Bà Trần Thị Hoài Trâm (Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, tỉnh vừa xây dựng đề án tổ chức “Ngày hội Áo dài Huế”. Sự kiện này sẽ phát huy thế mạnh của văn hóa Huế trong các kỳ Festival, theo hướng tăng cường tổ chức các chương trình nghệ thuật, quảng diễn mang tính cộng đồng. Qua đó phát huy vai trò của người dân cùng tham gia hưởng ứng.
Đây là sự kiện nhằm tôn vinh Chúa Nguyễn Phúc Khoát, là người chủ trương cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian Đàng Trong, áo dài ra đời và trở thành trang phục chính thức. Thông qua hoạt động nhằm đa dạng hóa quảng bá về áo dài để xây dựng hình ảnh, thương hiệu Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, là kinh đô của áo dài Việt Nam.
Một trong những dấu mốc quan trọng của văn hoá trang phục áo dài Việt là khi chúa Nguyễn Phúc Khoát ban hành nhiều chính sách và đề cập đến sửa đổi y phục. Từ đó, chiếc áo dài trên đất Huế được chú trọng và trân quý. |
Nội dung của đề án được thực hiện 5 phần: Phần 1: “Tri ân tiền nhân khai sáng áo dài Việt Nam” là hoạt động Lễ dâng hương, tôn vinh ghi nhớ công ơn Chúa Nguyễn Phúc Khoát và Vua Minh Mạng có công khai sáng trang phục áo dài Việt Nam tại Lăng chúa Nguyễn Phúc Khoát và Lăng Vua Minh Mạng. Dự kiến sẽ diễn ra vào ngày giỗ tổ nghề may (12 tháng chạp âm lịch) hoặc ngày mất của chúa Nguyễn Phúc Khoát (mùng 7 tháng 7). Đơn vị chủ trì là Trung tâm bảo tồn di tích cố đô.
Phần 2: “Chương trình biểu diễn thực cảnh Áo dài xưa và nay” nhằm giới thiệu vẽ đẹp áo dài xưa của các phụ nữ quyền quý, áo mệnh phụ, áo nhật bình.. cùng với nhiều kiểu trang phục ngày nay, kết hợp giới thiệu ẩm thực và cung cách, đời sống sinh hoạt, dự kiến trình diễn ở các địa điểm Cầu Trường Tiền, Cầu đi bộ sông Hương, Hồ Tịnh Tâm, Vườn Cơ Hạ. Hoạt động này sẽ diễn ra trong dịp Festival Huế. Đơn vị chủ trì là Trung tâm Festival.
Nét đẹp của cô gái Huế trong tà áo dài |
Phần 3: “Chương trình phát động người dân tham gia mặc áo dài” trong thời gian diễn ra Festival Huế. Dự kiến sẽ được tổ chức tại phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà); các bà và cô sẽ mặc áo dài đi bán hàng rong ở đây. UBND thị xã Hương Trà chủ trì chương trình này.
Ngoài ra, dịp Festival Huế phụ nữ khi ra đường mặc áo dài sẽ được miễn phí đi du lịch bằng xe xích lô và miễn phí vào tham quan các điểm di tích.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng sẽ yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, ban ngành liên quan kêu gọi toàn bộ nữ cán bộ, công nhân viên, lực lượng giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia hưởng ứng mặc áo dài trong những ngày diễn ra Festival Huế.
Phần 4: “Chương trình Áo dài trong lễ hội truyền thống” kết hợp giới thiệu văn hóa làng nghề ẩm thực được diễn ra ở cầu ngói Thanh Toàn trong dịp Festival. UBND thị xã Hương Thủy chủ trì.
Và cuối cùng là phần 5: “Áo dài trong nghi lễ gia tộc”, tái hiện hoạt động áo dài tại lễ cưới hỏi, lễ cáo, vinh quy bái tổ, kết hợp giới thiệu văn hóa truyền thống gia đình xứ Huế. Dự kiến chương trình này diễn ra ở làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền.
Đề án tổ chức “Ngài hội Áo dài Huế” do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì thực hiện |
Ông Phan Ngọc Thọ (Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh; Đã từ lâu áo dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Huế, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Cố đô nói chung, của cộng đồng nữ giáo viên và nữ học sinh, sinh viên nói riêng. Ông mong muốn để áo dài Huế có cơ hội quay lại “Một thuở vàng son”.
Vị Chủ tịch UBND tỉnh này cũng yêu cầu Sở Văn hóa và Thể thao sớm hoàn thiện đề án, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, các đơn vị liên quan cần tham gia, đóng góp ý kiến để bổ sung, hoàn thiện đề án đảm bảo theo yêu cầu, tiến độ đặt ra.