Phụ huynh săn “trường điểm”, trường chuyên: Con có thành thiên tài?

Không phải cứ vào trường điểm, lớp chọn là thành thiên tài.Ảnh minh họa.
Không phải cứ vào trường điểm, lớp chọn là thành thiên tài.Ảnh minh họa.
(PLO) - Với khát vọng con phải vào được trường chuyên, lớp chọn để thành tài, nhiều gia đình biến kỳ nghỉ hè của con thành thời điểm học thêm, luyện thi và test năng lực để lượng sức chọn trường. Để từ đó, những đứa trẻ gánh giấc mơ thiên tài của cha mẹ bước vào con đường học hành quần quật, không kịp ăn một bữa cơm đầm ấm...

Phải vào được…trường điểm, lớp chọn?

Từ nhiều năm nay, các bậc phụ huynh có tâm lý “chọn trường học” cho con cái. Họ chấp nhận cho con học trái tuyến, kể cả đưa đón xa nhà, miễn sao con cái được vào học trong môi trường giáo dục tốt nhất. Vì thế, các “trường điểm”, lớp chất lượng cao và cô giáo dạy giỏi luôn trong tầm ngắm của họ.

Thậm chí cứ vài năm học, họ lại chuyển nhà, chuyển khẩu miễn sao con vào được trường như kì vọng. Có lẽ thế, săn “trường điểm”, cố công cho con học “trường điểm” bao giờ cũng là mục tiêu số một mà các bậc phụ huynh nhắm tới khi có con đến tuổi đi học, cũng như nhu cầu chuyển cấp.

Cuộc đua này càng “nóng” hơn bao giờ hết vào những năm “vàng”. Đơn cử, năm 2018, lứa học sinh “rồng vàng” (sinh năm Nhâm Thìn, 2012) vào lớp 1; Đinh Hợi, “lợn vàng” (2007) vào lớp 6 và Quý Mùi, “dê vàng” (2003) vào lớp 10. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, số trẻ vào lớp 1 trên địa bàn tăng khoảng 20.000 em, học sinh vào lớp 6 tăng 11.000 em và lớp 10 tăng khoảng 

24.000 em so với mọi năm. Sở GD-ĐT TP HCM cũng đưa ra các số liệu, năm học 2018-2019, TP tăng 60.000 em từ tiểu học đến THPT. Trong đó, tiểu học và THPT là bậc học có tỷ lệ tăng cao, trung bình hơn 20.000 học sinh. Bậc tiểu học tăng gấp đôi năm ngoái. 

Và trước mùa tuyển sinh năm nay, sự việc phụ huynh rao bán “suất chạy trường”, cô giáo ra giá 15 triệu đồng công khai trên mạng xã hội tiếp tục làm nóng vấn nạn của ngành Giáo dục. Không chỉ mua “suất” học cho con vào lớp 1 Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) từ giáo viên, nhiều phụ huynh còn công khai rao bán trên mạng như hàng hóa.

“Chị mình muốn nhượng lại suất học trái tuyến vào lớp 1 Tiểu học Trung Tự (Đống Đa, Hà Nội) do nhà chuyển xa không có người đưa đón con, thật sự rất tiếc vì môi trường học quá tốt cả về chất lượng và cơ sở vật chất. Mẹ nào có nhu cầu inbox mình nhé”, chị P.Th. viết trên fanpage “Hội các mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1”. Trên diễn đàn mạng khác, một người đàn ông muốn nhượng lại suất học lớp 1 Tiểu học Nguyễn Du (Hàng Tre, Hà Nội). Anh nói đã mua suất vào trường giá 25 triệu đồng nhưng do chuyển nhà nên đồng ý “sang tên” giá 22 triệu đồng.

Đồng thời, cũng không ít phụ huynh cho hay, họ sẵn sàng chấp nhận cho con học trái tuyến vì “trường phố”, danh tiếng, chất lượng giảng dạy của giáo viên sẽ tốt hơn “trường làng”. Với Tiểu học, mỗi suất “chạy trường” nhiều công sức trung bình có giá từ 1.000 USD đến hơn 2.000 USD, tùy từng trường. Thậm chí, không ít trường dành hẳn một lớp dành cho “ngoại giao”. Nếu mua, suất học vào trường hàng đầu từ 3.000 USD đến 5.000 USD. Những trường top dưới cũng có giá 500 USD đến 1.000 USD. 

