Đua nhau “tàn phá” đê điều
Hiện nay, tuyến đê sông Lô nằm trên địa bàn xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì đang bị “băm nát” bởi hoạt động kinh doanh cát sỏi của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo quan sát, tuyến đê như một đại công trường khai thác, vận chuyển cát sỏi, những bãi tập kết cát, sỏi, trạm trộn bê tông cao sừng sững ngay trên hành lang đê, mái đê, bãi sông khiến hệ thống đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chưa kể máy xúc, máy ủi và ô tô tấp nập vận chuyển cát, sỏi từ dưới sông lên.
Một người dân ở đây cho biết, mỗi ngày có đến hàng trăm xe tải hạng nặng chạy ầm ầm suốt ngày đêm ra vào các bến, bãi, trạm trộn bê tông “ăn hàng” khiến các phương tiện đi lại gặp nhiều khó khăn. Nguy hiểm hơn, mỗi khi xe tải đi qua, cát sỏi vương vãi kéo theo cơn “bão bụi” ập vào người đi đường và nhà dân bên đường, nhà cửa, cây cối đều nhuốm màu vàng đục của bụi.
Tìm hiểu được biết, ở xã Phượng Lâu hiện có 5 doanh nghiệp đang xâm hại, lấn chiếm hành lang đê sông Lô, trong đó phải kể đến 3 doanh nghiệp thường xuyên vi phạm Luật Đê điều là Cty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Cty CP Thượng Long và Cty CP Tùng Ngọc.
Các doanh nghiệp được “bảo kê”?
Theo Sở NN&PTNN Phú Thọ, tại khu vực K62,1 đến K62,4 đê hữu sông Lô thuộc địa bàn xã Phượng Lâu tồn tại 3 trường hợp chất tải vật liệu cát sỏi trên mái đê, hành lang bảo vệ đê, bãi sông với khối lượng rất lớn và đắp lấn ra lòng bãi sông chưa được cấp phép, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai, gồm: Cty TNHH MTV Thương mại và Xây dựng An Khang, Cty CP Thượng Long, Cty CP Tùng Ngọc.
Năm 2014 các cơ quan chức năng đã nhiều lần lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ các vi phạm xong trước ngày 30/4/2015, nhưng cả 3 công ty này vẫn cố tình không chấp hành? Vì vậy, Sở NN&PTNN Phú Thọ đề nghị UBND TP.Việt Trì chỉ đạo các phòng ban chức năng, UBND xã Phượng Lâu kiên quyết xử lý 3 trường hợp vi phạm nêu trên; đồng thời yêu cầu các đơn vị phải giải phóng, thanh thải ngay các vi phạm chất tải vật liệu cát, sỏi trên mái đê, trong hành lang đê, bãi sông và dỡ bỏ phần đất đắp lấn ra bãi sông, khôi phục lại hiện trạng ban đầu; làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân để xảy vi phạm…Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn bất chấp.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt tỉnh Phú Thọ cũng thừa nhận việc 3 công ty nêu trên xâm hại đê điều trong thời gian dài và cố tình vi phạm. “Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại không vào cuộc quyết liệt nên tình trạng vẫn tiếp diễn, trong khi cơ quan chuyên trách quản lý đê không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính, còn chính quyền huyện, xã lại không thực hiện các biện pháp mạnh tay nên khó giải tỏa các vi phạm tồn tại nhiều năm, đồng thời phát sinh vi phạm mới. Để giải quyết triệt để những vi phạm này, chính quyền địa phương phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, các doanh nghiệp cố tình thì phải cưỡng chế hoặc thu hồi giấy phép mới giải quyết được vấn đề” - ông Sơn nhấn mạnh.