Phụ nữ Hàn Quốc cắt tóc ngắn, đập bỏ mỹ phẩm: Trào lưu thoát kiếp “nô lệ” nhan sắc giả tạo

Hàn Quốc cũng được biết đến là "thủ đô về phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới" với khoảng 22% phụ nữ từng làm đẹp bằng can thiệp dao kéo
Hàn Quốc cũng được biết đến là "thủ đô về phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới" với khoảng 22% phụ nữ từng làm đẹp bằng can thiệp dao kéo
(PLVN) - Nhận thấy nỗi ám ảnh vẻ bề ngoài ngày càng tăng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc đang khởi xướng phong trào cắt tóc ngắn, đập bỏ mỹ phẩm để thay đổi nhận thức về tiêu chuẩn sắc đẹp tại nước này.

“Tôi không đẹp”

Giống như nhiều phụ nữ Hàn Quốc, Bae Eun Jeong, 21 tuổi, không bao giờ ra khỏi nhà mà không trang điểm. Cô ghét gương mặt mộc của mình. 

Quy trình làm đẹp của Bae thường tốn đến hai giờ đồng hồ. Cô thậm chí còn phải bớt thời gian ngủ và ăn để dành cho việc trang điểm trước khi tới trường. Ngay cả việc đơn giản như đi siêu thị gần nhà, Bae cũng cần chuẩn bị rất nhiều. 

"Nếu tôi ra ngoài mà không trang điểm, tôi không cảm thấy tự tin. Tôi cảm thấy xấu hổ khi có ai đó nhìn mình. Tôi ghét khuôn mặt của mình. Ngay cả khi chỉ ra ngoài trong vòng một giờ, tôi cũng trang điểm", Bae nói. 

Bae còn được biết đến với tên gọi Lina Bae, "ngôi sao" trên mạng xã hội YouTube với các video hướng dẫn làm đẹp và tư vấn trang điểm. Đầu năm nay, Bae nhận thấy nhiều người xem trẻ tuổi bình luận về video của cô rằng họ cảm thấy "xấu hổ khi ra ngoài với khuôn mặt mộc".

"(Các cô gái) xung quanh tôi đều trang điểm. Tôi không muốn, nhưng tôi cảm thấy mình nên làm vậy. Tôi không mấy tự tin về vẻ bề ngoài của mình. Làm thế nào để tôi tự tin hơn?", một tài khoản YouTube bình luận. 

Bae đã rất sốc khi thấy các cô gái trẻ mới 13 tuổi lo lắng về ngoại hình. Những bình luận này khiến Bae trăn trở về trách nhiệm của cô với xã hội. 

Đáp lại, cô đăng một video lên YouTube với tiêu đề "Tôi không đẹp". Trong video, Bae trang điểm rồi lại tẩy trang, đồng thời chia sẻ những bình luận ác ý mà cô nhận được trước đây, ví dụ như "Đúng là một con lợn đang trang điểm", hoặc "Nếu tôi có khuôn mặt như thế, tôi sẽ tự sát". Cuối video, Bae mỉm cười và nói với người xem: "Không xinh đẹp cũng không sao cả". 

Video này của cô đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt xem trên YouTube. "Tôi đăng video vì muốn nhiều phụ nữ thoát khỏi áp bức. Tôi muốn nói rằng bạn không cần phải thay đổi bản thân theo cách người khác nhìn bạn", Bae tâm sự. 

Hiện nay, cô gái 21 tuổi là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ đang thách thức quan niệm cái đẹp ở Hàn Quốc, trở thành phong trào nữ quyền mang tên "escape the corset" (tạm dịch là "thoát khỏi áo nịt ngực"). 

Tên của phong trào gợi nhắc lại thời kỳ các nhà hoạt động nữ quyền ở Mỹ vứt bỏ áo lót, áo nịt ngực, keo xịt tóc, đồ trang điểm, lông mi giả, giày cao gót và nhiều sản phẩm khác mà họ coi là biểu tượng của sự áp bức. Phong trào này nhằm phản đối cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1968. 

