Những năm qua, các tỉnh có biên giới với Trung Quốc đã tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực, phối hợp với chính quyền các tỉnh biên giới Trung Quốc mở các lối mở, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại…, thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới.
Có thể nói, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc ký tháng 9/2016 với 16 điều đảm bảo tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung hàng năm ở mức ổn định, bền vững khoảng 30%.
Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc thực hiện thông qua các cửa khẩu biên giới đất liền và khu chợ biên giới được hai bên thỏa thuận nhất trí mở tại 7 tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên của Việt Nam và 2 tỉnh/khu Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Vì thế, hoạt động giao thương sẽ diễn ra tại các chợ biên giới của người và phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh; hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào các khu (điểm) chợ biên giới thông qua đường qua lại biên giới mà hai bên thỏa thuận mở.
Hiệp định ra đời đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới. Đồng thời, đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao vai trò của thương mại biên giới trong thương mại song phương. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, trái cây tươi, cao su….
Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Cửa khẩu Ma Lù Thàng, lối mở Pô Tô (huyện Phong Thổ) và Cửa khẩu phụ U Ma Tu Khoòng (huyện Mường Tè) nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tăng thu ngân sách cho địa phương. Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng, năm 2016 và 6 tháng năm 2017, tổng số lượt phương tiện chở hàng ra vào Cửa khẩu Ma Lù Thàng đạt 22.993 lượt xe; tổng số phí thu được đã nộp ngân sách nhà nước 70,086 tỷ đồng. Giá trị xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở trong 9 tháng năm 2017 đạt 9,96 triệu USD.
Nhằm phát huy lợi thế về cửa khẩu, UBND tỉnh đã triển khai quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu và coi đây là khâu đột phá trong đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Ma Lù Thàng và UBND các huyện biên giới sửa chữa, cải tạo các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cửa khẩu, lối mở biên giới. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư các kho, bãi kiểm đếm hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu và tái xuất hàng hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 1 kho ngoại quan và 3 địa điểm kiểm tra, giám sát hải quan đã được Tổng cục Hải quan công nhận.
Tại cửa khẩu Ma Lù Thàng, có nhiều doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Cụ thể, năm 2017, có 31 doanh nghiệp được UBND tỉnh công bố lựa chọn tạm nhập, tái xuất hàng hóa qua lối mở và cửa khẩu phụ thì doanh nghiệp có số lượt tái xuất nhiều nhất qua lối mở là Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Nghĩa Anh (Lào Cai) với 528 lượt, số phí đã nộp là 3,45 tỷ đồng; Công ty TNHH Nhã Phương (Quảng Ninh) thực hiện 487 lượt tái xuất mặt hàng thực phẩm đông lạnh nhiều nhất, số phí đã nộp 1,797 tỷ đồng.
Tính đến tháng 11/2017, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ở Lào Cai đã đạt khoảng 1.884 triệu USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu đạt 473,8 triệu USD, tăng mạnh tới 64,9% so với cùng kỳ năm 2016; nhập khẩu đạt 437,4 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2016; giá trị hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới ước đạt khoảng 0,2 triệu USD; các loại hình khác đạt 972,4 triệu USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai cho biết, tính đến tháng 11/2017, chỉ riêng kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành ước tính đã đạt khoảng trên 1 tỷ USD, tăng trên 70% so với cùng kỳ năm 2016. Tại Cửa khẩu phụ Bản Vược (huyện Bát Xát), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 549,3 triệu USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng chủ yếu xuất khẩu qua các cửa khẩu ở Lào Cai gồm phốt pho vàng; giày, dép các loại; quặng; cà phê; bánh kẹo; quả thanh long; gạo…
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng trưởng, trong đó xuất khẩu cà phê, bánh kẹo tăng trưởng trên 135%, quả thanh long từ chỗ không xuất khẩu qua Lào Cai, nhưng năm 2017, các thương nhân đã chọn cửa khẩu Lào Cai để xuất khẩu, có ngày cao điểm lên đến hàng trăm xe container. Các mặt hàng nhập khẩu chính qua Lào Cai gồm phân bón; máy móc, thiết bị; hóa chất; than cốc; rau, củ, quả các loại; sắt, thép các loại... với tổng giá trị kim ngạch chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.
Tháng 11/2017, tỉnh Lào Cai đã phối hợp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và các bộ, ngành trung ương Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung lần thứ 17 năm 2017 tại Lào Cai, thu hút hàng trăm doanh nghiệp Trung Quốc và nước thứ 3 đến tham gia. Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc bên lề hội chợ cũng đã được tổ chức với nhiều hợp đồng hợp tác kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa đã ký kết.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực chuẩn bị triển khai hoạt động thí điểm xuất khẩu nông sản tại 4 địa điểm thuộc Mốc quốc giới số 93(2) - huyện Bát Xát sau khi hoàn thiện quy định tạm thời về quản lý hoạt động thí điểm xuất khẩu theo ý kiến tham gia của các bộ, ngành trung ương.