Phim 'tuyên chiến' với tham nhũng, tiêu cực

Một cảnh trong phim Chạy án.
Một cảnh trong phim Chạy án.
(PLVN) - Ðối mặt với tham nhũng, tiêu cực… đội ngũ những người làm phim truyền hình không chọn cách né tránh hay khoanh tay đứng nhìn. Khán giả truyền hình Việt Nam đã và đang được thưởng thức những bộ phim chính luận khai thác đề tài “nóng” mang tính thời sự, hơi thở thời đại. Bên cạnh đó, các bộ phim còn gửi gắm thông điệp: sự ngay thẳng cuối cùng sẽ chiến thắng. 

Nhọc nhằn làm phim chính luận

Ðược các nhà văn, nhà báo, nhà biên kịch tâm huyết cùng chung tay, dòng phim chính luận tiến công trực diện vào vấn nạn tham nhũng đã mang góc nhìn khách quan, đa chiều và lột mặt nạ của rất nhiều nhóm lợi ích trong các ngành nghề khác nhau.

Những “con sâu làm rầu nồi canh” trong phim ngày càng được “thăng chức” cao hơn. Từ trưởng thôn, chủ tịch xã..., cán bộ tham nhũng trong phim đang dần đảm nhiệm những vị trí quan trọng - như Giám đốc Ðài Truyền hình tỉnh, Chủ tịch tỉnh hay thậm chí cả Thứ trưởng...

Không phải ngẫu nhiên, phim chính luận được gọi là “phim 3K”: khổ - khô - khó. Đó là nhận định của các nhà làm phim khi thực hiện các “đặc sản” này. 

Phim chính luận đề cập  các vấn đề “nóng” của chính trị, xã hội thời cuộc, bởi vậy những biên kịch chuyên về mảng này không nhiều. Và dù là những cây viết lão luyện nhất thì cũng phải mất nhiều năm, thậm chí cả đời mới có được một kịch bản hay.

Để có được kịch bản “nóng hôi hổi chất thời sự” như “Chạy án” từng gây chấn động dư luận cách đây vài năm, nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong đã phải tích lũy kinh nghiệm làm báo cả đời từ những vụ việc thực tế. Hay ở “Sinh tử”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến mất 10 năm ấp ủ kịch bản phim, gạt bỏ sự cao ngạo của nhà văn để viết lại kịch bản lần 2 thêm hấp dẫn.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Trọng, người rất thành công với phim chính luận "Bí thư Tỉnh ủy" thừa nhận, để có được kịch bản ưng ý cho dòng phim này như "tìm trầm", các nhà biên kịch trẻ chưa có đủ hiểu biết, vốn sống thì thường không dám mon men đến lĩnh vực này.

Người có đủ từng trải, vốn sống thì lại phải cần thêm bản lĩnh và sự nhạy cảm cần thiết khi bắt tay vào viết kịch bản cho phim chính luận. Một khi không đủ tỉnh táo, người viết rất dễ sa đà và từ đó thiếu đi sự khách quan khi tìm hiểu bản chất vấn đề. Như thế cũng là làm khó cho đạo diễn khi làm phim.

Bên cạnh đó, người trong nghề đều hiểu rằng không phải hãng phim nhà nước thì... đừng dại mà làm phim chính luận. Bởi theo lẽ thông thường, người ta hiểu rằng chính luận là nói về các vấn đề chính trị, thời cuộc. Nhất định trong đó thể nào cũng có động chạm đến quan chức, nhiều yếu tố phê phán, đấu tranh với cái xấu, quan liêu, trì trệ trong xã hội.

Có lẽ không đoàn làm phim chính luận nào lại không than thở chuyện khó mượn bối cảnh. Dòng phim này chủ yếu đề cập những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm, những mặt trái của xã hội nên các đạo diễn thường phải nhọc công tìm, chọn bối cảnh thật, có tính thuyết phục cao để lột tả hết nội dung phim. Cũng vì thế mà rất khó mượn được bối cảnh.