Lina Bae trang điểm và tẩy trang cho người xem thấy khuôn mặt mộc, khuyến khích phụ nữ nên tự tin vào vẻ bề ngoài của mình
Lina Bae trang điểm và tẩy trang cho người xem thấy khuôn mặt mộc, khuyến khích phụ nữ nên tự tin vào vẻ bề ngoài của mình

Năm mươi năm sau, phụ nữ trẻ Hàn Quốc đã tự khuấy động phong trào của riêng mình bằng cách phá bỏ đồ trang điểm đắt tiền hoặc cắt tóc ngắn, sau đó đăng ảnh lên mạng xã hội để khuyến khích mọi người noi theo. 

"Về cơ bản, bạn có thể coi phong trào này như một thách thức đối với xã hội do nam giới thống trị. Nó từ chối sự nữ tính được tiêu chuẩn hóa và vẻ đẹp truyền thống", Lee Na Young, giáo sư xã hội học tại Đại học Chung Ang ở Seoul, nhận định. 

Phụ nữ Hàn trên khắp cả nước cũng tổ chức phong trào đình công. Vào chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, phụ nữ được khuyến khích không mua quần áo, trang điểm, cắt hay làm tóc, hoặc "bất kỳ hoạt động nào đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp làm đẹp". 

"Giờ đây, nhiều phụ nữ lựa chọn tham gia phong trào “escape the corset” để thực thi nữ quyền trong cuộc sống thường ngày", bà Lee nói thêm. 

Vì sao phải cậy nhờ dao kéo, mỹ phẩm?

Làm đẹp là ngành công nghiệp lớn ở Hàn Quốc. Đất nước này nằm trong số 10 thị trường làm đẹp lớn nhất thế giới với trị giá khoảng 13 tỷ USD, theo ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Mintel năm 2017. Hàn Quốc cũng được biết đến là "thủ đô về phẫu thuật thẩm mỹ của thế giới" với khoảng 22% phụ nữ từng làm đẹp bằng can thiệp dao kéo, theo Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia nước này.

Khoảng một nửa trong số đó nói rằng họ làm vậy "vì ngoại hình rất quan trọng trong cuộc sống". "Phụ nữ đang đầu tư thời gian, công sức, sức lực và tiền bạc để trở nên đẹp hơn trong mắt đàn ông", giáo sư Lee cho biết. 

Năm 2018, Hàn Quốc xếp thứ 115 trên 149 quốc gia về bình đẳng giới giữa nam và nữ, theo báo cáo năm 2018 từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Đất nước này cũng có mức độ chênh lệch giới tính cao nhất trong số tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo thống kê của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, chỉ có 3% giám đốc điều hành của 500 công ty hàng đầu và 17% đại biểu quốc hội Hàn Quốc là phụ nữ.

Trong buổi họp báo nhân dịp năm mới 2019, Tổng thống Moon Jae In cho rằng khoảng cách giới tính là "thực tế đáng xấu hổ của chúng tôi". 

Trong xã hội vẫn còn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng gia trưởng, phụ nữ có thể phải gánh chịu hậu quả nếu không tuân thủ tiêu chuẩn sắc đẹp do nam giới đặt ra. Vào tháng 11/2018, một cửa hàng cà phê ở Hàn Quốc đã sa thải nữ nhân viên ngay ngày đầu làm việc vì cô để tóc ngắn và không trang điểm. Công ty đứng sau cửa hàng này đã phải xin lỗi và bồi thường cho cô gái. 

