Phố Song Hào dài 1.100m, có địa giới từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến đường Giải Phóng.
Thượng tướng Song Hào (1917-2004), tên thật là Nguyễn Văn Khương quê thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh (Vụ Bản). Năm 1936, được sự giác ngộ của đồng chí Nguyễn Văn Phúc - một đảng viên lớp trước, Nguyễn Văn Khương và nhiều anh em thợ thêu ham học tập trong làng đã được tham gia nhóm đọc sách báo tiến bộ, trở thành những hạt nhân cách mạng cho phong trào địa phương. Tháng 4-1939, Tỉnh uỷ Nam Định cử cán bộ về thành lập chi bộ Hào Kiệt, đồng chí Nguyễn Văn Khương cùng 4 đồng chí xuất sắc khác trong số những người được huấn luyện, thử thách đã được kết nạp vào Đảng. Gia đình đồng chí Khương trở thành nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, củng cố cơ sở liên lạc giữa xứ uỷ Bắc Kỳ và Trung Kỳ với Trung ương Đảng. Vợ chồng đồng chí Khương được phân công làm kinh tế như buôn dầu hoả, bán nước mắm, đổi tiền rách..., lấy kinh phí cho Đảng hoạt động, đồng thời để che mắt địch. Đầu năm 1940, địch khủng bố mạnh ở khu C, đồng chí Khương bị bắt cùng nhiều cán bộ, đảng viên khác. Bị tra tấn dã man, giam trong xà lim đề lao, đồng chí Khương vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Tháng 6-1940, đồng chí Khương bị kết án 15 năm tù và 10 năm quản khúc, giam tại nhà tù Hoả Lò. Tháng 9-1940, đồng chí bị đày đi Sơn La, qua các nhà tù Hoà Bình, Thái Nguyên, Chợ Chu... Năm 1944, đồng chí vượt ngục, trở lại hoạt động cách mạng với cương vị Bí thư Khu uỷ Chiến khu C, đóng góp tích cực cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc. Thượng tướng Song Hào là Uỷ viên BCH TW Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội./.
Hồng Hạnh