Phát huy tối đa vai trò của Hội đồng Phối hợp PBGDPL
Theo đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đã được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương tổ chức quán triệt, phổ biến một cách nghiêm túc, rộng rãi với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Tiêu biểu như: Đăng tải toàn văn luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Trang/Cổng thông tin điện tử; tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề; tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định của Luật PBGDPL kết hợp với các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; qua hệ thống loa truyền thanh và các thiết chế văn hóa ở cơ sở...
Bên cạnh đó, từ khi được kiện toàn theo Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg, Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương đã từng bước phát huy vai trò các thành viên Hội đồng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; đổi mới hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng các phiên họp; định hướng nội dung, hình thức PBGDPL trên cơ sở bám sát nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, hướng về cơ sở; tăng cường kiểm tra, làm việc với các bộ, ngành, địa phương để nắm bắt thực trạng công tác PBGDPL và hoạt động Hội đồng, qua đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bộ, ngành, địa phương.
Hội đồng Trung ương đã sâu sát lãnh đạo, chỉ đạo các thành viên Hội đồng tập trung các giải pháp quan trọng như thực hiện truyền thông dự thảo chính sách pháp luật; thực hiện chuyển đổi số trong PBGDPL; có giải pháp huy động và sử dụng kinh phí hiệu quả, tập trung ưu tiên cho đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số, các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh…
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ, rộng khắp như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật và tổng kết cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp. Các đơn vị của Bộ Quốc phòng tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam dưới hình thức sân khấu hóa, đa dạng về nội dung và hình thức: các tiết mục văn nghệ, thi hiểu biết về pháp luật, giao lưu với khán giả… Bộ Tài chính tập trung vào nhiệm vụ xây dựng văn bản; đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ các dự án luật; hoàn thành dứt điểm các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Ngân sách Nhà nước. Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam… tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Pháp luật. Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức tuyên truyền các khẩu hiệu trên Cổng thông tin điện tử về Ngày Pháp luật; In ấn, treo pa-nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về Ngày Pháp luật khuôn viên cơ quan trong tuần lễ cao điểm. Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí…
Trong 10 năm qua, nội dung PBGDPL đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Bám sát các quy định của Luật PBGDPL, nội dung PBGDPL trọng tâm hằng năm luôn được các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân, doanh nghiệp, yêu cầu quản lý Nhà nước, thực tiễn thi hành pháp luật. Trong đó tập trung vào các lĩnh vực công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới sau khi được thông qua, ban hành; các quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các sự kiện chính trị, pháp lý lớn của đất nước.
10 năm thực hiện Luật PBGDPL, toàn quốc đã tổ chức 9.429.104 cuộc PBGDPL trực tiếp; biên soạn và cấp phát miễn phí 511.988.157 tài liệu PBGDPL, trong đó có nhiều tài liệu phổ thông được dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều hình thức mới để “mềm hoá” thông tin pháp luật đã được triển khai như: Giới thiệu văn bản bằng trình chiếu kết hợp hình ảnh, phim tư liệu, sân khấu hoá, lồng ghép trong các phong trào, biểu diễn văn hoá văn nghệ, hội trại…
Nhiều mô hình hiệu quả
Thời gian qua, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã đa dạng hoá các hình thức, mô hình, biện pháp PBGDPL sát thực hơn với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh việc duy trì các hình thức truyền thống, đã có nhiều hình thức, mô hình PBGDPL hiệu quả, cách làm sáng tạo tại cơ sở.
Thi “Hoà giải viên giỏi”, một trong những hình thức tuyên truyền PBGDPL thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. |
Đơn cử, Sở Tư pháp Nghệ An thường xuyên chú trọng lựa chọn nội dung phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn. Chẳng hạn, đối với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, Sở đã thành lập các tổ tuyên truyền và sử dụng hình thức “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tiếp cận tuyên truyền trực tiếp cho đồng bào để nghe, biết, hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các ngành thành lập tổ lưu động lắp loa trên các phương tiện xe máy hoặc ô tô đi đến các thôn, bản, cụm dân cư chưa có hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền với thời lượng 60 phút/ngày với các file âm bằng tiếng Thái và tiếng Mông cho bà con thôn bản.
