Tự phong là Phó Giám đốc
Nguyễn Trung Kiên (SN 1974, sinh ra ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Theo hồ sơ, trình độ học vấn Kiên chỉ hết lớp 5, làm nghề tự do, nhưng trong nhiều năm Kiên đã thực hiện hành vi lừa đảo nhiều người ở huyện miền núi Nghệ An. Cách thức chung của Kiên là lừa người làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động để thoát nghèo, nhưng kỳ thực gã đàn ông này không có chức năng đó. Những “con mồi” mà Kiên nhắm đến là các lao động nghèo ở huyện miền núi Nghệ An, đời sống còn khó khăn.
Cụ thể, khoảng cuối năm 2011 đầu năm 2012, biết công ty Cổ phần SimCo Sông Đà (trụ sở ở Hà Nội) đang có nhu cầu tuyển lao động nên Kiên đã nảy sinh ý định lừa đảo. Nguyễn Trung Kiên đến TP Vinh (tỉnh Nghệ An) thuê người làm giả 1 con dấu của công ty Cổ phần SimCo Sông Đà, 1 con dấu chức danh Tổng Giám đốc, 1 Phó Giám đốc mang tên Nguyễn Trung Kiên với giá 6 triệu đồng.
Có những giấy tờ giả trên tay, Kiên cầm lên thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong thuê nhà để làm văn phòng. Kiên còn thuê một người phụ nữ làm cán bộ tuyển dụng. Sau đó, Kiên sử dụng các con dấu giả trên làm giả các tài liệu của công ty như: Quyết định điều động và bổ nhiệm Nguyễn Trung Kiên giữ chức vụ Phó Giám đốc công ty Cổ phần SimCo Sông Đà; bảng phân công công tác về thực hiện chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ). Kiên đưa những giấy tờ trên đến phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Quế Phong gặp vị trưởng phòng để làm giấy giới thiệu.
Những người bị hại đến tham dự tòa để nghị bị cáo phải hoàn trả lại số tiền đã lừa đảo. |
Sau khi nghe Kiên trình bày công việc cũng như kiểm tra một số giấy tờ, vị Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tin đó là giấy tờ thật nên đã cấp giấy giới thiệu cho Kiên đến địa bàn các xã ở huyện để tuyên truyền vận động người dân đi xuất khẩu lao động. Có giấy giới thiệu của chính quyền, “Phó Giám đốc” đến các xã và được cán bộ xã tiếp đón tạo điều kiện cho Kiên tuyên truyền, tuyển dụng người dân đi làm việc ở Đài Loan.
Trước những lời ngon ngọt, con đường xuất khẩu lao động sẽ nhanh thoát ngoài, có cuộc sống đầy đủ, nhiều người ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong đã đồng ý nhờ Kiên làm thủ tục đi nước ngoài. Cơ quan điều tra xác định, có 6 người bị Phó Giám đốc dởm lừa đảo gồm: anh L.V.T. (24 tuổi), anh L.V.T. (24 tuổi), anh L.V.M. (26 tuổi), anh H.V.Q. (27 tuổi), LT.T. (26 tuổi) và anh V.V.C. (33 tuổi). Cần phải nói thêm, Đồng Văn là xã miền núi, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Không có công việc ổn định, do đó nhiều người luôn nuôi quyết tâm làm giàu bằng con đường xuất ngoại. Vậy nên, khi nghe những lời mặt ngọt của Kiên, nhiều người đã sập bẫy.
Ở những lần giao dịch này, Kiên tự ký vào văn bản đại diện công ty, dùng con dấu giả đóng vào bản cam kết và đưa cho những người lao động nhằm tạo sự tin tưởng trong quá trình tuyển lao động. Kiên lập hồ sơ giả để giải ngân vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện cho 6 người trên. Khi những người đăng ký đi xuất khẩu lao động được vốn ngân hàng, Kiên làm phiếu thu giả thu của 6 gia đình trên tổng 800 triệu đồng.
Tại kết luận giám định của phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận, chữ ký, hình dấu tròn đóng trên các bản hợp đồng đưa lao động đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan và bản phân công công tác do Nguyễn Trung Kiên cung cấp không phải là chữ ký và con dấu của lãnh đạo và công ty Cổ phần SimCo Sông Đà.
Lừa đảo lấy tiền mua ô tô
Sau thời gian chờ đợi nhưng vẫn không thấy thông báo lịch bay sang Đài Loan khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, Kiên thường đưa ra các lý do để trì hoãn việc lừa đảo. Đến khi các nạn nhân phát hiện ra sự thật thì mọi chuyện đã muộn. Với hành vi gian dối Nguyễn Trung Kiên đã lừa đảo, chiếm đoạt của 6 bị hại số tiền hơn 800 triệu đồng. Khi công an vào cuộc điều tra, Nguyễn Trung Kiên đã trả lại cho bị hại 420 triệu đồng.
Mới đây, Nguyễn Trung Kiên bị TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Trước bục khai báo, bị cáo Kiên khai nhận hành vi lừa đảo như cáo trạng truy tố. Về số tiền đã lừa đảo được của các nạn nhân, Kiên khai đã dùng mua xe ô tô, mua đất và ăn tiêu hết. Bị cáo thừa nhận biết hành vi của mình là sai trái nhưng vẫn thực hiện vì lòng tham. Những lời khai của bị cáo khiến nhiều bị hại trong vụ án bất bình.
Đến tham dự tòa với tư cách bị hại, nhiều người cho biết vì hành vi lừa đảo của Kiên mà gia đình họ lâm vào cảnh nợ nần, hàng tháng phải trả lãi ngân hàng. Họ trình bày, vì nghèo, không có công việc ổn định, mới chấp nhận đi nước ngoài làm thuê mong cuộc sống khấm khá hơn. Thế nhưng, điều họ nhận lại là sự giả dối, lừa đảo. Tiền mất, tật mang khiến nhiều gia đình đã khổ còn khó khăn hơn. Tại phiên tòa, các bị hại yêu cầu bị cáo phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt để họ sớm ổn định cuộc sống.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo Kiên đã quay xuống gửi lời xin lỗi các bị hại và mong được giảm nhẹ hình phạt. HĐXX nhận định, hành vi gian dối, lừa đảo của bị cáo là vi phạm pháp luật nên cần xử lý nghiêm để có tính răn đe và phòng ngừa chung.
Xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trung Kiên 2 năm tù về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức và 9 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hình phạt mà Kiên phải chịu cho 2 tội danh là 11 năm tù. Về phần dân sự, tòa buộc bị cáo Kiên phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt của 6 nạn nhân.