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện tượng “chạy trường” đã được nhắc đi, nhắc lại trong thời gian rất dài nhưng các cấp quản lý vẫn không thể giải quyết triệt để. Một xã hội mà phụ huynh phải mất hàng nghìn USD để con được học trường tốt là không thể chấp nhận được. Lý giải nguyên nhân dẫn đến chạy trường không thể giải quyết triệt để là do thực tế khách quan, trong đó không thể không nhắc đến tâm lý của phụ huynh học sinh và chất lượng của các trường không đồng đều.

Có trường dạy tốt, trường điểm nhưng cũng có trường dạy trung bình, kém, nhất là ở các thành phố và vùng đồng bằng. Hơn nữa, điều kiện kinh tế của người dân hiện nay đã khác trước nhiều. Vì vậy, không hiếm gặp trường hợp phụ huynh có “điều kiện” sẵn sàng bỏ tiền để con mình được học ở trường tốt. Nhu cầu lớn trong khi nguồn cung ít dẫn đến chạy trường. 

Tất cả có thành… thiên tài?

Trước vấn nạn chạy trường, chạy lớp, một cô giáo kể: “Cô bạn gái của tôi gọi điện than thở nỗi buồn vì con vừa trượt lớp tiếng Anh thí điểm lớp 6. Bạn đang lo sợ con học lớp đại trà thì sau này không có tương lai. Suốt những ngày hè bạn đã từng mất ăn, mất ngủ vì lo cho con. Giờ bạn chưa biết tính sao với “cô con gái rượu” này. Cô chị năm ngoái đã đậu vào lớp chuyên Anh với số điểm khá cao. Năm nay cô út bước vào cấp 2 một trường điểm của TP.

Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 6 phụ huynh được thông báo các con sẽ thi tiếng Anh thí điểm trong hè. Để vào được lớp này, các em sẽ trải qua một cuộc thi khảo sát năng lực ngôn ngữ tiếng Anh rất gắt gao. Đây còn được coi là lớp mũi nhọn của khối vì tập hợp tất cả học sinh giỏi vào đó. Vì vậy ngay từ khi nghỉ hè hai vợ chồng bạn đã thay phiên nhau để chở con đi học thêm. Nào là học ở nhà riêng của giáo viên, luyện nghe ở trung tâm. Chưa kể học thêm các môn học khác. 

Tâm trạng của bạn tôi có lẽ là tâm trạng chung của nhiều bậc phụ huynh bây giờ. Họ luôn mong con cái mình được học ở những trường có bề dày thành tích. Ngoài ra chúng phải được nằm trong lớp chọn mới yên tâm. Thực ra học ở lớp chọn không phải có tất cả ưu điểm. Nhiều em đã gặp không ít áp lực khi học ở các lớp này.

Có em học đuối không theo kịp bị bạn bè chế giễu rất dễ dẫn đến tự kỉ. Rồi chưa kể những học sinh lớp chọn suốt ngày phải học thêm để theo kịp bạn bè. Học ở lớp chọn thì không được học dốt. Tôi đã từng chứng kiến một phụ huynh đã xin ban giám hiệu bằng được cho con vào lớp chọn. Thế nhưng chỉ một năm sau thì lại đến trường năn nỉ xin ra vì cháu theo không kịp chương trình. Cuối cùng cháu lại chuyển về lớp cũ”.

Cũng thời gian qua, một học sinh lớp 12 TP HCM viết tâm thư bày tỏ, cuộc sống của những học sinh giờ đây gần như chỉ xoay quanh chữ HỌC: “Chúng cháu không biết đến khái niệm nghỉ ngơi, thư giãn. Chúng cháu gần như không còn hiểu được giá trị của những bữa ăn bên gia đình vì gần như suốt một tuần chúng cháu chỉ gần như học thêm đến khi trời tối mịt.

Người bạn ngồi kế cháu, bạn ấy học rất giỏi và các thầy cô đều rất yêu quý bạn ấy. Nhưng bạn ấy khổ lắm. Nhà bạn ấy ở Quận 12 và bạn ấy phải đi xe buýt tới Quận 1 để học thêm mỗi ngày. Từng ngày đi học của bạn ấy bắt đầu từ 5h30 sáng cho tới 11h đêm.

Bạn ấy đã kiệt sức rồi, cháu biết điều đấy. Xin đừng quá kỳ vọng vào tụi con để rồi chính những kì vọng ấy khiến cho mọi người thất vọng. Xin đừng chỉ trích chúng con khi bọn con bị điểm kém. Xin hãy hiểu rằng mỗi người chỉ có những khả năng nhất định và bọn con không phải là thiên tài”.

