Ngày 30-8-2000, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của Hải Phòng được thành lập và chính thức phát động phong trào trên phạm vi toàn thành phố. Qua 10 năm triển khai thực hiện, phong trào như cây trưởng thành, bám rễ sâu rộng đến từng người dân, từng tổ dân phố, cấp ngành địa phương. Cái cây văn hóa ấy góp phần tạo nên bầu không khí mới, thu hút mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội của thành phố phát triển bền vững.
Những thành quả bước đầu
Năm 2000, toàn thành phố có khoảng 75% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đến năm 2010, tỷ lệ này là 90% và khoảng 80% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Trong 10 năm qua, hơn 1.000 tỷ đồng được sử dụng cho các hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 15,2% năm 2000 xuống còn 4,82% năm 2009. Hơn 300 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức tạo môi trường để các hạt nhân văn nghệ, tác giả và văn nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật… Đó là một vài trong nhiều con số ấn tượng minh chứng cho những kết quả thiết thực mà phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Hải Phòng đạt được trong 10 năm qua. Quy mô triển khai rộng lớn, thời gian triển khai dài, phong trào lôi cuốn sự tham gia của tất cả ngành, cấp chính quyền và đông đảo tầng lớp nhân dân trở thành chiến lược dài hơi trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Bất cứ tổ dân phố, làng xóm nào trên mảnh đất Hải Phòng hôm nay đều có những mô hình thi đua thiết thực và hiệu quả. Các phong trào Tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3; Gia đình không có chồng, con mắc tệ nạn xã hội; Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc; Đề án xây dựng Chi đoàn dân cư văn hóa, nhóm văn nghệ xung kích do Thành đoàn chỉ đạo; Mô hình nông dân sản xuất giỏi; xây dựng trường học văn hóa, cơ quan y tế văn hóa; phong trào 5 không; phong trào 1+3 (một gia đình cựu chiến binh giúp đỡ 3 gia đình)… thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Tất cả cùng góp sức mình vào phong trào lớn, hướng tới mục tiêu phát huy vai trò của các giá trị văn hóa tốt đẹp và nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.
Nhờ thế, phong trào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, công tác chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khỏe, phát triển thể dục thể thao, thực hiện dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ. Khắp đầu làng cuối xóm, từ nông thôn tới thành thị, từ khu dân cư tới các cơ quan, trường học… đều xuất hiện những điển hình tiên tiến. Làng văn hóa Cát Tiên (xã Quang Trung, An Lão), Vĩnh Khê (xã An Đồng, An Dương), Lộc Trù (xã Tiên Thắng, Tiên Lãng) là 3 làng văn hóa tiêu biểu đại diện thành phố dự hội nghị tổng kết 20 năm phong trào xây dựng làng văn hóa toàn quốc; quận Hồng Bàng có 56 tổ dân phố “5 không”; các khu dân cư Nam Am (Vĩnh Bảo), họ giáo Đông Côn (huyện Tiên Lãng) …
Qua 10 năm triển khai thực hiện, phong trào như cây trưởng thành, bám rễ sâu rộng đến từng người dân |
Tránh hình thức trong thực hiện phong trào
Dù đạt được những thành quả bước đầu nhưng phong trào cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện. Dễ thấy nhất là tình trạng triển khai phong trào mang tính hình thức ở một số nơi và ở một số nội dung dẫn tới hiệu quả chưa phản ánh đúng thực chất. Thực trạng đời sống xã hội thành phố còn nhiều vấn đề phức tạp: đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên, thanh niên ngày một nhiều, đạo đức xã hội xuống cấp, môi trường sinh thái ngày càng ô nhiễm, việc cưới, tang, lễ hội nhiều nơi tổ chức còn phô trương, lãng phí. Hiện tượng mê tín dị đoan khi có cơ hội lại bùng phát, một số giá trị văn hóa dân tộc truyền thống đang có dấu hiệu mai một…Những hiện tượng xã hội đó cho thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cần tiếp tục được duy trì trong thời gian dài, bằng nhiều biện pháp cụ thể và thiết thực hơn nữa mới mong đạt hiệu quả như mong muốn.
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành viên Ban chỉ đạo phong trào Vũ Ngọc Quý cho rằng phong trào được triển khai trong phạm vi rộng, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội tham gia, đòi hỏi phải có sự đoàn kết nhất trí để cùng xây dựng đời sống văn hóa, một nhiệm vụ liên quan tới tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế đến cách ứng xử của mỗi cá nhân trong các tình huống khác nhau (văn hóa giao thông, văn hóa công sở…), vấn đề tâm linh (chuyện ma chay, cưới xin, lễ hội…).
Ông Quý cũng khẳng định, vấn đề cấp bách đặt ra với phong trào trong thời gian tới là phải chống chủ nghĩa hình thức. Vì vậy, việc đưa ra những tiêu chí cụ thể, khắt khe; kết hợp chặt chẽ giữa ban chỉ đạo phong trào với các cấp ủy Đảng, chính quyền để xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ, điều chỉnh các vấn đề chưa phù hợp trong đời sống xã hội cần được làm ngay và duy trì trong suốt quá trình thực hiện phong trào.
Hồng Châm