Để đảm bảo hàng hóa cho người dân trong điều kiện dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, các cơ quan ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị tăng cường quản lý, nắm bắt tình hình khai thác, nguồn cung lương thực, thực phẩm.
Trong đó khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh, khai thác nguồn hàng lương thực, thực phẩm sẵn có của địa phương; phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng cường kết nối cung - cầu, tiếp nhận tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đảm bảo về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; chủ động cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Phú Thọ đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong mùa dịch |
Nhằm phòng tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tích trữ, găm hàng, lực lượng chức năng đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, yêu cầu các đơn vị bán lẻ phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các chủng loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm từ hệ thống chuỗi siêu thị của mình, cũng như hệ thống các nhà cung cấp trên toàn quốc, góp phần bình ổn thị trường.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đã đa dạng các hình thức bán hàng như tăng cường bán hàng trực tuyến, coi đây là giải pháp vừa tăng lượng hàng hóa bán ra, vừa đảm bảo điều kiện tốt nhất cho người dân mua hàng, tránh tập trung đông người.
Ông Nguyễn Hữu Anh, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Chi nhánh Phú Thọ cho biết: Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart chỉ đạt khoảng 5 đến 10%, nhưng hiện tại, lượng khách hàng mua trực tuyến đang tăng mạnh.
Một số mặt hàng thiết yếu như: sữa, mì tôm, khẩu trang, nước sát khuẩn vẫn được siêu thị bình ổn giá, không tăng giá; thực phẩm tươi sống đảm bảo chất lượng. Ðể kích cầu người dân mua sắm trực tuyến, Co.opmart còn cung cấp dịch vụ vận chuyển miễn phí với những hóa đơn mua hàng trị giá hơn 100 nghìn đồng trong vòng bán kính 6km.
Trong trường hợp dịch bệnh lan rộng, ngành Công thương đã xây dựng phương án huy động một số doanh nghiệp thương mại tổ chức các đợt bán hàng lưu động, cung ứng sản phẩm hàng hóa thiết yếu đến vùng dịch;
Vận động các cơ sở sản xuất nông nghiệp duy trì sản xuất, chăn nuôi nhằm cung cấp đủ nguồn lương thực, thực phẩm cung ứng tại chỗ.
Hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí dự phòng phòng chống thiên tai, dịch bệnh giao một số doanh nghiệp chủ lực của tỉnh khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân.
Tỉnh Phú Thọ cũng đã xây dựng phương án khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đảm bảo đủ nhu cầu về gạo cho người dân toàn tỉnh.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh cũng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ngoài ra, ngành Công thương giao cho một số đơn vị chủ đạo khai thác, dự trữ nguồn hàng tại các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng và các địa phương lân cận như: Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định…
Hệ thống các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh như BigC, Co.opmart, Vinmart… đến nay đều đã chủ động tính toán nhu cầu thị trường, cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; điều chuyển hàng hóa trong hệ thống để ứng phó trước những đột biến đối với một số mặt hàng như gạo, mỳ tôm, rau, củ quả, dầu thực vật, thực phẩm tươi sống…, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân.
Đại diện Sở Công thương cho biết: với dân số hơn 1,4 triệu người, số lượng tiêu thụ gạo cần thiết là 14.600 tấn. Đến nay, sản lượng tại địa phương dự kiến có thể đáp ứng 20.120 tấn/tháng (tương đương 28.790 tấn thóc).
Hiện các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, mỳ tôm, bún, bánh, thịt, gia vị… đang được cung cấp, bày bán trong hệ thống các siêu thị với số lượng khá nhiều, giá được niêm yết rõ ràng, đầy đủ, một số mặt hàng thực phẩm đang có dấu hiệu giảm giá. Do vậy, hiện tại trên địa bàn tỉnh, nguồn cung và thị trường giá cả hàng hóa thiết yếu vẫn ổn định.
Thời gian tới, Sở Công thương Phú Thọ sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch để làm căn cứ xây dựng kịch bản và phương án ứng phó với dịch bệnh và kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi người tiêu dùng.
Chủ động nắm thông tin về những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, những thiệt hại, khó khăn, vướng mắc, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan hỗ trợ, tháo gỡ.
Khuyến khích tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp, hiệp hội để tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải thông tin về hoạt động cung ứng các mặt hàng thiết yếu, giá cả thị trường ổn định để người dân yên tâm, không hoang mang tích trữ hàng hóa.
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ khuyến cáo: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Người dân nên tin tưởng vào những chỉ đạo, giải pháp của trung ương, của tỉnh, nhất là những khuyến cáo của những cơ quan chức năng không nên ồ ạt mua hàng dự trữ. Đồng thời hạn chế tập trung đông người để mua hàng hóa, bởi đây sẽ là môi trường để dịch Covid-19 dễ lây lan.