QTV - Tính đến ngày 9-5, tỉnh Quảng Ninh đã có 4 địa phương xuất hiện dịch tai xanh ở lợn với số lợn nhiễm bệnh lên tới hàng ngàn con. Đáng chú ý là tại các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương và Bắc Giang, tình trạng lợn nhiễm virus bệnh tai xanh cũng đang có những diễn biến hết sức phức tạp, trong khi đó những nơi được coi là cửa ngõ tiếp giáp giữa Quảng Ninh với những tỉnh, thành này vẫn chưa có chốt kiểm soát liên ngành nào được đưa vào hoạt động.
Lợn vẫn được các lái buôn mua, bán đưa vào địa bàn Quảng Ninh mà không qua kiểm tra, kiểm dịch |
Dọc trục Quốc lộ 18A thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn dễ dàng bắt gặp các điểm trung chuyển lợn. Hàng ngày, lợn từ các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương vẫn ngang nhiên được đưa vào Quảng Ninh tiêu thụ mà không phải qua bất cứ một cơ quan hay bộ phận kiểm dịch nào của địa phương.
11h30 ngày 9-5, tại khu vực xã Hoàng Quế huyện Đông Triều, nhiều tiểu thương đang hối hả dỡ lợn từ chiếc xe tải nhỏ mang biển kiểm soát của tỉnh Hải Dương 34L-1829. Chủ xe cho biết, dọc trục quốc lộ 18A của huyện Đông Triều chưa thấy xuất hiện trạm kiểm dịch nào.
Khó có thể thống kê được một ngày có bao nhiêu chiếc xe chở lợn như thế được đưa vào Quảng Ninh. Và càng khó để có thể biết, số lợn này đã được kiểm dịch hay chưa? Chỉ biết rằng, trong thời gian rất ngắn, từ ổ dịch đầu tiên tại xã Nguyễn Huệ huyện Đông Triều, đến nay trên địa bàn Quảng Ninh đã có 3 địa phương khác là huyện Yên Hưng, TP Hạ Long và huyện Hải Hà cũng đã xuất hiện dịch tai xanh ở lợn. Riêng tại xã Nguyễn Huệ, từ ngày 27/4 mới chỉ xuất hiện 2 ổ bệnh đầu tiên tại 2 thôn với 32 con lợn bị ốm, thì tính đến chiều 9/5 toàn xã đã có trên 1 ngàn con lợn của 38 hộ ở 8/9 thôn bị nhiễm bệnh. Tính bình quân, mỗi ngày ở địa phương này có trên dưới 70 con lợn bị nhiễm bệnh.
Số lợn chết ngày càng tăng, thiệt hại của nông dân ngày càng lớn |
Ông Nguyễn Kim Dự - Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ huyện Đông Triều cho biết công tác dập dịch ở địa phương đang hết sức khó khăn bởi địa bàn xã rộng, trong khi đó toàn xã có 770 hộ chăn nuôi với tổng số trên 5 ngàn con lợn. Hiện số hộ có lợn bị nhiễm bệnh thì nhiều song cơ số thuốc khử trùng tiêu độc được cấp thì lại hạn chế.
Có thể thấy, ngay sau khi xuất hiện các ổ dịch, các địa phương có lợn nhiễm bệnh đã hết sức nỗ lực vào cuộc làm công tác phòng chống. Tuy nhiên, trên địa bàn Quảng Ninh, mỗi ngày lại có thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm con lợn khác bị nhiễm bệnh và bị chết, bởi điểm mấu chốt trong công tác phòng chống là kiểm soát ngăn chặn các hoạt động vận chuyển ra vào vùng dịch đều được triển khai khá chậm. Kết quả là số lợn nhiễm bệnh ngày càng tăng, và thiệt hại của người nông dân thì ngày càng lớn.
Ngày 6/5, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định số 1287 về việc thành lập chốt kiểm soát liên ngành tại Trạm thu phí QL 18 huyện Đông Triều và Trạm Thu phí cầu Đá Bạc thị xã Uông Bí nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Tuy nhiên cho đến chiều ngày 9/5 thì vẫn chưa có trạm kiểm soát nào được đưa vào hoạt động.
Đàm Hằng