Người tiêu dùng vẫn là nguồn tin chính
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) nhận định, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái đã có nhiều nỗ lực nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành, đang phát triển ở mức phức tạp, tinh vi và len lỏi khắp các con phố, ngõ, hẻm của Việt Nam. Đặc biệt trong giai đoạn các kênh bán hàng trực tuyến đang nở rộ hiện nay thì việc phân phối hàng nhái, hàng giả càng có thêm nhiều đất để tung hoành.
Hàng nhái, hàng giả ở Việt Nam hiện có 2 nguồn: đa phần hàng từ nước ngoài đưa lậu vào Việt Nam và 1 phần được sản xuất trong nội địa. Hàng biên giới có nhiều lực lượng kiểm soát như hải quan, biên phòng…; Hàng sản xuất trong nội địa có lực lượng QLTT, công an…kiểm soát. “Còn lực lượng nữa đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống hàng giả, chính là doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng (NTD). Đây là nguồn thông tin rất lớn trong hoạt động nghiệp vụ của chúng tôi” - ông Linh nói.
Phòng chống hàng giả là nhiệm vụ của lực lượng chức năng như QLTT nhưng không thể thiếu vai trò của DN và NTD.
Theo ông Linh, kiểm tra, xử phạt chỉ là phần ngọn và nếu cứ chỉ chạy theo hoạt động này thì không thể kiểm soát được tình hình. Do đó, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ chung của tất cả cá nhân, đơn vị, tổ chức tham gia vào thị trường và tiêu dùng, bắt đầu từ những nguồn thông tin liên quan đến những mặt hàng có nghi ngờ giả mạo xung quanh mỗi người.
“Chúng tôi mong muốn, NTD cần nâng cao sự hiểu biết của mình về những sản phẩm mình đang có nhu cầu mua, nhu cầu sử dụng như giá, công dụng, tính năng, lợi ích,… nhất là đối với những sản phẩm, hàng hoá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của họ như mỹ phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng, thực phẩm chế biến. Đồng thời chủ động tố giác các hành vi vi phạm (nếu phát hiện ra) để bảo vệ mình, những NTD khác và những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Đây cũng chính là cách để tất cả cùng chung tay trong hoạt động phòng chống hàng giả, hàng nhái - một hoạt động vô cùng phức tạp hiện nay” - ông Linh bày tỏ.
85% vụ việc là từ nguồn tin của khách hàng
Ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Quan hệ và thị trường chính phủ của Công ty TNHH 3M cho biết, 3M có hoạt động ở 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Do đó, công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái được công ty rất chú trọng do đa phần sản phẩm sản xuất kinh doanh đều liên quan trực tiếp đến NTD. 3M đã có những công cụ để báo cáo về tình hình sản xuất tiêu thụ hàng giả, hàng nhái trên toàn cầu. Báo cáo cho thấy đây là vấn đề khá lớn, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Đức, hầu hết sản phẩm khẩu trang 3M được làm giả hết sức tinh vi, bằng mắt thường và cảm quan cũng khó phân biệt. Hiện, ngoài việc phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thì 3M chủ động có nguồn tin và theo dõi thị trường bằng cách hợp tác với các đơn vị hỗ trợ bảo vệ thương hiệu và tiêu dùng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Đức luôn đánh giá rất cao vai trò của NTD trong việc phát hiện ra hàng giả, hàng nhái bởi khi NTD mua hàng, thấy có dấu hiệu làm giả, làm nhái sẽ báo với 3M (qua kênh hotline và kênh báo cáo online). Tất cả các thông tin nhận được đều được 3M xử lý ngay lập tức.
Đại diện Công ty CP Thời trang Yody cũng cho biết, Yody đang xây dựng nhiều kênh thông tin để khuyến khích NTD phát hiện hàng giả và thông báo với Công ty. Ngoài ra, Yody cũng tích cực thông tin để NTD phân biệt được hàng thật - hàng giả để vừa bảo vệ quyền lợi NTD, vừa bảo vệ chính DN.