Được Quốc hội thông qua tháng 6/2006 và có hiệu lực từ 1/1/2007, Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được đánh giá là một đạo luật có nội dung rất tiến bộ. Tuy vậy, sau một chặng đường thực hiện, bất cập đã đến từ chính việc thực thi luật này.
Có bao cao su là có gái mại dâm
Luật Phòng, chống HIV được đánh giá là tiến bộ vì đã mạnh dạn đưa vào và hướng dẫn cụ thể việc thực thi các biện pháp can thiệp giảm tác hại (CTGTH) trong dự phòng lây nhiễm HIV (Điều 21 của Luật và Nghị định 108/2007/NĐ-CP).
Dẹp bỏ sự kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS vẫn là một thách thức lớn. |
Theo đó, một trong các biện pháp CTGTH trong dự phòng lây nhiễm HIV là cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su (BCS), bơm kim tiêm sạch; và đối tượng được áp dụng các biện pháp can thiệp này là người mua bán dâm, người nghiện chích ma túy, người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới... Tuy nhiên, khi đi vào cuộc sống, những quy định tưởng như rất đơn giản này đã “vấp” phải tương đối nhiều “rào cản”.
Đơn cử như hoạt động cung cấp BCS, luật quy định nhân viên tiếp cận cộng đồng không bị coi là vi phạm pháp luật khi thực hiện việc phân phát BCS và người phụ trách các nhà nghỉ, nhà trọ, nhà hàng có trách nhiệm phối hợp trong việc cung cấp BCS miễn phí.
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều nhân viên hỗ trợ cộng đồng khi tìm đến các nhà nghỉ, khách sạn để thực hiện chương trình, dự án đã bị coi là tiếp tay cho hoạt động mại dâm. Thậm chí, chủ một khách sạn ở Hà Nội (xin ẩn danh) còn cho biết, khi kiểm tra hành chính, nhà chức trách đã quy kết việc nhà nghỉ của ông để khay đựng BCS ở quầy lễ tân và ở ngăn kéo, hoặc kệ đầu giường trong các phòng nghỉ là đương nhiên có chứa chấp mại dâm (!).
Mặt khác, người có quan hệ tình dục đồng giới cũng là đối tượng được luật cho phép áp dụng các biện pháp CTGTH trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS nhưng hiện nay, sự kỳ thị của xã hội đối với nhóm người này còn rất lớn thì chuyện khuyến khích họ dùng BCS khi quan hệ tình dục là điều rất khó khăn.
Cách đây 1 năm, khi trao đổi với báo chí về những bất cập trong thực thi Luật Phòng, chống HIV, Luật sư Trịnh Quang Chiến - Trưởng phòng Tư vấn qua điện thoại 18001521 - Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách y tế, HIV/AIDS (trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam) cũng đã thẳng thắn chỉ ra vô số các “rào cản” khác như sự kỳ thị của xã hội đối với người có HIV, trẻ em không được đến trường, người lớn không được đi làm, bệnh nhân AIDS không được chữa chạy chu đáo khi mắc các bệnh khác...
Theo Luật sư Chiến, nguyên nhân của vấn đề này là vì Luật Phòng, chống HIV/AIDS là luật chuyên ngành, và công việc tuyên truyền để Luật này đi vào cuộc sống là chưa được sâu rộng, chế tài xử phạt người có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống HIV/AIDS còn quá nhẹ và khó có điều kiện thực hiện.
Ví dụ như, khi biết một nữ y sỹ đang làm ở một trạm y tế bị nhiễm HIV, lãnh đạo trạm y tế đã điều nữ y sỹ này xuống làm tạp vụ. Sau khi Trung tâm Tư vấn pháp luật và Chính sách y tế, HIV/AIDS can thiệp, nữ y sỹ này được trở lại làm công việc như ban đầu, nhưng lãnh đạo Trạm y tế trên cũng không bị trách phạt gì...
Khập khiễng đối trọng
Ở một góc độ khác, ma túy và HIV luôn là hai vấn nạn song hành và HIV lan rộng trong xã hội cũng chủ yếu qua con đường tiêm chích ma túy. Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam mới chỉ có hướng dẫn cụ thể về các biện pháp CTGTH trong dự phòng lây nhiễm HIV còn pháp luật về phòng, chống ma túy (PCMT) lại chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, bất chấp việc cai nghiện ma túy không hề đơn giản, nếu không muốn nói là khó khăn với tình trạng người tái nghiện cao. Chính vì thế, song song với việc cai nghiện bằng phương pháp thông thường, các biện pháp CTGTH trong PCMT đã được nhiều quốc gia trên thế giới tính đến, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, lộ trình từ việc “thừa nhận” đến “luật hóa” các biện pháp này cho đến nay vẫn còn rất gian nan, như thông tin của bà Nguyễn Thị Huỳnh - chuyên gia Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, qua thời gian thực hiện thí điểm mô hình thay thế các dạng thuốc phiện bằng Methadone tại một số điểm của các địa phương (Hải Phòng, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), các cơ sở điều trị bằng Methadone đã và đang gặp rất nhiều khó khăn từ phía người dân, chính quyền và sự thiếu “mặn mà” của các bác sĩ trực tiếp điều trị tại các cơ sở này...
Hồng Minh