Phụ nữ trẻ Hàn Quốc đập vụn mỹ phẩm và đăng ảnh lên mạng xã hội để ủng hộ phong trào phá bỏ chuẩn mực sắc đẹp
 Phụ nữ trẻ Hàn Quốc đập vụn mỹ phẩm và đăng ảnh lên mạng xã hội để ủng hộ phong trào phá bỏ chuẩn mực sắc đẹp

Ngày càng có nhiều tranh cãi về các vấn đề khác liên quan, đỉnh điểm là hàng chục nghìn phụ nữ đã đổ xuống đường vào năm 2018 để tham gia một loạt cuộc biểu tình phản đối tình trạng máy ghi hình được giấu kín trong các nhà nghỉ hay khách sạn. 

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc phát hiện các trường hợp phim quay lén bất hợp pháp tăng từ 1.300 vào năm 2011 lên hơn 6.000 vào năm 2017. Những bức ảnh nhạy cảm của phụ nữ trong phòng thay đồ hay thậm chí là ở nhà riêng xuất hiện trên nhiều diễn đàn và trang web. 

“Trở thành búp bê không phải là sức mạnh”

Nam giới trẻ tuổi ở Hàn Quốc đang phản đối khá mạnh mẽ phong trào nữ quyền. Theo khảo sát của Realmeter thực hiện vào tháng 12/2018, 76% đàn ông Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 66% ở độ tuổi 30 không ủng hộ các phong trào này. "Phụ nữ Hàn Quốc đang dần nhận ra rằng cần phải thay đổi suy nghĩ của đàn ông để giải quyết vấn đề", giáo sư Lee nói. 

Trên thực tế, nhận thức về vấn đề này đang tăng lên. Vào tháng 11/2018, Kyobo, chuỗi cửa hàng sách lớn nhất Hàn Quốc, cho biết doanh số tiêu thụ sách liên quan đến nữ quyền đã tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. 

Ngoài ra, cũng có thể nhận thấy sự thay đổi về nhận thức trong khuôn viên trường đại học. Năm 2018, Hiệp hội Nữ quyền của Đại học Nữ sinh Sookmyung đã sử dụng son môi và chì kẻ mắt để viết thông điệp ủng hộ phong trào "escape the corset" lên poster. Khi làn sóng lan rộng khắp khuôn viên trường, các sinh viên nữ đã vứt bỏ những bộ váy của mình. 

"Trang điểm không phải sức mạnh của tôi. Trở thành búp bê không phải là sức mạnh. Việc không cần trở thành một con búp bê mới chính là sức mạnh", tờ băng rôn viết. 

"Nữ sinh thường mặc váy (để chụp ảnh tốt nghiệp), nhưng năm nay họ lại mặc quần dài. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên nhìn thấy nữ sinh mặc quần để chụp ảnh tốt nghiệp", sinh viên 22 tuổi Park Hye Ri nói.

Nữ sinh Oh Min Ji cho rằng giờ đây mọi người trở nên cẩn trọng hơn khi nhận xét về ngoại hình của người khác. 

"Trước khi phong trào trở nên phổ biến, mọi người không ngần ngại nói “bạn thật xinh đẹp”. Họ nghĩ đó là một lời khen. Nhưng bây giờ mọi người bắt đầu nhận ra rằng không phải vậy, bởi đó chính là điều giới hạn phụ nữ trong các tiêu chuẩn của mình", cô Oh nói.

Tin cùng chuyên mục

Đã có hơn 100 trường hợp mắc bệnh X thiệt mạng ở Congo được ghi nhận. (Ảnh: Africa CDC)

Dịch bệnh bí ẩn bùng phát ở Congo, nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ lây lan

(PLVN) - Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải đối mặt với một dịch bệnh bí ẩn, được gọi là bệnh X. Tính đến ngày 11/12, có 416 ca bệnh được báo cáo, trong đó có hơn 100 ca tử vong. Có hơn 50% số ca tử vong là trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Căn bệnh này bùng phát từ khu vực y tế Panzi, tỉnh Kwango, vào cuối tháng 10/2024 và đang trở thành tâm điểm chú ý trên toàn cầu.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.