Hôm qua, Đại sứ quán Thụy Điển họp báo về Đối thoại Phòng chống tham nhũng lần thứ 8 với chủ đề “Tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam”. Đại sứ Thụy Điển – ông Staffan Herrstrom - và đại diện một số tổ chức quốc tế tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng chiến thắng trong cuộc chiến chống tham nhũng.
85% và 30%
Các nghiên cứu được đưa ra trong buổi họp báo cho thấy, tham nhũng trong quản lý và sử dụng đất đai ở Việt Nam là một vấn đề vô cùng phức tạp. Qua điều tra, có tới 85% số hộ gia đình cho biết họ phải mất chi phí không chính thức để được cấp “sổ đỏ” – một con số rất lớn. Trong khi đó, có tới 30% doanh nghiệp khẳng định phải chi tiền mua quà cáp, “lót tay” cũng với mục đích có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo Đại sứ Herrstrom, tham nhũng trong quản lý đất đai khiến Nhà nước mất đi nguồn thu thuế lớn, đồng thời là nguyên nhân gây bất ổn trong xã hội khi mà người giàu càng giàu hơn và người nghèo càng nghèo đi. Thậm chí, đại diện Tổ chức Hướng tới Minh bạch – cơ quan đầu mối của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam cho biết khuyến cáo của TI: Cùng với biến đổi khí hậu thì tham nhũng trong đất đai sẽ tạo những áp lực rất lớn đối với sự phát triển của Việt Nam.
Báo cáo đánh giá các yếu tố rủi ro gây tham nhũng trong quản lý đất đai, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ phân tích, hình thức tham nhũng phổ biến nhiều nhất hiện nay là trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu. Còn giá trị tham nhũng lớn hơn là trong thu hồi đất, giao/cấp đất, hay nói cách khác là phân chia địa tô giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh, những hình thức tham nhũng này sẽ làm cho tình trạng nợ công của Việt Nam ngày một tồi tệ hơn.
Tinh thần lạc quan
Tuy nhiên, Đại sứ Herrstrom khẳng định, ông tham gia vào quá trình chống tham nhũng với một tinh thần lạc quan vì mọi vấn đề đều có thể xử lý được. “Chìa khóa cho sự thành công trong cuộc phòng chống tham nhũng, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, có ở mọi nơi. Đó là “Cởi mở, minh bạch, tiếp cận thông tin, trách nhiệm giải trình, báo chí năng động và những người tố cáo tham nhũng được bảo vệ”, ông nói.
Đại diện WB thì tin tưởng, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn của các Đối tác phát triển, Việt Nam sẽ thực hiện thành công các cam kết chính sách để giảm bớt sự trầm trọng của thực trạng tham nhũng trong quản lý đất đai. Các giải pháp đó là có cơ chế khuyến khích người dân tự nguyện chuyển giao đất đai, tổ chức một cơ quan độc lập định giá đất trong quá trình thu hồi đất, công khai thông tin về quy hoạch, xây dựng quy chế bảo vệ mạnh mẽ người tố cáo tham nhũng…
PVNC