Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói về phát biểu muốn hoàn thành COC trong 3 năm của Thủ tướng Trung Quốc

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà.
(PLO) - “Quan trọng là bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải là một bộ quy tắc thực chất, hiệu lực, hiệu quả và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và có đóng góp thực chất vào việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực”.

Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay (22/11), khi bình luận về việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm 13/11 nói rằng Bắc Kinh hy vọng việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ kết thúc trong vòng 3 năm tới.

Theo đó, Người phát ngôn cho rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và nghĩa vụ của tất cả các nước trong khu vực, trong đó có ASEAN và Trung Quốc. 

“Trước những diễn biến phức tạp trong thời gian qua thì ASEAN đã nhiều lần khẳng định mong muốn sớm có một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhưng quan trọng là bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đó phải là một bộ quy tắc thực chất, hiệu lực, hiệu quả và tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và có đóng góp thực chất vào việc đảm bảo hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông và khu vực”, Phó phát ngôn nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc công bố hình ảnh cho thấy nước này đã lắp đặt một số cấu trúc mới trên đá Bông Bay của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. 

“Việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước, vi phạm thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, làm phức tạp, căng thẳng tình hình ở Biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động tương tự, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, có hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc cũng như duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông”, bà Trà nêu rõ.

Trước việc Trung Quốc và Philippines vừa ký biên bản ghi nhớ về hợp tác dầu khí và Trung Quốc nêu mong muốn sẽ có thể đàm phán để cùng với các nước ven Biển Đông triển khai mô hình hợp tác tương tự, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Phương Trà khẳng định lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền lợi ích trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần. 

“Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác trên biển trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, phù hợp với lợi ích của các bên, luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia”, bà nói.

Theo Phó phát ngôn Bộ ngoại giao, hợp tác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể được tiến hành tại những khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của UNCLOS 1982.

Trước việc Đài Loan đã tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình, Phó phát ngôn một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. 

“Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam, tiếp tục tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quan đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, và gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở Biển Đông. Một lần nữa Việt Nam kiên quyết phản đối hành động này của Đài Loan và yêu cầu Đài Loan không tiến hành các hoạt động tương tự”, bà nói.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.