Là một địa phương có truyền thống hiếu học, nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đạt nhiều thành tích nổi bật, là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả nước về công tác này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vĩnh Phúc đạt tỷ lệ tốt nghiệp 98,74%, là địa phương xếp thứ 4 cả nước về điểm bình quân các môn thi, tăng 2 bậc so với năm 2017.
Nhiều năm liền Vĩnh Phúc nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có số lượng và chất lượng giải thi học sinh giỏi cấp quốc gia cao nhất cả nước.
Riêng kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2017-2018 vừa qua, tỉnh có 71 học sinh đoạt giải, trong đó có 4 giải Nhất ở các môn Toán, Lịch sử, Địa Lý.
Trường THPT Hai Bà Trưng mới được tổ chức lại trên cơ sở sáp nhập khối THPT của trường Liên cấp Hai Bà Trưng trước đây và trường THPT Phúc Yên. Nhà trường được kế thừa truyền thống dạy và học của hai cơ sở đào tạo lớn, có bề dày truyền thống; từ đó tiếp tục đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục của TP. Phúc Yên và của cả tỉnh Vĩnh Phúc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Lễ khai giảng |
Năm học 2017-2018, nhà trường có 77 cán bộ, giáo viên, trong đó giáo viên có trình độ thạc sĩ chiếm 42%. Đây là tỷ lệ cao so với các trường THPT trong toàn tỉnh và cả nước.
Học sinh của trường THPT Hai Bà Trưng đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi; các kỳ thi khoa học kỹ thuật; văn hoá - thể dục thể thao cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Trong kì thi THPT Quốc gia năm 2017, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,13%; tổng số học sinh đỗ đại học đạt 225/244 học sinh (đạt 92,2%).
Trường THPT Hai Bà Trưng cũng là một trong những trường có cơ sở vật chất tốt của tỉnh Vĩnh Phúc, ở mức hiện đại so với cả nước, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tích trong học tập, rèn luyện mà ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc và trường THPT Hai Bà Trưng đã đạt được trong những năm vừa qua.
“Những kết quả trên khẳng định bước phát triển, hội nhập về giáo dục của tỉnh Vĩnh Phúc; là tiền đề, là cơ sở quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước”, Phó Thủ tướng nói.
Đổi mới, sáng tạo trong giáo dục
Thế kỷ 21 là thế kỷ của tri thức, của khoa học, công nghệ và sáng tạo. Làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan rộng với những tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, sinh học, trí tuệ nhân tạo… đang là động lực thúc đẩy các nước đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào chất lượng và năng suất cao; phát triển nhanh và bền vững, xanh và thân thiện môi trường.
“Bối cảnh và thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, phát huy sự sáng tạo, huy động và vận dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với phát huy dân chủ nhằm tạo động lực mới cho phát triển”, Phó Thủ tướng nói.
Do đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao đã được xác định là những nhiệm vụ chiến lược, vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài trong các Nghị quyết của Đảng và đã được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật Nhà nước.
Giáo dục phổ thông có ý nghĩa nền tảng nhằm phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, đặc biệt chú trọng và quan tâm giáo dục lý tưởng, nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật, ý thức công dân trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh trống khai giảng tại trường THPT Hai Bà Trưng, Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2018-2019 là đổi mới chương trình, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông.
Do đó, các địa phương phải tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên và hệ thống cơ sở vật chất.
Đồng thời, cần thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề… trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, phù hợp với những định hướng, chiến lược phát triển của địa phương.
“Đây là những nhiệm vụ rất nặng nề của ngành giáo dục đào tạo trên cả nước nói chung, đặc biệt là đối với những tỉnh có đặc điểm và quá trình phát triển như Vĩnh Phúc, một tỉnh ở tốp đầu cả nước về quá trình công nghiệp hoá”, Phó Thủ tướng nói.
Chú trọng trang bị kiến thức toàn diện, kỹ năng mềm
Trong năm học 2018 – 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục Vĩnh Phúc cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được; khắc phục hạn chế, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm học mới.
“Đặc biệt, phải quyết tâm giữ vững vị thế là một trong những đơn vị dẫn đầu trong cả nước về công tác giáo dục và đào tạo; tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; xây dựng môi trường giáo dục toàn diện cả về văn hoá, đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ tại tất cả các trường học trên toàn tỉnh”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tập thể thầy cô giáo, học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong dạy và học; chú trọng trang bị kiến thức toàn diện, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng mềm cho học sinh.
“Các thầy, cô giáo phải là những người giỏi chuyên môn; đồng thời có kiến thức tâm lý, kỹ năng giảng dạy, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ trong dạy học; phát huy tính độc lập sáng tạo”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, nhà trường cần tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.
“Phải đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng sống và rèn luyện ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, nhà trường cần tiếp tục đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục trung học.
“Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, các bậc phụ huynh và nhân dân tiếp tục quan tâm, đồng hành với sự nghiệp giáo dục - đào tạo trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nói.
Với học sinh trường THPT Hai Bà Trưng, Phó Thủ tướng mong muốn các em “hãy chuyên cần hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong học tập; chú trọng rèn luyện về đạo đức, thể chất, kỹ năng để phát triển toàn diện, trở thành những công dân ưu tú; góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phúc và Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phồn vinh”.