Đạo diễn Bùi Huy Thuần chia sẻ: “Nhiều phim, tôi và ê-kíp của mình phải mất mấy tháng trời để tìm bối cảnh. Có phim cho đến tận những ngày cuối cùng mới quay được cảnh chính. Như “Ngôi biệt thự màu tro lạnh”, không một nhà dân nào chịu “chứa chấp” chúng tôi. Họ không muốn người xem nghĩ rằng chính nhà mình là nhà của quan tham, lại còn có mấy cái xác chết trong đó.

Với phim “Chủ tịch tỉnh”, đoàn làm phim đi tới nhiều tỉnh. Khi biết đây là phim nói về việc “chạy chức, chạy quyền” của các quan chức đầu tỉnh, nhiều nơi “đánh trống lảng”. May thay, cuối cùng có Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý giúp đỡ.

Họ cho mượn cả phòng làm việc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh và các bối cảnh khác trong suốt quá trình quay. Tuy nhiên, để “giữ gìn hình ảnh” cho tỉnh và tránh gây cho khán giả những hiểu lầm không đáng có, chúng tôi đã phải hư cấu thêm nhiều chi tiết”. 

Đoàn làm phim “Vùng đất không yên tĩnh” của đạo diễn Nhâm Minh Hiền cũng đã “chùn chân, mỏi gối” mà không tìm được bối cảnh trường quay. Anh cho biết: “Vì phim phê phán một nhà máy xả nước thải độc hại vào môi trường nên không có công ty nào đồng ý cho đoàn làm phim mượn bối cảnh hay sử dụng hình ảnh đơn vị họ. Cuối cùng, đoàn đã phải tự dựng bối cảnh một nhà máy hoàn toàn mới, rất kỳ công và tốn kém”…

Vì thế nên một bộ phim truyền hình thông thường chỉ quay mất 3-4 tháng, nhưng phim đề tài chính luận phải mất gấp 3 lần thời gian và các nhân vật đã lấy đi nhiều công sức của các diễn viên.

Nỗ lực không ngừng của hãng phim

Những bất cập còn tồn tại trong xã hội không ít. Nạn tham nhũng hoành hành. Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng giãn rộng. Sự xuống cấp của các giá trị đạo đức đẩy đồng tiền lên ngôi và tỏ rõ quyền năng tối thượng. Một bộ phận không nhỏ đảng viên tha hóa, biến chất, tìm mọi kẽ hở để luồn lách, trục lợi, vơ vét của công... luôn khiến công luận bức xúc, nhức nhối.

Chính vì vậy, chỉ cần tác phẩm chạm được tới những khía cạnh khác nhau, những góc khuất, mảng tối của hiện thực, nói giùm người dân ít nhiều những điều họ không có điều kiện đề cập, phát biểu, đều dễ dàng tạo sự đồng cảm và ủng hộ nhiệt thành từ phía khán giả.

Đa số phim chính luận gần đây đều được Hãng phim Truyền hình Việt Nam giao cho bộ đôi đạo diễn, một già một trẻ. Sự kết hợp già trẻ này cũng đem đến cho những đạo diễn trẻ cơ hội tiếp cận, thử thách với dòng phim chính luận.

Qua những bộ phim này, kinh nghiệm của người đi trước cũng đã truyền lại được rất nhiều cho người trẻ tuổi. Còn các đạo diễn “cây đa, cây đề” thì lại được lớp đạo diễn “con, cháu” truyền cảm hứng mới lạ, nhiệt huyết, nội dung mang hơi thở thời đại.

Ngoài nội dung, kịch bản phim hay, phim chính luận đã có “cú hích” mới khi “tấn công” mạnh vào việc tương tác với khán giả. Các fanpage của phim hoạt động mạnh, thu hút fan, đồng thời liên tục có những trò chơi gợi mở về nội dung phim, gây tò mò cho khán giả, lắng nghe ý kiến của khán giả. Tận dụng các kênh viral thông qua mạng xã hội để tăng sức lan tỏa cho phim, tương tác qua lại với khán giả.