Nhiều phụ huynh không biết rằng mong đợi quá nhiều với con cái họ có thể tạo ra vết thương không bao giờ có thể được chữa lành trong tâm lí con họ. Tất nhiên, con cái bao giờ cũng muốn làm cho bố mẹ họ tự hào, nhưng một số bố mẹ làm cho điều đó thành không thể được. Điều này có thể tạo ra cuộc sống người lớn bất hạnh khi họ không thể hoàn thành được mong ước của bố mẹ họ và trở nên mong manh hơn và hạ thấp lòng tự trọng của họ...

Theo nghiên cứu “Chạy trường, lớp ở Việt Nam” của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT), mức phí để vào trường điểm khoảng 3.000 USD/suất, cao gấp gần 3 lần so với thu nhập bình quân của người Việt Nam năm 2011. Vấn nạn “chạy trường” bắt nguồn từ ham muốn của phụ huynh muốn cho con em mình vào học các trường trái tuyến. 
60% phụ huynh thừa nhận có “nhờ vả”, đi qua một số “cây cầu” để xin học trái tuyến cho con. Hơn 30% giáo viên thừa nhận có liên quan việc chạy trường. Cứ 4 trong 10 phụ huynh được hỏi cho hay chất lượng trường học và uy tín của trường là lý do họ chọn trường “điểm”. Ngoài ra, một số lý do khác như cơ sở vật chất hay thuận tiện di chuyển.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng dù đúng tuyến, để chắc suất, phụ huynh vẫn “chạy trường” cho con em mình. Điều đáng nói, 67% phụ huynh coi việc gia đình phải tốn thêm chi phí để con được nhận vào trường tốt là bình thường và cho rằng mức chi phí này là “hợp lý” và “chấp nhận” được…

Tin cùng chuyên mục

Quang cảnh buổi Hội thảo

Đại học Nha Trang tiên phong trong việc công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025

(PLVN) -  Ngày 5/11, Trường Đại học Nha Trang đã tổ chức Hội thảo “Đổi mới tuyển sinh đại học nhằm thích ứng với chương trình Giáo dục phổ thông mới”. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Sở GDĐT cùng lãnh đạo Phòng giáo dục Trung học của 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận và Khánh Hòa.

Đọc thêm

Nhiệm vụ trọng tâm đổi mới giáo dục

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) - Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) là chuyện lớn của quốc gia, Đảng và Nhà nước luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong “Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, ngày 15/9/1945”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô': Hành trình dạy - học hạnh phúc

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tôn vinh các thầy cô xuất sắc tiêu biểu tại những vùng khó khăn trên cả nước. (Ảnh: T.Ư Đoàn)
(PLVN) - Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa công bố danh sách 60 gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, xuất sắc dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Đây là năm thứ 10 Chương trình đồng hành lan tỏa thông điệp dạy học hạnh phúc của các thầy cô trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được 'nâng cấp'

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
(PLVN) - Đề cập tới một số khó khăn, hạn chế trong tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cần được nâng cấp cấp độ ở tất cả khác khâu.

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp

'Kế toán - Kiểm toán: Góc nhìn thực tiễn': Bước đệm cho sinh viên vững bước nghề nghiệp
(PLVN) - Sáng ngày 28/10/2024, tại Hội trường lớn, Khoa Kinh tế, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Kế toán - Kiểm toán góc nhìn thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 500 sinh viên tham dự cùng các chuyên gia đầu ngành, mang đến cơ hội quý báu để các bạn trẻ khám phá sâu hơn về nghề nghiệp.

Xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh: Phụ huynh cần gương mẫu trong chấp hành pháp luật

Lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật cho học sinh Trường THPT Việt Đức, Hà Nội. (Nguồn: THPT Việt Đức)
(PLVN) - Sau gần một tháng ra quân mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) cho lứa tuổi học sinh, tình trạng học sinh (HS) vi phạm tại các điểm trường trên cả nước đã giảm và có sự chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh thay đổi tích cực từ phía HS, các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ từ phía phụ huynh lại có dấu hiệu tăng cao.

Kiên cố hóa trường lớp để nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đắk N'Drót, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) được “thay áo mới” nhờ chương trình kiên cố hóa trường lớp. (Nguồn: THCS Lê Lợi)
(PLVN) - Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm, đã dành nhiều nguồn lực cho công việc kiên cố hóa trường học. Nhưng vì số trường học trong cả nước rất lớn - trên 53.000 trường học, trong khi đất nước nguồn lực còn hạn chế, nên việc kiên cố hóa trường học luôn cần sự chung tay của toàn xã hội.