Nội dung tuyên truyền chú trọng nhất là các chính sách an sinh, xã hội, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, các vấn đề mà người dân đang vi phạm, như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Đối với các học sinh, sinh viên, Sở đã xây dựng thành công “Phiên toà giả định” để thực hiện tuyên truyền pháp luật trực quan tại các trường THPT; lồng ghép, tích hợp tuyên truyền PBGDPL trong các buổi học chính khoá, trong các buổi chào cờ đầu tuần hay các hoạt động giáo dục ngoại khoá, giáo dục ngoài giờ lên lớp; phát triển chương trình “Tủ sách pháp luật” của nhà trường…
Qua 10 năm triển khai, thực hiện Luật PBGDPL, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã có nhiều mô hình, cách thức thực hiện mang lại hiệu quả tốt. Trong đó có một số mô hình nổi bật, cụ thể là: tổ chức Ngày hội công nhân với pháp luật, với nhiều hoạt động được tổ chức như tư vấn pháp luật trực tiếp, tuyên truyền pháp luật; diễn tiểu phẩm tuyên truyền, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tài liệu pháp luật… Đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì tổ chức theo hình thức này với quy mô, phạm vi nhỏ hơn và tiếp tục hướng đến đối tượng người lao động, thanh niên, công nhân tại các khu, cụm công nghiệp.
Cùng đó, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã biên soạn cẩm nang hôn nhân gia đình, cấp phát được 9.750 cuốn cho các đơn vị địa phương để tặng cho các cặp vợ chồng khi thực hiện đăng ký kết hôn lần đầu tại các địa phương. Qua khảo sát nắm bắt thông tin, Cẩm nang được người dân, công chức tư pháp - hộ tịch đánh giá cao và mong muốn tiếp tục duy trì thực hiện. Ngoài ra, nhiều sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh còn triển khai nhiều hình thức, mô hình, cách làm khác có hiệu quả, như: tuyên truyền pháp luật kết hợp biểu diễn văn hoá, văn nghệ tại các khu nhà trọ có đông công nhân lao động; tuyên truyền pháp luật lưu động tại các trường học vào Thứ Hai tuần đầu của tháng; mô hình tuyên truyền các quy định pháp luật về giao thông thông qua chương trình Giao thông giờ cao điểm…
Trong những năm qua, thành phố Hà Nội luôn đẩy mạnh, đổi mới công tác PBGDPL nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thành phố và nhu cầu tiếp cận thông tin pháp luật. Nhiều mô hình hay, sáng tạo trong công tác PBGDPL được triển khai kịp thời phù hợp với xu hướng hiện đại. Việc tuyên truyền, phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng ngày càng được đẩy mạnh. Điển hình như: Thành phố đã xây dựng Trang thông tin điện tử PBGDPL với nhiều chuyên mục, thông tin về nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp; tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội góp phần hình thành đa chiều, đa dạng hoá trong công tác PBGDPL.
Đặc biệt, thành phố hàng năm tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng như thi viết trên giấy, thi viết trên mạng, thi sân khấu hoá, thi trực tuyến thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tham gia. Như cuộc thi: “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến” năm 2019 với 867.000 lượt người tham gia; Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu phòng, chống dịch bệnh COVID-19” năm 2021 với trên 1 triệu lượt người tham gia. Ngoài ra, thành phố còn đổi mới hình thức thi xây dựng video, kết quả, nhiều sản phẩm video trở thành sản phẩm truyền thông rộng rãi, có giá trị sử dụng lâu dài mở ra hướng mới trong việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.
Có thể nói, thông qua các nội dung, hình thức PBGDPL, người dân đã dần chủ động, tích cực hơn trong việc tự học tập, tìm hiểu pháp luật, sử dụng pháp luật như công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân. Đồng thời, nhờ vậy đã góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo, nâng cao trách nhiệm cho cán bộ, công chức thực thi công vụ.