Từ truyền thuyết đến tín ngưỡng
Như các tín ngưỡng dân gian khác, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng bắt nguồn từ các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương hay thời đại Hồng Bàng. Các truyền thuyết về thời các vua Hùng đã phủ lên các Hùng Vương vầng hào quang huyền thoại linh thiêng.
Thời đại Hồng Bàng xuất hiện lần đầu tiên trong sách “Lĩnh Nam chích quái”, một tập hợp các truyền thuyết và cổ tích dân gian Việt Nam được biên soạn vào cuối đời nhà Trần. Hạt nhân tâm linh tiêu biểu nhất trong Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ, biểu tượng văn hóa cao đẹp về ý thức cội nguồn dân tộc.
Sau này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên (ra đời vào năm 1479 dưới thời vua Lê Thánh Tông) đã chính thức đưa họ Hồng Bàng vào Quốc sử Việt Nam. Hồng Bàng thị được hợp thức hóa thành kỷ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Tượng thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. |
Truyện Hồng Bàng thị truyện trong sách “Lĩnh Nam chích quái” quyển 1 viết: “Long Quân lấy Âu Cơ rồi đẻ ra một bọc, cho là điềm bất thường, vứt ra cánh đồng; qua sáu bảy ngày, bọc vỡ ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở ra một con trai, mới đem về nhà nuôi... Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đông giáp Nam Hải, tây tới Ba Thục, bắc tới Động Đình hồ, nam tới nước Hồ Tôn (nay là Chiêm Thành).
Chia nước làm 15 bộ (còn gọi là quận) là Việt Thường, Giao Chỉ, Chu Diên, Vũ Ninh, Phúc Lộc, Ninh Hải, Dương Tuyền, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Nhật Nam, Chân Định, Văn Lang, Quế Lâm, Tượng Quận. Chia các em ra cai trị, lại đặt các em làm tướng văn, tướng võ, văn là lạc hầu, võ là lạc tướng. Con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mỵ nương, trăm quan gọi là bồ chính, thần bộc, nữ lệ gọi là xảo xứng (còn gọi là nô tỳ). Bề tôi gọi là hồn, đời đời cha truyền con nối gọi là phụ đạo. Vua đời đời thế tập gọi là Hùng Vương, không hề thay đổi”.
Văn Lang được coi là quốc hiệu đầu tiên của nước Việt Nam, có kinh đô đặt ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Phú Thọ). Về đời sống xã hội, sinh hoạt vật chất còn thô sơ, người dân dùng gỗ làm nhà sàn để ở, dệt cỏ làm chiếu, vỏ cây làm áo. Ngày thường, đàn ông để trần mặc khố, vua quan có thêm áo hai mảnh, còn đàn bà mặc váy.
Về sản xuất, người dân trồng lúa nước, thuần hóa gia súc, dụng cụ có lưỡi cày, đồ dùng có thạp, vũ khí có rìu, đi lại có thuyền. Sinh hoạt tinh thần có những tục xăm mình, nhuộm răng đen, ăn trầu, thờ cúng tổ tiên, tôn thờ các sức mạnh thiên nhiên như thần mặt trời, thần núi, thần sông, thần gió... Vào các ngày lễ hội thường đội trên đầu mũ lông chim, thổi kèn, đánh trống, nhảy múa, bơi chải.
Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết: “Hồi quốc sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm (có chỗ viết là uống), lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa.
Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ lấy gói đất làm đầu, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”.
Lịch sử thời Hùng Vương
Đằng sau bức màn truyền thuyết là yếu tố lịch sử. Bộ sách Việt sử lược - bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại đến nay, do tác giả khuyết danh viết vào khoảng thế kỷ XIV, được lưu giữ trong “Tứ khố toàn thư” của triều Mãn Thanh, Trung Quốc chép rằng: “Đến thời Trang Vương nhà Chu (696-681 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văng Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương”.
Ngoài truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, thời đại Hùng Vương còn có nhiều truyền thuyết khác như truyền thuyết Bánh chưng - Bánh giầy, truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, truyền thuyết Phù Đổng Thiên vương, truyền thuyết Mai An Tiêm và sự tích Trầu Cau...
Nhà nước Văn Lang kết thúc vào năm 258 TCN khi Thục Phán hợp nhất nước Văn Lang với vùng đất của người Âu Việt (Tây Âu) lập nên nhà nước Âu Lạc đóng đô tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Cũng vào năm 258 TCN, An Dương Vương - Thục Phán đã dựng cột đá trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thề “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn, lưu ở miếu Tổ Hùng Vương; nguyện đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và giữ gìn giang sơn gấm vóc mà Hùng Vương trao lại...”.
Từ quan niệm triết lý “vạn vật hữu linh”, người Việt cổ đã lựa chọn thần núi (sơn thần) làm đối tượng tôn thờ trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh và dần hình thành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Năm 40, khi dựng cờ khởi nghĩa, Hai Bà Trưng đã tuyên bố: “Một xin rửa sạch thù nhà/ Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng”. Năm 980, niên hiệu Thiên Phúc Nguyên Niên, triều đình nhà Tiền Lê đã cho soạn Ngọc phả Hùng Vương.
Đến thế kỷ 14 đến 15, Nhà Lê mới bắt đầu cho soạn Ngọc phả Hùng Vương và nâng cấp việc thờ cúng Hùng Vương thành cấp quốc gia. Bằng việc soạn dựng “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh Vương triều Hùng”, năm 1470 triều đại Hậu Lê đã khẳng định vị trí độc tôn dựng nước, sinh dân thuộc về các Vua Hùng. Từ đây Vua Hùng trở thành bậc đế vương muôn đời của nước Việt, có tông phả giữa thế gian, trời, đất.
Ngược lại, tín ngưỡng thờ Quốc Tổ chính là nơi lưu giữ lâu dài, làm cho mã văn hóa trong truyền thuyết về thời đại Hùng Vương được lí giải gần với hiện thực của lịch sử và được lịch sử hóa.
Đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn, tín ngưỡng nói trên lại được nâng tầm hơn nữa bằng các sắc phong của triều đình, giao cho các làng quanh đền Hùng phải chăm lo việc thờ tự, cúng giỗ. Năm 1917, triều đình nhà Nguyễn giao cho Bộ Lễ chính thức chọn, định lệ ngày Quốc lễ - Giỗ Tổ Hùng Vương: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Ngày Giỗ Tổ là ngày cả dân tộc ta tri ân công đức của các Vua Hùng, những người lập nên nhà nước Văn Lang, nền móng của dân tộc và dạy dân cày ruộng, cấy lúa, ban linh khí cho đất đai, nhà cửa, cây trồng, vật nuôi sinh sôi nảy nở, mùa màng tươi tốt, bội thu.
(Đón đọc: Vì sao Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch?)