Mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ; Sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Luật Hòa giải cơ sở.
Qua 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32 và 05 năm triển khai thực hiện Luật PBGDPL và Luật Hòa giải ở cơ sở kết quả cho thấy, việc triển khai, quán triệt và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 32, Luật PBGDPL và Luật Hòa giải ở cơ sở đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới nhờ đó mang lại những kết quả tích cực. Nội dung, hình thức tuyên truyền cũng liên tục được làm mới, phù hợp từng địa bàn, đối tượng, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của từng giai đoạn, thời kỳ.
Ngoài việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật về công tác PBGDPL, tiếp tục kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, đến nay Tiền Giang đã có lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đông đảo. Toàn tỉnh có 507 báo cáo viên pháp luật, hơn 3.190 tuyên truyền viên pháp luật. Đặc biệt trên địa bàn hiện có hơn 1.080 Tổ hòa giải (có 41 Tổ hòa giải khu nhà trọ công nhân tự quản) với hơn 7.050 hòa giải viên.
Qua 15 năm thực hiện, các tổ hòa giải đã nhận và đưa ra hòa giải 43.285 vụ việc, trong đó hòa giải thành 31.209 vụ việc. Qua 05 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, tổ chức hoạt động của các tổ hòa giải đã được củng cố, kiện toàn; thông qua công tác hòa giải, các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nội bộ cộng đồng dân cư cơ bản đã được giải quyết một cách kịp thời, hiệu quả, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...
Nhân dịp này, UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 15 năm thực hiện Chỉ thị 32; Luật PBGDPL và thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trong 5 năm (2014 - 2018).
Mới đây, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư; tổng kết 5 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Báo cáo tại hội nghị cho biết, qua 15 năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị đã có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật; kết quả đạt được đã góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Từ nỗ lực trong đổi mới hình thức PBGDPL, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả như: Phổ biến pháp luật cho công nhân trên các chuyến xe công đoàn; hoạt động ngoại khóa kết hợp phổ biến pháp luật trong trường học; tuyên truyền pháp luật gắn với hoạt động tư vấn sức khỏe vị thành niên trong hoạt động đoàn thanh niên; chương trình thắp sáng ước mơ hoàn lương...
Bên cạnh đó, công tác hòa giải cơ sở cũng góp phần tích cực cho việc hóa giải các mâu thuẫn trên địa bàn dân cư, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2014- 2018, các tổ hòa giải ở cơ sở đã tiếp nhận 6.624 vụ việc, chủ yếu là các tranh chấp nhỏ thuộc các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, dân sự, tranh chấp đất đai...Tỷ lệ hòa giải thành công đạt hơn 80% vụ việc.
Diễn ra mới đây, Quận ủy - UBND Nam Từ Liêm đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư; Tổng kết 5 năm công tác thi hành Hiến pháp, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Hòa giải ở cơ sở và 03 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và phát động hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2019”.
Theo đó, xác định tầm quan trọng của các văn bản trên, quận Nam Từ Liêm đã tập trung quán triệt, nghiêm túc chỉ đạo thực hiện. Sau thời gian triển khai đã nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn; góp phần nâng cao nhận thức cho CB, CC, VC và Nhân dân về ý thức chấp hành Hiến pháp, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đến nay, quận có 28 báo cáo viên pháp luật, cấp phường có 227 tuyên truyền viên pháp luật. Các phường đã tổ chức 620 cuộc tuyên truyền trực tiếp, lồng ghép tuyên truyền pháp luật cho trên 30.000 lượt cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân. Hằng năm, Phòng Tư pháp quận phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý của thành phố tổ chức hàng chục cuộc trợ giúp pháp lý lưu động tại các phường cho người khuyết tật, phụ nữ, đối tượng chính sách…