Phong cách Donald Trump 'thổi bay chuẩn mực tổng thống Mỹ'

Trump vẫy tay trước khi bước lên trực thăng tại Nhà Trắng năm 2017
Trump vẫy tay trước khi bước lên trực thăng tại Nhà Trắng năm 2017
(PLO) - Ông Trump lãnh đạo bằng phong cách chưa từng có, làm thay đổi nền chính trị ở Washington và cái nhìn của thế giới với nước Mỹ.

Tuyên bố “đầm lầy cần rút cạn”

Trước khi tới Washington nhậm chức Tổng thống Mỹ vào đầu năm 2017, Donald Trump gọi đây là "đầm lầy" mà ông cần "rút cạn".

Chỉ sau hai năm cầm quyền, Trump dường như đã thực hiện đúng cam kết của mình và viết lại tất cả mọi quy tắc của người đứng đầu nước Mỹ cũng như những chuẩn mực từng được thừa nhận rộng rãi ở thủ đô, gạt bỏ những cách hành xử và truyền thống được duy trì qua nhiều đời tổng thống Mỹ.

Trong một bài viết, bình luận viên Jonathan Lemire cho rằng trong nền chính trị ở Washington dưới thời Trump, những thứ được coi là "sự thật" không còn quá quan trọng. Nghị sĩ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở quốc hội Mỹ ngày càng có xu hướng lên án, công kích cá nhân lẫn nhau thay vì nỗ lực phối hợp để tìm tiếng nói chung, khiến chính phủ Mỹ phải đóng cửa tới ba lần trong năm 2018.

Tại Nhà Trắng, các cuộc họp báo dần thưa thớt, thậm chí có giai đoạn không được tổ chức trong thời gian dài, các phóng viên đưa tin phải chịu nhiều ràng buộc hơn, thậm chí hãng CNN đã phải cân nhắc kiện Tổng thống Trump ra tòa vì cản trở nhà báo của họ tiếp cận Nhà Trắng.

Với những quy định nhập cảnh ngặt nghèo của chính quyền Trump, các cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế cũng thưa thớt hơn.

"Ông ấy đã thổi bay những gì được coi là chuẩn mực của một tổng thống Mỹ", Douglas Brinkley, nhà sử học tại Đại học Rice, nhận xét. "Trump không tự coi mình là người kế thừa truyền thống của các đời tổng thống trước đây, mà ngược lại, ông ấy coi việc làm tổng thống như sự mở rộng cho tính cách cá nhân của mình".

Nhiều nhà quan sát từng dự đoán rằng phong cách "mạnh miệng" trong các phát ngôn của Trump năm 2016 chỉ là chiêu trò tranh cử và ông sẽ từ bỏ kiểu ăn nói này để trở nên "tổng thống hơn" sau khi nhậm chức. Nhưng những gì Trump thể hiện trong hai năm qua cho thấy họ đã lầm.

Trump luôn tin rằng sự khó lường của mình chính là phẩm chất khiến cả nước Mỹ phải chú ý tới ông và đặt ông lên bệ phóng thành công. "Tôi có những chiếc máy nhắc chữ ngớ ngẩn ở đây. Các bạn chắc không phiền nếu tôi không dùng đến chúng tối nay", Trump nói trước đám đông ủng hộ tại một sự kiện ở bang Nam Carolina hồi tháng 6/2018. "Mỗi khi nhìn vào nó, tôi thấy nó thật chán và không cần thiết. Nước Mỹ đã trở lại, lớn hơn, tốt đẹp hơn và mạnh hơn bao giờ hết".

Phong cách "bất chấp sự thật và chống lại thông lệ" 

Trên thực tế, Trump mang tới Nhà Trắng phong cách "bất chấp sự thật và chống lại thông lệ" vốn đã giúp ông đắc cử. Ngay từ những ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, Trump đã đưa ra những thông tin sai lệch về quy mô đám đông dự lễ nhậm chức cũng như cáo buộc không có cơ sở về hàng triệu cử tri bỏ phiếu trái phép.

Sau hai năm điều hành Nhà Trắng, Trump vẫn không từ bỏ phong cách này. Cách đây vài tuần, Tổng thống Mỹ đưa ra những tuyên bố không chính xác về nhiều vấn đề, từ hành động can thiệp bầu cử của Nga, thương mại của Mỹ cho tới ngân sách quốc phòng NATO.

Ông nhiều lần tuyên bố trong năm qua rằng ông đã thông qua luật cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, nhưng điều này không đúng. Trump còn nói rằng nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn thịnh vượng nhất lịch sử, rằng ứng viên thẩm phán Tòa án Tối cao Brett Kavanaugh được ông đề cử từng tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Luật Yale, dù trường này không xếp hạng sinh viên.

