Cách đây 109 năm, Tượng Phật Đồng Dương tạc hình Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được tìm thấy bởi nhà khảo cổ học người Pháp Henri Parmentier vào tháng 4/1911 tại Phật viện Đồng Dương thuộc làng Đồng Dương, xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
32 vẻ đẹp tượng Phật Đồng Dương
“Tượng Phật Đồng Dương ngoài giá trị về mặt tạo hình nghệ thuật còn thể hiện được nhiều diệu tướng trong số 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo của Đức Phật được ghi trong bộ Luận đại trí độ. Đó là điều đọng lại đầy xúc động trong tâm cảm chúng tôi khi đứng trước pho tượng Phật Đồng Dương được tạo tác từ hơn 1.000 năm trước...”, Sa môn Huệ Thiện nhận định.
Tượng Phật Đồng Dương nặng 120kg, cao 119 cm, chỗ rộng nhất 38 cm, chỗ dày nhất 38 cm, đứng trên một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của bệ là khối bán cầu ở thế ngửa lên. Phần dưới bệ lớn hơn, cũng hình tròn như miệng chuông úp xuống.
Toàn thân tượng và bệ đều được đúc bằng đồng và gắn chặt với nhau bởi những chiếc mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Đôi bàn chân này của tượng thể hiện tướng tốt đầu tiên trong “tam thập nhị tướng” (32 tướng) của Phật là chấm sát đất và khít khao với mặt phẳng của đất đến nỗi “cây kim cũng không thể lọt qua”. Từ chân tượng trở lên, thể hiện diệu tướng thứ 17 của Phật là: hai tay, hai chân, hai mắt và giữa cổ (có khắc 3 ngấn chìm) gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Vai bên phải để trần thể hiện tướng thứ 21: tròn và đẹp.
Tượng Phật Đồng Dương. |
Gương mặt tượng thể hiện tướng thứ 25 bởi hai má phẳng, rộng như sư tử chúa. Trong kinh Phật có ghi chép rằng: khi Phật mở miệng thuyết pháp ví như tiếng “sư tử hống” làm tắt tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng. Đôi mắt của tượng được ví như cánh hoa sen xanh, không nhắm hẳn lại mà mở ra nhìn thể hiện diệu tướng thứ 29. Vòng tròn được khắc giữa trán tượng trưng cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn triều cường.
Đáng lưu ý, các nghệ sĩ Chăm Pa đã thể hiện một tướng hết sức tôn nghiêm nằm ở vị trí cao nhất của tượng Phật Đồng Dương là tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu với một cục u nổi lên giữa búi tóc cuộn quanh.
Sa môn Huệ Thiện từng chia sẻ rằng: “Tướng này có hình một khối thịt tức là “nhục”, nổi cao lên như một búi tóc tức là “kế”, gọi là “nhục kế”, được tựu thành và xuất hiện trên đỉnh đầu Phật do nhân duyên bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và khai mở trí huệ trong nhiều kiếp. Hào quang của Phật Thích ca đã phóng xuất từ đỉnh đầu đó trước khi đọc thần chú Lăng Nghiêm. Ngoài tượng Đồng Dương này, các tượng Phật khác thể hiện diệu tướng “nhục kế” theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn căn cứ vào kinh Quán Phật tam muội để khảm thêm lên tượng một viên đá quý màu hồng, hoặc tô hồng ở khoảng không có tóc ở trước đảnh đầu, hoặc đặt một viên kim cương to tròn đa sắc để biểu hiện tướng ấy”.
Đôi bàn chân này của tượng thể hiện tướng tốt đầu tiên trong “tam thập nhị tướng” (ảnh: Báo Kiến thức). |
Nếu nhìn từ trước mặt tượng và để tâm quan sát sẽ thấy toàn thân tượng Đồng Dương thể hiện vẻ đẹp của một loạt ba diệu tướng khác, gồm tướng thứ 14 và 15: thân kim sắc (ánh sắc vàng) có sức tỏa hào quang minh tịnh. Cùng với đó, tướng thứ 16 với làn da mịn trơn bóng như hoa sen buổi sớm, dầu cho cuồng phong thổi mạnh khiến núi đá lăn lóc va chạm vào nhau vỡ nát thành bụi thì không một hạt bụi nào có thể dính được vào thân kim sắc ấy.
Khi được phát hiện, các nhà khảo cổ học ở Trường Viễn Đông Bác Cổ và Hội Nghiên cứu Đông Dương đã đánh giá tượng Phật Đồng Dương là một trong những pho tượng Phật cổ nhất, thuộc hàng đẹp nhất ở khắp cả vùng Đông Nam Á thời bấy giờ.
