Sáng nay (1/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô; bao gồm: Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long thuộc đường vành đai III.
Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối
Thị sát tại tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Dự án này không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội, mà còn là lời hứa của Bộ GTVT, của Chính phủ với nhân dân Thủ đô.
“Tôi đã nghe báo cáo, do kinh nghiệm của chúng ta còn hạn chế khiến dự án còn nhiều vướng mắc, chậm tiến độ, kéo dài thời gian hoàn thành. Trách nhiệm cao nhất trong dự án này là nhà thầu, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cùng tư vấn.
Các đồng chí phải đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương đưa dự án vào khai thác trong năm nay, khép lại hồ sơ dự án này. Yêu cầu Bộ GTVT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đưa dự án vào sử dụng với điều kiện đảm bảo tuyệt đối an toàn”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Phó Thủ tướng kiểm tra tại một công trường giao thông thủ đô. |
Trao đổi với Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là ông Đường Hồng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu sự cam kết về an toàn và tiến độ từ phía tổng thầu Trung Quốc, đồng thời đặt câu hỏi: “Bao giờ Tổng thầu thực hiện được các yêu cầu của chủ đầu tư, tư vấn để hoàn thành dự án và đưa vào khai thác?”. Phó thủ tướng nhắc nhở an toàn phải là số một, nhưng phải đẩy nhanh tiến độ bởi như hiện nay là quá chậm. “Chúng tôi đã chờ đợi và bây giờ đã chờ đợi quá mức kiên trì rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối”- Phó Thủ tướng nói.
“Chúng tôi cam kết về mức độ an toàn của dự án. Về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, nhà thầu đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống. Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu”, ông Đường Hồng giải bày.
Phối hợp chặt chẽ để thống nhất phương án vận hành
Tại cuộc họp với các bên liên quan, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp của Thành phố trong việc chủ động đào tạo nhân lực tiếp nhận hệ thống từ nhân viên vận hành, lái tàu đến hệ thống bán vé điện tử…
Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Hà Nội, với vai trò cơ quan quản lý khai thác trực tiếp và vận hành hệ thống, cần khẩn trương tập trung làm việc với tư vấn và nhà thầu, chủ đầu tư để hoàn thành việc chứng nhận an toàn khai thác để vận hành hệ thống. “Đây là nhiệm vụ trọng tâm không chỉ của Bộ GTVT mà còn của Chính phủ. Chúng ta phải giữ lời hứa với nhân dân Thủ đô về tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này”, Phó Thủ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng thầu cam kết về an toàn của hệ thống đường sắt Cát Linh- Hà Đông. |
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: dự án Cát Linh - Hà Đông đã được chạy thử nghiệm vào tháng 9/2018 để kiểm tra các thiết bị kỹ thuật. Nhưng việc thử nghiệm hơn một năm nay là kéo dài quá mức so với yêu cầu của người dân.
Ông Thể cho rằng, các đơn vị liên quan phải cùng ngồi lại, có sự phối hợp chặt chẽ để thống nhất phương án vận hành, vì càng kéo dài dự án càng kém hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao cố gắng của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... trong quá trình thực hiện dự án. Nhưng theo ông, do kinh nghiệm quản lý, hoặc do nóng vội trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, gây bức xúc trong dư luận. “Đây là vấn đề khai thác đầu tư hiệu quả. Đầu tư rồi mà không khai thác, không tạo ra giá trị mới là lỗi của chúng ta”, Phó thủ tướng chỉ rõ.
Với Dự án đường sắt đô thị tuyến số 3, đoạn Nhổn-ga Hà Nội, đã điều chỉnh 3 lần, dự kiến hoàn thành năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xem xét, xử lý, trình cấp có thẩm quyền gia hạn, bổ sung hiệp định vay theo đúng quy định pháp luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, xử lý kiến nghị của UBND TP. Hà Nội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA cho dự án theo đúng quy định; Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn chủ đầu tư một số vấn đề liên quan đến hợp đồng.
Đối với Dự án đường sắt đô thị, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục về điều chỉnh dự án theo đúng quy định. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9 để UBND TP. Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ.
Đối với các dự án giao thông tại Thủ đô, Phó Thủ tướng đánh giá, những năm qua, Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều dự án, công trình giao thông, từng bước thực hiện Nghị quyết Trung ương số 13 và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 10 trong số 14 dự án trọng điểm đã hoàn thành, các dự án trọng điểm khác đang được triển khai đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô theo hướng văn minh hiện đại.
Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng đánh giá, các đô thị lớn nói chung và Thủ đô nói riêng đang đứng trước thách thức rất lớn do xu hướng tập trung hoá đô thị không đồng đều. Hiện nay người dân sẽ dịch chuyển về những đô thị có hạ tầng tốt hơn, thuận tiện hơn, vô hình chung tạo áp lực cho cả hệ thống hạ tầng giao thông.
Trước các thách thức này, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tiếp tục rà soát quy hoạch xây dựng của Thủ đô, đặc biệt chú ý đến quy hoạch Bắc Sông Hồng để hấp dẫn người dân sinh sống tại các vùng ven, giảm áp lực cho nội đô, hình thành đô thị thông minh ở khu vực này. Vấn đề kiểm soát dân số nội đô, xây dựng các chung cư cao tầng đồng bộ với kết cấu hạ tầng, phù hợp với quy hoạch… cũng được lãnh đạo Chính phủ nhắc nhở với Hà Nội.
Riêng với các dự án giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ theo hướng giải quyết khó khăn của từng dự án để giải toả tình trạng ách tắc trên những “đại công trường” giữa lòng đô thị.
Nguyên nhân chính của việc chậm trễ này là do chưa tập trung đủ hồ sơ để vận hành khai thác thương mại. Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của Đơn vị tư vấn ACT (Pháp).