Theo chuyên gia Lara Brown thuộc Đại học George Washington, những phát ngôn thiếu chính xác của Trump không gây ra hậu quả nghiêm trọng ngay lập tức, nhưng hiệu ứng tích tụ của chúng khiến uy tín, quyền lực của Nhà Trắng ngày càng bị bào mòn trong mắt dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế.

Khi một báo cáo liên bang về biến đổi khí hậu được công bố tháng trước cho thấy tác động ngày càng tiêu cực của hiện tượng này, Nhà Trắng lập tức ra tuyên bố tỏ ý nghi ngờ về các số liệu và khẳng định một cách sai lầm rằng rất nhiều nhà khoa học hoài nghi về biến đổi khí hậu. Tuyên bố này của Nhà Trắng đã vấp phải làn sóng phản ứng dữ dội của giới khoa học, khiến mức độ đáng tin cậy của chính quyền Trump bị suy giảm.

Tương tự, khi Trump đe dọa sẽ đóng cửa chính phủ Mỹ để có được khoản ngân sách hơn 5 tỷ USD để xây dựng bức tường biên giới với Mexico, phần lớn các chính trị gia ở Washington chỉ coi đây là một chiêu "bạo miệng" nữa của Tổng thống và gần như không một nỗ lực nghiêm túc nào được thực hiện để ngăn chặn điều này.

Hậu quả là chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa trong dịp Giáng sinh và khó có thể mở lại trước năm mới, khi thượng viện Mỹ không thể thông qua được dự luật ngân sách liên bang.

Những "cơn bão tweet"

Khi các cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày càng thưa thớt và chỉ có một cuộc được Thư ký báo chí Sarah Sanders tổ chức trong tháng 12/2018 trong vòng 15 phút, cách liên lạc chủ yếu của chính quyền Trump với công chúng chủ yếu thông qua tài khoản Twitter của Tổng thống.

Trump có những lúc tung ra "cơn bão tweet" làm rung chuyển Washington, với những thông báo có khi khiến cả các quan chức cấp cao và cơ quan chính phủ Mỹ phải giật mình.

Quyết định về việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria chỉ được Trump thông báo trên Twitter, trong khi các nghị sĩ Mỹ phàn nàn rằng họ không được tham vấn hay hỏi ý kiến về hành động này. Các quan chức Lầu Năm Góc dường như cũng hoàn toàn bất ngờ, với đỉnh điểm là lá thư từ chức sau đó của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis để phản đối.

Trong những dòng tweet của mình, Trump sử dụng những từ ngữ mà có lẽ không một tổng thống Mỹ nào khác từng dùng trước công chúng. Ông gọi lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện là "Chuck Schumer khóc nhè", truyền thông Mỹ là "kẻ thù của người dân", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện là "Bob Corker bé nhỏ". Cựu ngoại trưởng Rex Tillerson còn bị Trump chê là "ngu ngốc" trên tài khoản Twitter có hơn 56 triệu người theo dõi.

Những lời lẽ mang tính miệt thị người khác của Trump như vậy dần dần len lỏi vào đời sống chính trị ở Washington, khi nhiều quan chức bắt đầu sử dụng những từ ngữ "phi truyền thống" để công kích đối thủ.

Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke gần đây viết trên Twitter rằng nghị sĩ đảng Dân chủ Raúl M. Grijalva, người kêu gọi ông từ chức, chỉ là "ếch ngồi đáy giếng". Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi thì nói rằng việc xây bức tường biên giới với Trump là "vấn đề trưởng thành của đàn ông", thậm chí còn so sánh Tổng thống với "con chồn".

Trump còn thay đổi cách thức lãnh đạo nước Mỹ theo nhiều cách khác nhau mà những người tiền nhiệm không bao giờ sử dụng đến. Ông muốn áp đặt quyền lực lên FBI để không mở cuộc điều tra với cựu trợ lý Nhà Trắng, trong khi trách móc Bộ Tư pháp vì không xem xét các cáo buộc nhắm vào đối thủ chính trị của ông.

Ông đe dọa sa thải Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed), cơ quan có tính độc lập về chính trị ở Mỹ, vì đã tăng lãi suất, điều bị Trump cho là kéo chậm tăng trưởng kinh tế. Khi các đám cháy rừng bùng phát ở California, ông chỉ trích người dân và lực lượng cứu hỏa ở đây quản lý rừng yếu kém.

Ông không thèm đến dự những sự kiện nghệ thuật quốc gia mà không người tiền nhiệm nào từng bỏ lỡ, chẳng hạn như lễ trao huy chương danh dự của Trung tâm Kennedy cho các nghệ sĩ có nhiều đóng góp.

