Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện (BV) tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…
Hậu quả nặng nề…
Theo nghiên cứu thực trạng bạo lực BV đối với điều dưỡng và một số yếu tố ảnh hưởng tại BV Nhi Trung ương năm 2017: Có tới 72,7% điều dưỡng bị bạo lực trong 12 tháng qua; 65,3% điều dưỡng bị bạo lực lời nói và 23,7% điều dưỡng bị bạo lực thể chất; 42% điều dưỡng viên của BV bị mắc stress vì công việc.
Hiện trạng này càng trở nên báo động khi chỉ trong tháng 04/2018 đã có tới 03 vụ bạo hành cán bộ y tế xảy ra trên địa bàn cả nước. Cụ thể: Ngày 3/4/2018, tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Bắc Kạn, trong lúc người vợ đang được điều trị thì chồng bệnh nhân đã lao vào đánh bác sĩ và điều dưỡng viên.
Ngày 9/4/2018, một ông bố khi đưa con đi cấp cứu tại Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã lao vào đánh bác sĩ và thực tập sinh, khiến thực tập sinh ngất xỉu. Tiếp đó, ngày 13/4/2018, tại BVĐK Xanh Pôn, Hà Nội một người đàn ông xông vào phòng hành hung bác sĩ khi bác sĩ đang ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương cho bệnh nhân.
Sau mỗi vụ bạo hành, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ nhân viên y tế còn mang theo một nỗi đau vô cùng to lớn về tâm hồn. Tỷ lệ người trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do các vấn đề bạo hành y tế khá phổ biến.
Nhiều nhân viên y tế sau các vụ việc bạo hành y tế vì không thể trụ được với nghề đã phải bỏ nghề hoặc chuyển sang các lĩnh vực ít tiếp xúc với bệnh nhân như hành chính, các phòng ban chức năng… Không chỉ những người bị bạo hành bị ảnh hưởng, mà cả những người làm trong lĩnh vực y tế cũng bị tổn thương khá lớn về tinh thần, những nỗi lo sợ mơ hồ cũng dần xuất hiện, tình yêu nghề cũng vì thế phai nhạt dần...
Trường hợp cán bộ y tế bị đánh tại BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. |
Bàn luận về nguyên nhân dẫn tới các vụ bạo hành trong lĩnh vực y tế, tại Tọa đàm “Bạo hành trong BV, vấn nạn và giải pháp” do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc BV K Trung ương nhận định: “Dưới góc độ chuyên môn nghề nghiệp, chúng ta nhận thấy vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực và những nguyên nhân do rượu, bia, ảnh hưởng của các chất kích thích ở một số người bệnh, người nhà bệnh nhân mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác…”.
Phòng chống thế nào?
Từ những nguyên nhân đó, các chuyên gia cho rằng mỗi cơ sở y tế để phòng chống bạo hành thì phải xây dựng môi trường y tế thật sự chuyên nghiệp đặc biệt quy trình làm việc phải tốt. Cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo
hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra. Đồng thời cá nhân mỗi nhân viên y tế phải tự có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì phải hiểu rằng những cái gì đang có nguy cơ đe dọa đối với mình. Khi hiểu được điều đó thì đấy là cách bảo vệ tốt nhất bởi môi trường xung quanh bảo vệ chúng ta không quan trọng bằng tự một nhân viên y tế phải có ý thức phòng chống để không xảy ra bạo hành.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện tượng gây rối an ninh BV, vấn nạn hành hung bác sĩ đang lan rộng và tăng nhanh trên phạm vi cả nước. Để phòng ngừa hiện tượng này, thời gian qua, Bộ Y tế đã có những ký kết với Bộ Công an, một số Sở Y tế cũng đã ký kết phối hợp với Công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực các bệnh viện.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị chỉ đạo các BV tăng cường an ninh BV, thậm chí đặt cả camera nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn, nhiều vụ khi gọi được công an thì việc đã xong…
Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên y tế, trong thời gian tới ngành y tế và ngành công an sẽ có những kí kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong BV để kịp thời xử lý. Ngành y tế cũng mong các BV phối hợp với ngành Công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, ngành Y tế hiện sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh toàn diện, đổi mới quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của BV nhằm thực hiện tốt các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của người bệnh, đặc biệt đối với người bệnh bảo hiểm y tế khi đến khám tại BV.
Trong những năm gần đây để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay, hiện Bộ Y tế đã ban hành 83 tiêu chí đánh giá chất lượng BV, quán triệt quan điểm “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị” trong mọi hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Căn cứ trên các văn bản hướng dẫn, các BV trên địa bàn cả nước đã tích cực cải tiến chất lượng. Với những động thái đầy tích cực này, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh hy vọng vấn nạn trên sẽ đẩy lùi và giải quyết dứt điểm.