Phòng bệnh ung thư trước khi quá muộn

Bệnh nhân và người nhà làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều
Bệnh nhân và người nhà làm thủ tục khám chữa bệnh tại Bệnh viện K Tân Triều
(PLVN) - Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mắc mới ung thư của Việt Nam năm 2018 đã tăng lên 165.000 ca. Đặc biệt, Việt Nam xếp vị trí 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỉ lệ mắc ung thư 151,4/100.000 dân, xếp 19 châu Á và thứ 5 tại khu vực Đông Nam Á. Một con số “giật mình”, hãy phòng bệnh ung thư trước khi quá muộn!

Ung thư vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với người dân Việt Nam bởi tỷ lệ người chết, người mắc mới gia tăng nhanh chóng mỗi năm. Việc điều trị ung thư tại các cơ sở y tế trong nước đã có nhiều tiến bộ, nhưng thống kê vẫn cho thấy ung thư là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu ở nước ta.

Chình vì vậy, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức phòng bệnh trước khi quá muộn. Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Mọi người hãy “lưu ý và thay đổi” khi chưa quá muộn! Vì với ung thư, dự phòng là số 1”.

Ăn uống và chất bảo quản thực phẩm

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, đừng dễ dàng đưa miếng ăn vào miệng, bởi ung thư thực quản, dạ dày, gan, đường tiêu hoá là những loại ung thư có liên quan trực tiếp đến thói quen ăn uống của chúng ta. 

Mọi người cần tránh sử dụng thực phẩm chứa độc tố Aflatoxin (gây ung thư gan) như nấm mốc, các loại tương lên men, hắc xì dầu, thực phẩm đã mốc, mọc mầm… cũng như các loại cà muối, dưa muối, củ cải muối lâu ngày. Mọi người cũng nên hạn chế ăn uống vỉa hè, trà trân châu các kiểu vì nguồn gốc thực phẩm và độ an toàn vệ sinh là điều nhức nhối.

Tránh ăn các loại thức ăn bị cháy khét, tạo than bao quanh vì các loại thực phẩm này chứa rất nhiều độc tố liên quan bệnh lý ung thư, đặc biệt là các loại ung thư đường tiêu hoá. Hạn chế chiên, nướng, xào, rán. Hạn chế sử dụng nhiệt độ quá cao trong quá trình chế biến thực phẩm. Nếu được nên ưu tiên sử dụng rau củ quả sống, salad, hấp... các loại thịt cá nên luộc, kho nhạt, nấu canh, ăn lẩu và hấp.

Hạn chế ăn các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích, hot dog, pates, các thực phẩm có nhiều chất bảo quản, hàm lượng muối quá cao, chất tạo hương, chất tạo mùi, phụ gia, hoặc phẩm màu.

Tạo thói quen sử dụng các loại rau, củ, quả, chất xơ và các loại hạt (lạc, vừng, điều, ô liu, hạnh nhân, hướng dương..) trong chế độ ăn hàng ngày. Tăng cường sử dụng các thực phẩm chống oxi hoá, nhiều vitamin A, C như cà-rốt, cam, chanh, đu đủ, cà chua, trà xanh, xúp lơ… và đặc biệt là các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ…) và các loại bầu, bí (bí đỏ, bí xanh…). Nên ưu tiên các loại thịt trắng (gà, vịt, chim…) và hải sản, các loài cá.

Bổ sung đủ Vitamin D hàng ngày bởi Vitamin D rất quan trọng cho cơ thể, tuy nhiên chỉ 10% nhu cầu lượng Vitamin D hàng ngày được cung cấp qua ăn uống, vì vậy để đảm bảo cơ thể không thiếu hụt Vitamin D, ngoài việc mọi người cần vận động thể dục đều đặn hàng ngày dưới điều kiện ánh sáng tự nhiên (cần tránh khoảng thời gian 10h -16h), chúng ta cũng cần chủ động uống bổ sung viên canxi và Vitamin D.

Hạn chế thực phẩm để quá lâu, thực phẩm đã có mùi, thưc phẩm đã chế biến quá 24h, thực phẩm quá mặn, quá ngọt hoặc quá nóng, quá lạnh. Thức ăn nóng và có dầu mỡ không nên đựng trong các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa, xốp, nylon. Thủy tinh, sứ là những vật liệu an toàn đối với việc lưu trữ thực phẩm.

Xây dựng lối sống lành mạnh và biết cách cân bằng chúng

Luôn biết cách cân bằng một cách hợp lý giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn giúp giải tỏa stress. Sự kết hợp chế độ ăn uống khoa học, chế độ tập luyện và một giấc ngủ đủ giấc là cách phục hồi năng lượng tốt nhất sau một ngày làm việc căng thẳng, từ đó tăng cường hệ miễn dịch chống lại sự nhen nhóm phát triển của tế bào ung thư.

Hút thuốc lá và uống quá nhiều rượu là hai thói quen “chết người” hiện nay của thanh niên chúng ta. Nhiều người “ngây thơ” nghĩ rằng hút thuốc chỉ ảnh hưởng đến phổi, uống rượu chỉ bị dạ dày và gan. Thực tế sự tàn phá của thuốc lá và rượu vô cùng khủng khiếp và xảy ra ở hầu hết cá cơ quan, bộ phận trong cơ thể chúng ta. Thậm chí còn góp phần gây thai nhi dị dạng, thai non hoặc yếu sinh lý, vô sinh.

Tiêm phòng đầy đủ để ngăn ngừa những căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan virus, human papillomavirus (HPV) bởi đây là các nguyên nhân gây ung thư gan và cổ tử cung rất phổ biến ở Việt Nam.

