kiểm tra giám sát theo đúng chức năng quản lý nhà nước, từ thời điểm tháng 8 và không phát hiện ra sai phạm gì của công ty Thắng Lợi”. “Công ty này còn có một số hành vi đe dọa đến cán bộ – Phó phòng tài nguyên và môi trường” – ông Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thành Trung - Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tân Sơn làm việc với phóng viên |
Một nghịch lý cho thấy, doanh nghiệp thì ngang nhiên để sai phạm trong quá trình thực hiện dự án và coi thường luật pháp như vậy nhưng phía UBND huyện Tân Sơn dường như phớt lờ cho qua, đánh giá thiếu trung thực, thiếu khách quan và vô cảm với những tồn tại. Phải chăng ở đó có nhiều khuất tất liên quan đến lợi ích nhóm? Hoặc công ty Thắng Lợi đang có nhiều thế lực bảo kê cho doanh nghiệp thả sức hoành hành.
Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi: UBND tỉnh Phú Thọ là đơn vị cấp mỏ cho Công ty Thắng Lợi hoạt động nhưng trách nhiệm giám sát, thanh kiểm tra… đối với doanh nghiệp này cho có lệ? Người dân mong chờ đến khi nào các cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ nói chung và huyện Tân Sơn nói riêng quyết liệt vào cuộc xử lý sai phạm đối với công ty này để trả lại cuộc sống bình yên?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.