Theo đó, vào chiều qua (12/7), tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai, Ban chỉ đạo Đề án 1371 Bộ Quốc phòng do Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát tình hình thực hiện Đề án 1371.
Dự buổi trao đổi, khảo sát có Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai; đại biểu Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng; cơ quan chức năng Bộ Tư pháp; đại diện Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tỉnh Lào Cai; đại biểu Cục Chính trị Quân khu 2...
Buổi khảo sát Đề án 1371 tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai. |
Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án 1371 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai cho biết, hằng năm, Đảng ủy Quân sự tỉnh và cấp ủy các cấp đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trong đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo triển khai thực hiện Đề án 1371 và công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc kế hoạch, hướng dẫn của trên, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (cơ quan thường trực) chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án và xây dựng quy chế hoạt động, triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn và hằng năm trên địa bàn tỉnh bảo đảm chặt chẽ, sát với đối tượng và tình hình thực tiễn của địa phương.
Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai phát biểu. |
Quá trình thực hiện Đề án 1371, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai chú trọng phát huy vai trò của hạt nhân nòng cốt ở cơ sở, cá nhân có uy tín trên địa bàn. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai xây dựng nội dung chương trình tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, quần chúng và nhân dân trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh thường xuyên quản lý, nắm chắc tư tưởng bộ đội; đẩy mạnh công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở thông qua hành quân dã ngoại; sinh hoạt chính trị chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn... Hoạt động tủ sách pháp luật đa dạng phong phú, được khai thác và sử dụng có hiệu quả; thường xuyên được bổ sung, chọn lọc, cập nhật danh sách và tài liệu mới phục vụ cho việc tra cứu, học tập...
Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lào Cai trao đổi tại hội nghị. |
Cùng với đó, cần tăng cường gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phổ biến giáo dục pháp luật giữa các sở, ban, ngành của tỉnh; tiếp tục duy trì nền nếp hoạt động của các mô hình, câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và cộng tác viên pháp luật có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng thống nhất cho rằng, công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật phải bám sát tình hình và điều kiện thực tế, phong tục, tập quán ở địa phương, đơn vị, xác định nội dung, phương thức tuyên truyền, phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp; tích cực nghiên cứu, đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; không ngừng nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo, hiệu quả.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Đại tá Phạm Đức Hoài, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong hoạt động phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai.
Đại tá đề nghị trong thời gian tới, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng vũ trang tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, chú trọng gắn công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, các phong trào thi đua, các đề án, cuộc vận động ở địa phương, đơn vị; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp... tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.