Luôn lắng nghe cơ thể mình! Khi chúng ta thấy mệt mỏi, nhức xương về sáng, chóng mặt, ăn không ngon miệng, mất ngủ…, bác sĩ Khánh khuyên nên chủ động đi kiểm tra sức khoẻ sớm; tránh để xảy ra nhưng dấu hiệu muộn như gầy sút cân, thiếu máu, sốt kéo dài…

Thể thao tăng cường chuyển hoá và sức đề kháng

Đây là giải pháp nâng cao sức khoẻ và cải thiện hệ thống miễn dịch rất tốt và ai cũng có thể thực hiện được. Một nghiên cứu của Viện Ung thư Hoa Kỳ thực hiện trên 14 triệu người thường xuyên vận động thể chất cho thấy những đối tượng này giảm nguy cơ mắc 13 các loại bệnh ung thư thường gặp so với những người ít vận động thể chất. Nghiên cứu cũng ước tính mỗi năm có hơn 500 nghìn ca ung thư được chẩn đoán liên quan đến béo phì.

Hạn chế tiếp xúc với hóa chất, thuốc tây và các tia bức xạ

Một số hoá chất sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm, công nghiệp chăm sóc sắc đẹp, in ấn, da giày, thuốc nhuộm tóc, sơn móng tay, mực in, chất tạo màu... có chứa nhiều hoá chất tăng nguy cơ ung thư. Do đó, chúng ta cần mang bao tay, khẩu trang, tăng cường thông thoáng khí, sử dụng các hệ thống lọc khi tiếp xúc. 

Hạn chế tác hại của tia tử ngoại (đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, lúc cường độ tia tử ngoại cao nhất trong ngày) bằng cách sử dụng kem chống nắng, dùng mũ, dù che nắng khi tiếp xúc với tia tử ngoại và hạn chế tối đa xuất hiện ngoài trời trong khung giờ trên. Những tia xạ này chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư da (hay gặp hơn ở người da trắng), ung thư bạch cầu, ung thư giáp.

Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, các hoá chất bảo vệ và kích thích tăng trưởng. Hiện nay thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc trừ sâu trừ cỏ còn rất nhiều. Và đáng ngại hơn nữa là mọi người chưa có ý thức sử dụng các phương tiện bảo hộ cần thiết như mũ, khẩu trang, găng tay, áo chống thấm nước… Các bạn trẻ sử dụng những chất kích thích tổng hợp, thuốc lắc, ma tuý đá… cũng không tránh khỏi những nguy cơ bệnh lý nguy hiểm về sau.

Đặc biệt, theo bác sĩ Khánh một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng việc làm dụng một số thuốc tây (thuốc tránh thai, thuốc điều chỉnh nội tiết tố…) cũng có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, phổi, đa u tuỷ xương và u lympho.

Kiểm tra sức khoẻ định kỳ

Theo bác sĩ Khánh, mọi người nên xây dựng thói quen đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho mình và người thân, ít nhất 6 tháng một lần! Và mỗi gia đình nên có “Quỹ tài chính cho sức khoẻ” để hàng năm cả nhà đi kiểm tra sức khoẻ. Vì với tất cả các loại ung thư, việc phát hiện sớm đóng vai trò quyết định trong điều trị và tiên lượng.

Lựa chọn nơi sống thoáng đãng

Tình trạng ô nhiễm không khí tại các trung tâm thành phố lớn đang ngày càng trở nên trầm trọng. Vì thế, theo bác sĩ Khánh, cần lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, càng nhiều cây xanh càng tốt!

Cuối tuần nên tạo thói quen cho cả nhà ra ngoại ô, vùng biển hoặc lên núi đồi, nơi nhiều cây xanh để “thanh lọc” hệ hô hấp. Nên đeo kính và khẩu trang khi ra đường, để bảo vệ mắt và đường hô hấp tránh khói và những hạt bụi vô cùng nhỏ.

“Thực sự cuộc sống của mỗi chúng ta đều do chúng ta định đoạt. Ta lựa chọn lối sống “buông thả”, cuộc đời sẽ trả lại cho chúng ta những kết quả tương ứng. Vậy nên tôi rất mong mọi người, hãy tạo thói quen xây dựng cho gia đình mình một lối sống lành mạnh và khoa học, vì đó chính là “Truyền thống gia đình” và rất nhiều những thế hệ con cháu mình sẽ được thừa hưởng và duy trì”, bác sĩ Khánh nhấn mạnh.

Đọc thêm

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.

Nhập viện cấp cứu, điều trị tâm thần do hút thuốc

Bệnh nhân nhập viện do bị tràn khí màng phổi. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - Ông N.B.T (sinh năm 1969, ở Đông Anh, Hà Nội) mới được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng khó thở, đau chói vùng ngực phải, khi hít vào càng đau quặn hơn không chịu được.

Mối nguy 'bánh mì bẩn'

Ảnh minh hoạ.
(PLVN) -  Sự việc hơn 300 người nghi ngộ độc thực phẩm, 1 người không qua khỏi sau khi ăn bánh mì mua từ một tiệm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến chúng ta buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật. Đó là món ăn đường phố nói chung và bánh mì thịt nói riêng, nét “ẩm thực độc đáo” của Việt Nam; nếu không được chế biến, bảo quản kỹ lưỡng, không được quản lý chặt chẽ đầu vào, người bán không có tâm; thì đã, đang và sẽ là một mối nguy cho xã hội.

Rối loạn tâm thần do lạm dụng thuốc lá điện tử

Ảnh minh họa: BV Bạch Mai
(PLVN) -  Bệnh nhân cho biết, một đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng, ngủ không sâu giấc, ăn kém ngon miệng. Để giải tỏa những cảm xúc trên, bệnh nhân đã pha cần sa với tinh dầu thuốc lá điện tử để hút cả đêm, rồi ngủ gục trên giường, bỏ cả làm.