Nhà sản xuất sẵn sàng chiều chuộng người xem khi thực hiện những tập phim đặc biệt, không ngại quay thêm khi phim có nguy cơ bị rò rỉ nội dung. Khán giả thậm chí có thể inbox, chat trực tiếp với đạo diễn để trao đổi điều mình không vừa ý hoặc vừa ý.

Khán giả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tác động tới diễn biến của bộ phim, thay đổi tình tiết dự tính, kết phim. Và sự chiều chuộng ấy được đền đáp khi hàng triệu khán giả sẵn sàng ngồi “ôm” ti vi cùng khóc, cười với nhân vật…

Bộ phim “Sinh tử” đánh dấu sự trở lại của dòng phim chính luận được khán giả yêu thích cũng là sự trở lại trong vai trò đạo diễn của NSND Khải Hưng. 70 tập phim ‘Sinh tử’ sẽ lên sóng lúc 21 giờ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần trên kênh VTV1 từ ngày 4/11/2019.
Những liên minh ma quỷ giữa người nắm quyền lực, người thực thi pháp luật và doanh nghiệp tạo nên nhóm lợi ích thao túng cả bộ máy chính quyền, tác động vào các chính sách; Những sự tha hoá quyền lực đã làm mất đi niềm tin của người dân với những cán bộ lãnh đạo… và cả những sự dấn thân bảo vệ lẽ phải để đem lại sự công bằng cho xã hội… tất cả sẽ được thể hiện sinh động, trực diện trong bộ phim “Sinh tử”. Có nhiều nhân vật, tình huống trong phim sẽ khiến người xem liên tưởng đến các vụ đại án đã từng xảy ra trong xã hội...

Đọc thêm

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”

Những “bóng hồng” tài năng trong phim “Lật mặt 7”
(PLVN) - “Lật mặt 7: Một điều ước” của Lý Hải dù chưa ra rạp song đã nhận sự quan tâm khi quy tụ dàn diễn viên bậc nhất trong cả series, lên đến 50 người. Trong phần phim mới, có nhiều “bóng hồng” xinh đẹp, tài năng cùng góp mặt.

Nam tài tử đời đầu của màn ảnh Việt

Ông ghi dấu bằng vẻ ngoài đẹp trai, tài năng diễn xuất. (Nguồn: Cô Hai Kim Cương)
(PLVN) - Trước những năm 1975, La Thoại Tân cùng với Trần Quang, Lê Quỳnh, Hùng Cường, được mệnh danh là những nam diễn viên điện ảnh tài năng, phong độ nhất của mảnh đất Sài Gòn phồn hoa. Mười sáu năm sau khi La Thoại Tân mất (13/3/2008), người hâm mộ vẫn chưa bao giờ quên chàng nghệ sĩ lịch lãm, với những vai diễn để đời.

Gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu

Sinh viên hào hứng với chương trình Sân khấu học đường. (Nguồn: NVH Sinh viên TP Hồ Chí Minh)
(PLVN) - Nhiều năm qua, không ít nhóm nghệ sĩ tâm huyết đã cố gắng đưa các vở diễn có giá trị nhân văn đến học đường biểu diễn cho các em học sinh. Những nỗ lực này nhằm giúp lan tỏa tinh thần yêu sân khấu đến với thế hệ trẻ, gìn giữ một bộ môn nghệ thuật di sản, đồng thời gieo mầm chân - thiện - mỹ đến học đường thông qua nghệ thuật sân khấu.

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà"

Vân Dung - bà mẹ dị trong "Người một nhà" (ảnh trong phim).
(PLVN) - Trong “Người một nhà”, nghệ sĩ Vân Dung vào vai người mẹ vừa lạ vừa dị. Người mẹ này đã bỏ hai anh em Tuệ để chạy theo cuộc sống riêng và đó cũng là một phần lý do tạo nên tính cách, hoàn cảnh và những xung đột trong cuộc sống của họ.