"Ông ấy là một Tổng thống độc nhất vô nhị", sử gia Brinkley nhận xét. "Trump không biết nhiều về lịch sử và không tự mình rập khuôn theo bất cứ tổng thống Mỹ nào khác". Brinkley không dám chắc phong cách lãnh đạo của Trump có được duy trì ở Washington sau khi ông mãn nhiệm hay không, nhưng dự đoán rằng "không tổng thống tương lai nào của Mỹ sẽ học theo ông ấy".

Trên bình diện quốc tế, Trump cũng phá vỡ những khuôn thước ngoại giao được nhiều đời tổng thống Mỹ xây dựng và gìn giữ, làm thay đổi cái nhìn của cả thế giới với hình ảnh của nước Mỹ.

Ông khước từ thực thi các chính sách ngoại giao đa phương truyền thống, thay vào đó ưu tiên cho những mối quan hệ mang tính "giao dịch cá nhân" và thích tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh song phương.

Tổng thống Trump gieo nhiều hoài nghi, căng thẳng với các đồng minh truyền thống, từ nước láng giềng Canada tới đồng minh Pháp, Đức ở châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc ở châu Á, trong khi tìm cách cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un.

Trump hồi tháng 11/2018 bỏ qua một loạt hội nghị thượng đỉnh cấp cao ở châu Á, những sự kiện mà các đời tổng thống Mỹ trước đây thường có mặt và đưa ra những phát biểu quan trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng phong cách né tránh này của Trump đã khiến Mỹ vuột mất cơ hội củng cố ảnh hưởng ở châu Á, nhường lại sân khấu cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Đọc thêm

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024

Bangkok trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024
(PLVN) - Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã được Euromonitor International vinh danh là thành phố du lịch hàng đầu thế giới năm 2024, nhờ vào kỷ lục đón 32,4 triệu lượt khách quốc tế. Con số này vượt xa thành phố đứng thứ hai là Istanbul, nơi đón 23 triệu lượt khách nước ngoài.

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này

Những ngày lễ quốc tế đáng chú ý tuần này
(PLVN) - Tuần này đánh dấu những ngày lễ quốc tế quan trọng, nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm chung trong việc xây dựng một thế giới công bằng, tôn trọng nhân quyền và bảo vệ môi trường tự nhiên.

Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt tại Syria nên liên hệ đường dây nóng Đại sứ quán Việt Nam

Khói bốc lên trong cuộc giao tranh tại Syria. Ảnh: IRNA/TTXVN
Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria đã đề nghị Syria cung cấp thông tin về công dân Việt Nam có khả năng đang sinh sống, làm việc tại Syria. Trong trường hợp khẩn cấp, công dân hãy liên hệ số đường dây nóng bảo hộ công dân +98 933 965 8252/+98 991 205 7570 (Whatsapp); hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: +84 981 84 84 84.

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua

Loạt thảm kịch trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Thế giới chứng kiến nhiều sự kiện đáng buồn, từ thiên tai, tai nạn, hoả hoạn, đến tội ác nhằm vào nhà báo và bệnh dịch bí ẩn..., khiến hàng trăm sinh mạng bị cướp đi.

Đàm phán FTA giữa Khối EFTA và Thái Lan chính thức đặt dấu mốc

Đại diện các nước EFTA (Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sỹ) và Thái Lan họp trực tuyến về việc kết thúc việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên.
(PLVN) - Ngày 29/11/2024, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA), gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, chính thức kết thúc đàm phán với Thái Lan về Hiệp định Thương mại tự do (FTA).  Thỏa thuận này mở ra một chương mới trong quan hệ thương mại giữa hai bên, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực và mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại cả hai khu vực.

Namibia có nữ tổng thống đầu tiên

Bà Netumbo Nandi-Ndaitwah trở thành Tổng thống thứ 5 của Namibia kể từ khi nước này giành độc lập hồi năm 1990.
(PLVN) - Ngày 3/12 (giờ địa phương), Chủ tịch Uỷ ban Bầu cử Namibia (ECN) Elsie Nghikembua thông báo, nước này đã bầu ra tân Tổng thống sau cuộc bầu cử diễn ra hôm 27/11.

Nhà Trắng nêu lý do Tổng thống Joe Biden ân xá cho con trai

Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden đã gây tranh cãi khi ký lệnh ân xá vô điều kiện cho con trai Hunter Biden, người bị buộc tội vi phạm thuế và sở hữu súng trái phép. Nhà Trắng giải thích, đây là quyết định nhằm bảo vệ Hunter trước các cuộc công kích chính trị, nhưng động thái này đã vấp phải chỉ trích từ cả Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ.