Điều này khiến dư luận dấy lên nghi vấn có sự “lách luật”, tạo điều kiện cho một “nhóm lợi ích” lao vào “xâu xé” đất nông nghiệp để kinh doanh, “ăn chia” với nhau. Không những vậy, nhà máy sản xuất gạch này còn bị “tố” mua nguyên liệu sản xuất gạch trái pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nặng nề đến hoa màu, đời sống sức khỏe của bà con nhân dân tại địa phương từ nhiều năm nay…
Gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng!
Theo phản ánh của nhiều bà con nhân dân xã Tiên Du, xã Hạ Giáp, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, từ nhiều năm nay, trên diện tích đất nông nghiệp tại khu 1, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh bỗng nhiên “mọc” lên một nhà máy sản xuất gạch quy mô lớn với tên gọi Nhà máy gạch Phú Kim An II do hộ kinh doanh cá thể của ông Phạm Trọng Bình (ngụ khu 3, xã Phú Nham) đứng tên đại diện pháp luật.
Kể từ khi nhà máy này đi vào hoạt động, hàng ngày bà con nhân dân nơi đây bị “tra tấn” bởi những tiếng ồn, mùi khói bụi khó chịu từ nhà máy này nhả ra. Không những vậy, rất nhiều hoa màu, cây trái của bà con nhân dân nơi đây bị hỏng, rụng, khiến năng xuất sản xuất ngày càng kém đi, thậm chí nhiều người dân địa phương còn bị mắc một số căn bệnh về đường hô hấp, nặng hơn một số người còn bị ung thư do hít phải khí thải của nhà máy sản xuất gạch này nhả ra.
Theo phản ánh của người dân địa phương, nhà máy gạch Kim Phú An gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Nhiều người dân còn “xì xào”, nghi vấn về sự hoạt động của nhà máy gạch này có dấu hiệu “lách luật” thông qua Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Kim Phú An vẫn do ông Phạm Trọng Bình đứng tên. Mặc dù nhà máy này thiếu nhiều giấy phép, thủ tục và hoạt động “lộng quyền” nhiều năm nay nhưng không bị xử lý như vậy là do có sự làm ngơ, tiếp tay, bao che nhằm “ăn chia” với nhau của một “nhóm lợi ích” gồm quan chức xã, huyện và chủ doanh nghiệp, nhà máy gạch này…
Để tìm hiểu thực hư vấn đề theo phản ánh của người dân, sáng ngày 26/01/2018, phóng viên Báo PLVN đã tìm về khu 1, xã Tiên Du, huyện Phù Ninh. Có mặt tại nhà máy gạch theo phản ánh của người dân, theo ghi nhận của PV, nhà máy gạch này có quy mô hoạt động khá rộng trên diện tích đất cả chục ngàn mét vuông. Để đi vào nhà máy gạch này phải đi qua một chiếc cầu bê tông được xây dựng bắc ngang qua một con kênh lớn chạy ngang qua.
Nhà máy đang tuyển lao động với quy mô, ban bệ hoành tráng. |
Ngay từ bên ngoài, nhà máy này trưng biển tuyển lao động hoành tráng với đầy đủ ban bệ từ nhân viên kế toán văn phòng đến công nhân lái xe ủi, xúc, cơ khí, điện và sản xuất vật liệu xây dựng. Bên trong nhà máy, tiếng động cơ máy nổ hoạt động rầm rầm, gạch được xếp lớp cẩn thận, cả gạch chuẩn bị nung và gạch thành phẩm chuẩn bị được chất lên các xe tải đợi sẵn trong khuôn viên chờ chở đi tiêu thụ.
Theo bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ khu 1, xã Gia Thanh) là hộ dân sống gần đó cho biết: “Khói gạch nhả ra bụi mù mịt, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề cả về sức khỏe lẫn hoa màu và cây cối. Cách đây vài tháng, một số hộ dân ở địa phương chúng tôi còn làm đơn khiếu nại lên Ủy bản huyện Phù Ninh về việc nhà máy gạch này nhả khói bụi ra khiến hoa màu, đặc biệt là Hồng (một loại cây ăn quả - PV) bị rụng và chất lượng quả kém rất nhiều. Sau đó, thấy một số cán bộ về làm việc kiểm tra hoạt động của nhà máy này, đến giờ không biết kết quả ra sao rồi…”.
Bà Nguyễn Thị Bảy (ngụ khu 1, xã Gia Thanh) chia sẻ với PV. |
Còn theo ông Nguyễn Hữu Lập (ngụ khu 3, xã Hạ Giáp) bức xúc cho biết: “đời sống chúng tôi bây giờ nói thật với các chú là quá khổ từ khi có nhà máy này, khí thải của nhà máy này thải ra khiến năng suất ngô, lúa và hoa màu của chúng tôi bị giảm hẳn, hồng thì rụng cả đống. Chúng tôi làm đơn khiếu nại quá nhiều rồi, các ban, ngành của tỉnh, của huyện về đây cuối cùng cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ thấy họ lên xe rồi đi.
Thực sự, chúng tôi không biết tin tưởng vào ai bây giờ, chỉ mong các chú nói lên nỗi thống khổ của bà con nông dân chúng tôi quanh năm chỉ biết trông chờ vào hoa màu, vậy mà bao năm nay bị nhà máy gạch này gây ô nhiễm, phá hoại sản xuất. Nhiều người dân chúng tôi còn mắc bệnh về đường hô hấp, có mấy người bị ung thư đều chết rồi. Tôi là người dân gốc bản xứ ở đây, bản thân cái lò gạch này là “sân sau” làm ăn của một quan chức huyện, các chú cứ đi cả vùng này hỏi thì ai cũng biết…”.
Ông Nguyễn Hữu Lập (người dân ngụ khu 3, xã Hạ Giáp) bức xúc phản ánh với PV Báo PLVN. |
Để có câu trả lời rõ ràng trước tình trạng này, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với ông Phạm Ngọc Tuấn - Chủ tịch xã Tiên Du, tuy nhiên ông này cho biết do họp ở UBND huyện Phù Ninh nên việc này ông Tuấn đã giao cho ông Thịnh - Phó chủ tịch UBND xã sẽ làm việc với phóng viên.
Tuy nhiên, khi phóng viên có mặt tại trụ sở UBND xã Tiên Du, mặc dù mới chỉ gần 11h trưa thế nhưng cả UBND xã này đều “đóng cửa, cài then” đi vắng, chỉ có duy nhất phòng địa chính mở cửa.
Sau khi liên hệ, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Kiên – Cán bộ phụ trách địa chính xã Tiên Du, ông này cho biết: “Anh Thịnh - Phó chủ tịch xã lại đang làm việc với người dân ở cơ sở nên không về được. Tôi cũng không nắm được về việc hoạt động của nhà máy gạch này vì tôi cũng mới lên phụ trách địa chính, chỉ biết cách đây khoảng 2 tháng có 4 hộ dân của xã Hạ Giáp khiếu nại với huyện về việc nhà máy gạch Kim Phú An gây ô nhiễm môi trường, thải khói bụi làm hồng của họ bị hỏng.
Sau đó, Phòng nông nghiệp và Phòng tài nguyên và môi trường của huyện cũng về làm việc, hôm đó tôi cũng nằm trong thành phần chứng kiến nhưng các biên bản thì bên huyện họ giữ, tôi không biết gì cả. Vả lại đấy là người dân bên Hạ Giáp bị ảnh hưởng chứ không phải người dân thuộc bên Tiên Du của tôi do gió thổi ngược về phía bên xã họ. Còn về nguyên liệu sản xuất gạch thì nhà máy họ thu mua đất của người dân về sản xuất gạch…”
Có sự "mập mờ" thủ tục, giấy phép hoạt động để "lách luật"?
Trước thực trạng trên, sáng cùng ngày, phóng viên Báo PLVN đã liên hệ với ông Lưu Quang Huy – Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh để có những câu trả lời khách quan, rõ ràng về việc này. Sau đó, ông Huy đã giao cho ông Nguyễn Phúc Suyên - Chánh văn phòng UBND huyện Phù Ninh làm việc với phóng viên.
Chiều cùng ngày, phóng viên đã có mặt tại phòng ông Nguyễn Phúc Suyên – Chánh Văn phòng UBND huyện Phù Ninh. Tại đây, ông Suyên cho biết, nhà máy gạch này là tâm huyết của ông Suyên từ khi ông này còn làm chủ tịch UBND xã Tiên Du.
Kết quả quan trắc phân tích môi trường định kỳ 6 tháng/1 lần của Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ liệu có đảm bảo khi người dân vẫn kêu ô nhiễm? |
Đồng thời, ông Suyên cũng cung cấp một số các thông tin, tài liệu về nhà máy gạch Phú Kim An như kết quả phân tích môi trường, hợp đồng mua bán điện sản xuất gạch của Công ty cổ phần cơ khí và xây dựng Phú Kim An (trong khi đó đứng tên nhà máy gạch này lại là hộ kinh doanh cá thể của ông Phạm Trọng Bình)?.
Khi được hỏi về những thủ tục chính, cụ thể liên quan đến việc cấp phép hoạt động đối với nhà máy gạch này thì ông Suyên nói: “Cái này là của hộ kinh doanh cá thể nên không có giấy phép mà chỉ có giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh của huyện cấp từ năm 2005”. Tuy nhiên, phóng viên thấy thắc mắc rằng nếu là hộ kinh doanh cá thể thì tại sao lại có “bóng dáng” của Công ty cổ phần cơ khi và xây dựng Phú Kim An liên quan đến một số hoạt động giao dịch của nhà máy gạch Phú Kim An. Phải chăng có chiêu trò gì đó “lách luật” trong hoạt động sản xuất gạch của nhà máy này?
Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh cá thể được huyện Phù Ninh cấp từ năm 2005 nhưng thực chất quy mô hoạt động theo kiểu nhà máy, công ty khiến dư luận nghi ngờ có sự "lách luật"? |
Liên quan đến những hồ sơ, thủ tục cấp phép hoạt động và các biên bản kiểm tra, ông Suyên cho biết những tài liệu đó liên quan đến Phòng nông nghiệp và Phòng tài nguyên môi trường của huyện Phù Ninh. Khi phóng viên liên hệ với những người phụ trách Phòng tài nguyên và môi trường và Phòng nông nghiệp huyện Phù Ninh thì những người này đều báo bận vì đang đi địa bàn làm việc.
Trước những thông tin phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường như vậy, phải chăng kết quả quan trắc phân tích môi trường định kỳ 6 tháng/1 lần của Sở tài nguyên và môi trường có vấn đề? Cùng với đó những dấu hiệu “mập mờ” trong những thủ tục pháp lý về việc cấp phép hoạt động đối với nhà máy gạch Phú Kim An có đúng với các thủ tục pháp luật hay không?
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.