Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội của Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội của nhiều quốc gia khác. Trong cuộc đua tranh này, nếu Việt Nam không tận dụng được cơ hội, nó sẽ biến thành thách thức với chúng ta.
“Đây không phải là lần đầu tiên CNTT mang lại cơ hội cho Việt Nam. Từ những năm 90, chúng ta đã nói về kỷ nguyên số, kỷ nguyên thông tin, kinh tế tri thức, chính phủ điện tử, còn bây giờ chúng ta nói đến chuyển đổi số” – Phó Tử tướng nói – “Dù thời đại nào thì cốt lõi vẫn là ứng dụng CNTT để tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho doanh nghiệp, hiệu quả lớn hơn cho tổ chức và cơ hội cho mỗi người dân.”
Việt Nam từng thành công khi mạnh dạn số hoá ngành bưu điện. Tuy vậy, cũng có không ít cơ hội bị bỏ qua, rất nhiều đề án, mục tiêu vẫn chưa làm được. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, bây giờ phải làm sao để cơ hội được tận dụng một cách tốt nhất.
Phó Thủ tướng đánh giá cao nội dung được chia sẻ tại diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các ý kiến được chia sẻ tại diễn đàn sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp đóng góp vào đề án chuyển đổi số quốc gia mà Việt Nam sắp sửa tuyên bố. Chúng ta sẽ cùng nhau tiếp thu ý kiến để đề án được thực hiện đúng tinh thần, đề ra được những mục tiêu cụ thể và bằng các hành động cụ thể.
Trong tiến trình chuyển đổi số, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù vui hay không, chúng ta cũng phải tự nhắc nhở mình rằng, tâm thế của Việt Nam là một nước vẫn còn đang kém phát triển so với thế giới.
Do vậy, trước khi nghĩ đến chuyện vượt, Việt Nam phải bằng được nước khác và phải nỗ lực hơn thiên hạ gấp nhiều lần.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta có khát vọng, có quyết tâm nhưng phải coi những yếu kém của mình là một điều day dứt. Trong lịch sử, Việt Nam cho thấy mình là một dân tộc rất đặc biệt, khi bị dồn vào thế cùng, chúng ta sẽ làm được những điều không thể.
Với tâm thế như vậy, Việt Nam không những phải vượt qua khó khăn mà còn phải vượt lên chính mình, vượt lên sự cảm tính trong việc ra quyết định, vượt lên được cái nếp rộ lên rồi chìm xuống, phải sẵn sàng thay đổi những thói quen nếp nghĩ mà có những người từng nói rằng đó là một nét văn hoá.
Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam phải tập trung xây dựng môi trường pháp lý để doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của nhà nước và có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Bên cạnh đó, phải có chính sách về thuế, cơ chế phân bổ tài nguyên để không chỉ doanh nghiệp CNTT mà ngay cả các doanh nghiệp khu ứng dụng công nghệ mới cũng được hưởng những lợi ích thiết thực về mặt vật chất.
“Chúng ta tranh luận rất nhiều về mô hình kinh tế chia sẻ. Việc giải quyết các mô hình kinh doanh mới có vai trò rất quan trọng của Bộ TT&TT. Bằng sự hợp tác giữa các hiệp hội, Bộ TT&TT sẽ thu nhận được các bức xúc, những vướng mắc trong việc phát triển ứng dụng CNTT, trình Chính phủ để buộc các bộ, ngành khác phải vào cuộc” – Phó Thủ tướng nói – “Chúng ta phải xác định được một số việc làm ngay, và làm đến cùng. Đây chính là đầu bài cho giới CNTT, là nhiệm vụ cho các cấp chính quyền và cơ quan nhà nước.”
Ra mắt Liên minh chuyển đổi số Việt Nam. |
Theo ông Đam, giới CNTT và các cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao để người dân khi đã cung cấp dữ liệu thì một lần và chỉ một lần, những lần sau, khi tiếp cận dịch vụ như vậy sẽ không phải khai báo lại nữa.
“Hay một nhiệm vụ khác là làm sao để tất cả người dân Việt Nam đều có smartphone, để mọi người dân đều có thể thanh toán không dùng tiền mặt. Chúng ta có thể đề ra các chương trình quyên góp điện thoại cũ, trang bị điện thoại smartphone cho tất cả mọi người” – Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải tìm ra một số công việc để tập trung đồng bộ giải quyết. Vì thế, với việc hình thành Liên minh tới đây sẽ không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà còn có cả các doanh nghiệp nhỏ. Các doanh nghiệp này sẽ không chỉ doanh nghiệp cung cấp giải pháp mà còn thúc đẩy, từ đó giúp tạo ra khát vọng cho mọi thành phần trong xã hội.