Tượng từng trưng bày ở nhiều nước. Trong triển lãm cổ vật Đông Nam Á ở Pháp, tượng được mua bảo hiểm 5 triệu USD. Đây là mức bảo hiểm cao nhất cho một pho tượng của Việt Nam trưng bày tại nước ngoài.
Vương triều Phật giáo
Theo nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Vương quốc Chămpa rất sớm, vào khoảng những thế kỷ đầu công nguyên. Phật viện Đồng Dương là một trong những tu viện Phật giáo của vương quốc Chămpa, thuộc vào hàng tu viện lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á dưới triều đại vua Indravarman II.
Theo nội dung tấm bia tìm thấy tại Đồng Dương, năm 875 vua Indravarman II đã cho xây một tu viện phật giáo và đền thờ một vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lôkesvara Svabhayada. Tính chất phật giáo đại thừa được thể hiện rõ qua nội dung bi ký cũng như các tác phẩm điêu khắc ở Đồng Dương.
Dưới triều đại của Indravarman II, kinh đô của vương quốc Cham Pa lại được dời từ vùng Panduranga trở ra vùng Amaravati. Văn bia này cho biết tên kinh đô mới là Indrapura, theo một số nhà nghiên cứu thì điểm xây dựng kinh đô Indrapura là khu vực làng Đồng Dương ngày nay.
Tàn tích còn sót lại của Phật viện Đồng Dương. |
Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương, ông đã tìm thấy khu kiến trúc chính của thánh địa cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá. Theo khảo tả của H.Parmentier, toàn bộ khu đền thờ chính và các thác nằm lân cận phân bố trên một trục từ Tây sang Đông, dài 1.300m. Khu đền thờ chính nằm trong một khu vực hình chữ nhật dài 326m, rộng 155m, chung quanh có tường gạch bao bọc, từ khu đền chính có một con đường dài khoảng 760m, chạy về phía đông đến một thung lũng hình chữ nhật.
Khu đền thờ chính gồm có ba nhóm kiến trúc kéo dài theo trục Đông Tây, các nhóm này được phân cách nhau bởi những bờ tường xây bằng gạch. Nhóm phía Đông, chỉ còn lại dấu vết nền móng của khu nhà dài mà các nhà nghiên cứu cho là khu viện phật giáo (Vihara). Ngôi nhà dài này có mặt bằng hình chữ nhật với hai hàng cột song song theo trục Đông Tây, mỗi hàng có 08 cột xây bằng gạch, mái nhà có bộ khung gỗ và lợp ngói.
Ở đây có một bệ thờ lớn bằng sa thạch được chạm trỗ nhiều hình người và hoa văn rất tinh tế. Phía trên bệ thờ là một tượng Phật Thích Ca rất lớn ngồi trên ghế, hai bàn tay để trên đầu gối, kiểu giống như vua Cham Pa ngồi trên ngai vàng.Trong khu vực này còn tìm thấy một số tượng Dharmapala (những vị thần bảo vệ giáo luật của đạo phật). Trên những bệ đá cạnh hai hàng cột gạch.
Ở cụm trung tâm chỉ còn lại dấu vết các chân tường, các bật thềm của một ngôi nhà dài theo trục Đông Tây. Ngôi nhà này có tường gạch không dài lắm, cửa ra vào nằm ở hai đầu hồi, trên hai vách tường có nhiều cửa sổ. Ngôi nhà này cũng được lợp bằng ngói. Ở đây có 04 pho tượng Hộ Pháp (Dvarapala) khá lớn, cao khoảng 02m, các nhà nghiên cứu cho rằng đó là những tác phẩm gây ấn tượng mạnh trong nghệ thuật điêu khắc Cham Pa.
Về nhóm phía Tây gồm các đền thờ chính và các tháp phụ chung quanh, đền thờ này thuộc loại tháp truyền thống của kiến trúc Cham Pa. Đền thờ với mặt bằng hình tứ giác, cửa ra vào ở hướng Đông, phía trước có tiền sảnh khá dài. Các mặt tường có trụ áp tường được chạm những dãi hoa văn bằng lá cách điệu rậm rịt và xoắn xít như dạng vết sâu bò, đó là loại hoa văn đặc trưng của phong cách Đồng Dương.
Ngoài sự chú ý của bức tượng nói trên, công trình khai quật khu trung tâm Phật viện Đồng Dương của nhà nghiên cứu Parmentier cũng cho chúng ta khái quát rõ hơn về mô hình xây dựng và diện tích xa xưa của Phật viện này.
Sự hùng vĩ trang nghiêm của một quần thể kiến trúc điêu khắc như đưa chúng ta lạc vào một thế giới nghệ thuật cùng với thiên hướng tâm linh đã được đánh giá là độc đáo vào hạng bậc nhất của Chămpa và Đông Nam Á, cũng như một nguồn di sản văn hóa hết sức lớn lao của Phật giáo.