Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Kim Thị Ánh đồng chủ trì Hội nghị. Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Bắc cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.
Góp phần tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên khẳng định, trong những năm qua, nhất là sau khi Luật PBGDPL được thông qua và có hiệu lực thi hành, công tác PBGDPL luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Thể chế, chính sách về PBGDPL cơ bản đã hoàn thiện và đầy đủ; nội dung PBGDPL được đổi mới, bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực; công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được tăng cường.
Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, xây dựng ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, thiết thực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật…
Song, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác PBGDPL còn một số tồn tại, hạn chế cả về nhận thức, thể chế, chính sách, cơ chế tổ chức thực hiện và các điều kiện đảm bảo. Vì vậy, Hội thảo chính là diễn đàn để các đại biểu cùng nhau trao đổi, đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện về kết quả đã đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm.
Cùng với đó, trao đổi các cách làm hay, mô hình PBGDPL có hiệu quả tại địa phương cơ sở, trong đó có những mô hình hiệu quả hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11), từ đó đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới.
Báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, bà Tô Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý công tác PBGDPL, Vụ PBGDPL đã khái quát những kết quả tích cực trong công tác PBGDPL thời gian qua, đồng thời cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế.
Theo đó, một số quy định pháp luật về PBGDPL còn thiếu cơ chế và nguồn lực bảo đảm thực hiện trong thực tiễn. Nội dung PBGDPL còn dàn trải; ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực, nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác này còn hạn chế...
Sau khi nêu lên một số mô hình hay, kết quả nổi bật trong công tác PBGDPL, đại diện Sở Tư pháp Vĩnh Phúc cũng đề cập tới một số khó khăn trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh như một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực trong phối hợp chỉ đạo. Năng lực đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật còn hạn chế, tủ sách pháp luật ở cơ sở hiệu quả chưa cao, còn nhiều khó khăn, lúng túng trong ứng dụng công nghệ thông tin…
Đẩy mạnh xã hội hoá để PBGDPL
Trước thực trạng của công tác PBGDPL, Vụ PBGDPL cho rằng, cần đề ra các giải pháp để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL tại địa phương. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác PBGDPL. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật, quan tâm đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ tư pháp cơ sở để nâng cao chất lượng công tác tham mưu triển khai PBGDPL tại địa phương.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử để đáp ứng yêu cầu công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.
Xuất phát từ thực tế triển khai nhiệm vụ, đại diện Sở Tư pháp Phú Thọ cho rằng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư TƯ Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL và Thông báo Kết luận số 74-TB/TW ngày 11/5/2007 của Ban Bí thư TƯ Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.
Song song với đó, cần đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các cơ quan trong công tác PBGDPL; quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là cần đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác PBGDPL.
Là ngành có quan hệ phối hợp chặt chẽ trong công tác PBGDPL, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng để nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật nói chung và trong nhà trường nói riêng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, cần tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật ở nhà trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tích cực xây dựng tủ sách pháp luật ở các nhà trường.
Đặc biệt, cần đổi mới phương pháp dạy, nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục công dân trong nhà trường, khuyến khích các đơn vị xây dựng nội dung tuyên truyền thông qua các tiểu phẩm ngắn do giáo viên, học sinh trong trường tự sáng tác.
Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận sôi nổi xoay quanh các vấn đề về thực trạng công tác PBGDPL thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, trọng tâm là đánh giá việc thực hiện trách nhiệm được giao theo Luật PBGDPL; tiêu chí đánh giá hiệu quả PBGDPL; công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù; giải pháp triển khai hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam…