Phong Điền được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố Cần Thơ với hơn 8.500 ha diện tích vườn cây ăn trái, cho sản lượng trái cây hàng năm trên 105.000 tấn, hội đủ những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.
Ông Nguyễn Út Em, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Phong Điền cho biết, du lịch nông nghiệp góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Thời gian qua, cũng có nhiều nhà vườn, hộ nông dân đầu tư làm du lịch và cũng gặt hái được những kết quả khả quan. Nhiều sản vật của địa phương đã được xây dựng sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, phát triển du lịch. Tại các xã, thị trấn đều xây dựng sản phẩm OCOP của riêng mình nhằm thu hút và giữ chân du khách mỗi khi đến vùng đất này.
Thiền viện Trúc lâm Phương Nam là điểm thu hút khách du lịch tiêu biểu của Phong Điền - Ảnh Phi Thuyền. |
Đến nay, huyện đã có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Về nông thôn mới, diện mạo huyện Phong Điền đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Huyện đang khẩn trương bắt tay hoàn thiện các tiêu chí, phấn đấu đưa huyện về đích nông thôn mới nâng cao trong năm nay. Qua đó, góp phần trong việc xây dựng huyện Phong Điền sớm trở thành đô thị sinh thái như định hướng đề ra.
Theo ông Út Em, hiện nay, toàn huyện có trên 40 km đường giao thông nông thôn liên xã, liên ấp (ngang 4m đến 5m) xe ô tô, xe tải nhỏ lưu thông được. Qua đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân di chuyển hàng hóa nông sản được thuận tiện dễ dàng cả 2 mùa mưa nắng. Mặt khác, đường thủy cũng luôn được nạo vét hàng năm để khai thông dòng chảy và tạo điểm nhấn cho cảnh quan du lịch sông nước miệt vườn.
Phong Điền với nhiều khu du lịch sinh thái thu hút khách trong và ngoài nước - Ảnh Phi Thuyền. |
Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện Phong Ðiền đã triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng điểm để đẩy mạnh phát triển du lịch. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và đột phá để đẩy mạnh phát triển du lịch. Đặc biệt, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác du lịch chuyên nghiệp, tăng cường hoạt động liên kết, mở rộng hợp tác đầu tư.
Ngoài ra, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá; mở rộng, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện. Địa phương còn đặc biệt quan tâm đến phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch. Cạnh đó, thu hút tốt các nguồn lực, phấn đấu đưa du lịch trở ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, là một trong những lĩnh vực trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện Phong Điền.
Liên kết vùng gắn với môi trường sinh thái tự nhiên là điều cần triển khai nhanh hơn nữa, để sớm đưa du lịch Phong Điền trở thành đô thị sinh thái - Ảnh Phi Thuyền. |
Huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn kết nối các khu và các điểm du lịch lại thành một chuỗi du lịch xanh, sạch, phù hợp với sắc thái văn hóa của địa phương, để tạo ra những giá trị kinh tế cao hơn và bền vững. Hiện, huyện đang đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm, giới thiệu con người và vùng đất Phong Điền với du khách gần xa, thông qua nhiều kênh chính thống như: Website Du lịch thành phố Cần Thơ; Cổng thông tin điện tử và Website du lịch huyện Phong Điền.
Ông Nghĩa tin tưởng, sẽ thực hiện thành công một nền nông nghiệp sinh thái, thông minh; nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Phong Điền sẽ trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, huyện đô thị du lịch sinh thái trong thời gian sớm nhất.
Đến nay, trong tổng số các khu, điểm du lịch của huyện có 03 điểm được Hiệp Hội du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu gồm: Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam, Khu du lịch Lung Cột Cầu và 05 điểm được Hiệp Hội du lịch thành phố Cần Thơ công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của thành phố gồm: Vườn trái cây Vàm Xáng; Vườn trái cây Giáo Dương; Vườn trái cây 9 Hồng; Khu di tích lịch sử Giàn Gừa; Làng du lịch sinh thái Ông Đề.