Theo Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), từ đầu năm 2019 đến nay trên địa bàn huyện đã có 661 ca mắc bệnh SXH, xuất hiện tại 9 trong tổng số 10 xã thị trấn. Trong đó có 16 trường hợp bệnh nặng, nhiều nhất là thị trấn Dương Đông với 206 ca và thị trấn Nam Thới với 192 ca; riêng xã đảo Thổ Châu chưa ghi nhận ca nhiễm SXH nào. Cùng với Phú Quốc, huyện Hòn Đất, 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên cũng là những địa phương có nhiều ca nhiễm SXH nhất ở tỉnh Kiên Giang.
Ông Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phú Quốc (Kiên Giang) |
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc đã phối hợp với các xã thị trấn tăng cường công tác phòng chống bệnh, triển khai phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, đặc biệt ở những điểm bùng phát dịch và những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh; Vận động người dân vệ sinh để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt loăng quăng bằng cách đậy các vật dụng chứa nước sinh hoạt, thường xuyên vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng…
Bác sĩ Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Quốc cho biết: “Bệnh SXH chưa có thuốc điều trị dứt điểm mà chỉ điều trị theo triệu chứng; diệt loăng quăng diệt bọ gậy được xem là biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất ở thời điểm hiện nay.
Trước tình hình bệnh SXH diễn biến ngày càng phức tạp, bên cạnh sự kiểm soát của các cơ quan y tế người dân cần chủ động phòng chống bệnh. Khi phát hiện người nhà có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, li bì đau nhức mình mẩy, đau cơ khớp, nhức mắt thì chủ động đến các cơ quan y tế khám và điều trị, không được điều trị tại nhà hoặc các điểm y tế không đảm bảo…”
Được biết, hiện tại Phú Quốc là địa phương đang được tỉnh Kiên Giang ưu tiên tập trung hỗ trợ phòng, chống dịch SXH. Vừa qua, Đoàn công tác Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh và Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cũng đã trực tiếp đến Phú Quốc khảo sát, tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất để khống chế tình hình dịch bệnh.
Theo nhận định chung, việc kiểm soát dịch SXH tại Phú Quốc là khá phức tạp, khó kiểm soát, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trên địa bàn huyện Phú Quốc hiện có nhiều khu công nghiệp, resort, khách sạn đang xây dựng, thu hút công nhân từ khắp nơi đổ về làm việc, sinh sống trong các khu nhà tạm. Từ đây xuất hiện nhiều bãi phế thải, các dụng cụ chứa nước không cần thiết, dụng cụ đang dùng cho xây dựng, hố nước, tạo môi trường tốt cho muỗi sinh sản và phát triển. Ngoài ra, tình hình di, biến động dân cư tại Phú Quốc là rất lớn nên những người di cư đến chưa quen với môi trường mới là đối tượng rất dễ nhiễm SXH.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi phát hiện có dấu hiệu bệnh SXH phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời theo đúng phác đồ, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do bệnh SXH gây ra./.