Vì phải bảo vệ tính khách quan trong thực thi pháp luật, khi nhận diện được thực chất vụ án ly hôn của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên, nhiều cơ quan báo chí đã lên tiếng, lên án sự thiếu công tâm trong xét xử sơ thẩm.
Nhiều bài báo đã phân tích làm rõ những bất thường và vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thủ tục trong quá trình tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm dẫn đến những phán quyết thiếu cơ sở pháp lý.
Dư luận cũng đặt ra nhiều câu hỏi mà chỉ có những vị thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử mới hiểu được nguyên nhân của những bất thường nói trên.
Diễn biến tại phiên toà phúc thẩm, ngày hôm nay, một lần nữa những người “cầm cân, nẩy mực” lại có thêm những bất thường, khó hiểu:
Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Thị Hoài Giang, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bên nguyên đơn cho biết HĐXX phúc thẩm đã có một số hành vi vi phạm trong quá trình tố tụng, cụ thể như:
Trước khi khai mạc phiên toà xét xử phúc thẩm, đại diện ủy quyền của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nộp đơn yêu cầu thay đổi 2/3 thành viên trong Hội đồng xét xử (HĐXX) là ông Nguyễn Hữu Ba và ông Phan Đức Phương, vì hai vị thẩm phán này đã từng là thành viên trong Hội đồng xét xử, đồng thời là người ký ban hành Quyết định phúc thẩm số 01/2017 trong cùng vụ án này.
Theo quy định tại điều 56 bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Chánh án mới là người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thay đôiỉ HĐXX, nhưng HĐXX của phiên tòa hôm nay lại cho rằng đó là quyền quyết định của mình, đồng thời từ chối yêu cầu của phía bà Thảo.
Việc HĐXX không chấp nhận yêu cầu xin thay đổi thành phần của HĐXX theo yêu cầu của nguyên đơn là vi phạm về thẩm quyền giải quyết theo quy định tại điều 56 Bộ luật Tố tụng Dân sự, đồng thời vi phạm khoản 3, điều 53 của Bộ luật này.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục yêu cầu Toà án trưng cầu giám định năng lực hành vi dân sự của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhưng Thẩm phán cho rằng, ông Vũ bình thường, không phải cần giám định. Với hành vi này thẩm phán xét xử phúc thẩm đã vi phạm quy tắc về thu thập chứng cứ được quy định trong Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Luật sư của bà Thảo yêu cầu triệu tập cơ quan giám định để làm rõ kết luận giám định liên quan đến tài sản chung nhưng HĐXX cũng không chấp nhận.
Mặc dù, bà Thảo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm nhưng điều ngạc nhiên là HĐXX không đặt bất kỳ câu hỏi nào cho các đương sự, thậm chí cắt lời khi Luật sư của bà Thảo hỏi và khi bà Thảo trả lời. Chủ toạ còn hướng dẫn Luật sư phải hỏi thế này thế kia. Việc làm này của HĐXX đã vi phạm nghiêm trọng quyền của các Luật sư và đương sự trong phiên xử.
Qua thẩm vấn tại phiên xử cho thấy có Quyết định 05/2018 của Toà cấp cao đã hủy Quyết định 01/2017 nhưng quyết định này bị ém nhẹm ngay chính tại Toà cấp cao. Cấp sơ thẩm đã xét xử vụ án dựa trên một Quyết định đã bị hủy bỏ và thay đổi trước đó là điều hết sức bất bình thường, đây là hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Dư luận cho rằng việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chia sẻ với báo chí về một nhóm người đang thao túng Trung Nguyên, gây bất ổn về đạo lý, pháp lý và đời sống riêng tư của gia đình là có cơ sở. Lẽ nào một vụ án ly hôn mà 'quan toà' tìm cách phủ nhận ý chí của người khởi kiện, phủ nhận các kháng nghị, kháng cáo có căn cứ pháp lý rõ ràng? Đây là những bất thường khó hiểu.
Đằng sau những vị thẩm phán đang thực thi công lý này là gì? Với những điểm bất thường kể trên, dư luận không thể không nghi ngờ bóng dáng của quyền, tiền và tình đang làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh, chính xác của công lý.