Cuối niên học, những bảng điểm cao chót vót với điểm 10, điểm 9, giấy khen xuất sắc, thành tích học tập nổi trội đang được nhiều phụ huynh khoe trên các trang mạng xã hội. Hay khi có kết quả thi đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn được công bố, phụ huynh lại “đua” nhau đưa lên Facebook, Zalo và nhận về hàng trăm, hàng chục lượt thích, bình luận khen ngợi. Đây là niềm tự hào tổng kết một năm phấn đấu, nỗ lực của nhà trường, gia đình và chính các em học sinh.
Câu chuyện tưởng như rất bình thường, nếu cả cha mẹ và học sinh đều vui lòng với việc chia sẻ thành tích học tập trong thời gian vừa qua của các em. Tuy nhiên, sự việc này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cả phụ huynh. Nhiều người cho rằng đằng sau một bảng điểm đẹp là rất nhiều áp lực đến từ gia đình và các em học sinh. Đây là một trong những “căn bệnh thành tích” đang ngấm ngầm lan tỏa trong môi trường học đường.
Để có được một bảng điểm đẹp, sức ép nặng nề đang dồn lên vai một số học sinh đang trong tuổi ăn, tuổi lớn. Các em phải đối diện với một lịch học kín mít (học thêm và học chính) không có thời gian để ngủ đủ giấc. Không ít em còn gặp vấn đề tinh thần vì bị bố mẹ, giáo viên gây áp lực điểm số.
Theo thống kê của chương trình Khảo sát Hành vi Sức khoẻ của học sinh phổ thông toàn cầu tại Việt Nam, có đến 54,7% học sinh gặp áp lực vì phụ huynh quá kỳ vọng. Để đáp ứng mong muốn của cha mẹ, có những em đã thực hiện các hành động tiêu cực. Ví dụ, vài năm trước từng có vụ học sinh quỳ xuống xin điểm cô giáo vì sợ cha mẹ mắng mỏ. Hay để đạt được điểm cao, một bộ phận học sinh đã thực hiện những hành vi gian lận trong thi cử.
Cô giáo Nguyễn Trang Nhi (THCS Lê Lợi, Hải Phòng) đã có nhiều năm làm chủ nhiệm cho biết, bảng điểm là sự riêng tư của các cá nhân, phụ huynh nên hỏi ý kiến học sinh trước khi đăng lên mạng xã hội. Cô Nhi đưa ra lời khuyên phụ huynh nên hạn chế công khai điểm số của con, tránh tạo áp lực cho con. Đối với những em có kết quả học tập không cao, đây sẽ là “áp lực” vô hình khiến các em tự ti, mặc cảm, có thể dẫn đến sự chia rẽ, mất đoàn kết trong một lớp. Cô cũng cho biết: “Điểm số không nói lên tất cả phẩm chất, năng lực của học sinh. Phụ huynh không nên để các em nghĩ giá trị của một cá nhân chỉ được đánh giá bằng những con số trong học bạ. Ở lứa tuổi của các em, việc cha mẹ khoe bảng điểm, thành tích quá nhiều, có thể gây là tâm lý tự mãn, dẫn đến chủ quan trong việc học tập”.
Đặc biệt, cô nhấn mạnh, việc “sống ảo” bằng điểm số của học sinh có thể dẫn đến những hành động tiêu cực trong giáo dục, như thiếu trung thực trong thi cử, kiểm tra, đánh giá. Thậm chí, nặng nề hơn có không ít trường hợp phụ huynh “xin điểm”, “mua điểm” tạo những bảng điểm sai với năng lực thực chất của học sinh: “Học tập là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của các em học sinh. Vì vậy, phụ huynh nên nhìn vào quá trình nỗ lực, cố gắng cả về việc học hành, rèn luyện đạo đức, kỹ năng, thay vì chỉ chú tâm đến kết quả, mà bỏ qua những điểm tốt khác của học sinh”.
Để làm được việc này, theo cô Trang Nhi, phụ huynh phải đặt các em học sinh làm trung tâm. Mỗi em sẽ có năng lực, thế mạnh riêng, thay vì chạy theo “căn bệnh thành tích”, gia đình nên thường xuyên trò chuyện, tâm sự, tôn trọng ý kiến của học sinh, tập trung phát triển khả năng, sở trường của các em.