Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, thế kỷ 21 đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới “một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. ASEAN đang thực hiện những đổi mới, điều chỉnh, linh hoạt hơn và hiệu quả hơn.
Theo đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 tổ chức tại Philippines từ ngày 28/4-29/4/2017, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã ký Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Tuyên bố nhấn mạnh vai trò của nền công vụ là “xương sống” trong việc xây dựng một bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả tại các nước ASEAN, là chất xúc tác trong việc hợp tác giữa các trụ cột của Cộng đồng ASEAN.
Vì vậy, nhiệm vụ cơ bản đặt ra là phải xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, năng động, minh bạch, tăng cường sự tham gia, giám sát của người dân và các tổ chức xã hội để có thể hiện thực hóa được một Cộng đồng ASEAN vào năm 2025.
Chính phủ Việt Nam, với cam kết sẽ cùng các nước quyết tâm xây dựng một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, nhanh chóng thực hiện các biện pháp triển khai Tuyên bố. Với nỗ lực này, ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1439/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” (Đề án 1439).
Một trong những giải pháp chính của Đề án là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về các giá trị của Cộng đồng ASEAN nói chung và nền công vụ các nước ASEAN nói riêng; thúc đẩy, khuyến khích học hỏi kinh nghiệm các nước ASEAN về cách thức quản lý nền công vụ hiệu quả và thu hút sự tham gia của người dân.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện các nước ASEAN trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm về cải cách chính sách tiền lương của Campuchia; tổng quan về nền công vụ Lào và cải cách công vụ bằng sáng kiến của Myanma.
Với 27 câu hỏi được đưa ra tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề về nền công vụ, cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách chính sách tiền lương, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, xử lý công chức vi phạm pháp luật và công chức yếu kém năng lực... của các nước ASEAN.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng khẳng định đây là bằng chứng sống động của việc củng cố tinh thần đoàn kết ASEAN theo tinh thần mà các nguyên thủ quốc gia vừa nêu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok “Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nội vụ tổng hợp các ý kiến đại biểu, kế hoạch của địa phương và đề xuất tổ chức sơ kết nhiệm vụ năm 2019 để xây dựng kế hoạch triển khai cho các năm tiếp theo.