Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình tai nạn thương tích trẻ em năm 2010, Hải Phòng có 46 trẻ đuối nước, trong đó 37 em thiệt mạng. Đây là những con số đau lòng về tình trạng đuối nước của trẻ em trên địa bàn thành phố…
Nhiều trẻ em rủ nhau tắm không có sự giám sát của người lớn rất nguy hiểm, dễ xảy ra đuối nước Ảnh: Duy Lê |
Đuối nước: hiểm họa rình rập trẻ !
Đuối nước là nguyên nhân bao trùm gây tử vong ở lứa tuổi sơ sinh cho đến người chưa thành niên, vượt xa những nguyên nhân gây tử vong khác như tai nạn giao thông, bỏng, ngã, động vật cắn... Tỷ suất đuối nước ở trẻ em Việt
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Trọng An, đuối nước là nguyên nhân nổi bật gây tử vong đối với trẻ từ sơ sinh đến tuổi dậy thì, trong đó hơn 90% trường hợp đuối nước của trẻ dưới 5 tuổi có nguyên nhân từ sự bất cẩn của người lớn. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ môi trường sống không an toàn, nhiều nhà gần ao hồ, sông ngòi nhưng không có rào che chắn, các giếng khơi, bể nước không có nắp đậy. Cái chết thương tâm của hai chị em Vũ Thị P., 12 tuổi và Vũ Văn T., 8 tuổi, ở xã Vĩnh Tiến (huyện Vĩnh Bảo) là một ví dụ đau lòng. P. và T. là 2 chị em ruột, rủ nhau ra chơi ở bờ sông, T. trượt chân ngã, P. vội nhảy xuống cứu em. Do cả hai cùng không biết bơi nên đã tử vong.
Mặc dù không biết bơi nhưng nghe bạn bè rủ, cháu Trần Phú Tr. sinh năm 1997, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng cùng một số học sinh lớp 7, Trường THCS Ngô Gia Tự xuống hồ tắm. Tai nạn xảy ra khi Tr. bị trượt chân trôi ra xa. Bị ngạt nước quá lâu nên Tr. thiệt mạng sau khi được vớt lên.
Về công tác chỉ đạo, phòng chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em, Phó chủ tịch UBND thành phố Hoàng Văn Kể cho biết: UBND thành phố có Quyết định số 2723 phê duyệt Chương trình hành động đến năm 2010 thực hiện Nghị quyết số 21 của Ban Thường vụ Thành uỷ về công tác dân số, gia đình và trẻ em trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và thành phố. Mặt khác, Hải Phòng sớm triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2001-2010 và Chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu tăng cường công tác tuyên truyền và các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng để giảm thiểu trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích và đuối nước, hướng tới xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em sống và phát triển toàn diện.
|
Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức
Cam kết giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em, thành phố tập trung thực hiện 4 giải pháp: tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước; thay đổi, cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng mô hình gia đình an toàn, cộng đồng an toàn; thực hiện các quy định, chính sách về an toàn và phòng tránh đuối nước; phát triển kỹ năng sơ cấp cứu và dạy bơi cho trẻ em. Trong đó giải pháp quan trọng là trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em, khẩn trương khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để đưa quy trình dạy bơi, học bơi cho trẻ em vào trường phổ thông. Bên cạnh đó, các ngành liên quan cần phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân các địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho những cán bộ nòng cốt về vấn đề này để có thể triển khai đến từng nhà, vận động, tuyên truyền đến từng bậc phụ huynh, những người trông trẻ và trẻ em, nhằm hạn chế tối đa tai nạn thương tâm do đuối nước gây ra.
Xử trí trong trường hợp trẻ bị đuối nước
Cấp cứu ngay ở dưới nước: Nắm tóc kéo đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, tát mấy cái thật mạnh vào má nạn nhân để gây phản xạ hồi tỉnh và thở lại.
Khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền phải tiến hành hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt ngay. Khai thông đường hô hấp bằng cách đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên, dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi đường thở và miệng nạn nhân.
Nếu ngừng tim, phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Chỉ bỏ cuộc khi đã hô hấp nhân tạo và ép tim được 2 tiếng mà không thấy nạn nhân phục hồi.
|
Cùng với việc chỉ đạo chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những địa phương để xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em. Lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm trước thành phố nếu thiếu quan tâm trong công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng. Hơn hết, mỗi cá nhân, gia đình và cả cộng đồng cần chung tay vì sự an toàn và phát triển của trẻ em.
Thanh Thủy