Nguyên nhân gốc rễ là cơ chế cào bằng trong đầu tư vốn, kiểm soát chất lượng phim truyền hình và thiếu chính sách khuyến khích những phim đạt chất lượng cao. Một trong những phim bị khán giả chê nhiều nhất có thể kể đến Gia đình số đỏ (đạo diễn Văn Công Viễn, Công ty Đại Nam sản xuất) đang phát sóng trên HTV9. Sự tham gia của cặp đôi diễn viên hải ngoại Quang Minh - Hồng Đào không cứu được nội dung phim bị xem là nhảm nhí. Không riêng gì Gia đình số đỏ, hàng loạt phim khác phát sóng gần đây cũng thể hiện những yếu kém tương tự. Hay, dở cũng bán được như nhau Có thể nói chưa bao giờ phim Việt lại được phát sóng nhiều như ở thời điểm này khi các đài truyền hình đều tập trung chạy đua phát sóng phim Việt cho đủ chỉ tiêu 30% thời lượng phát sóng phim truyện. Tuy vậy, cuộc chạy đua theo số lượng này đã làm cho chất lượng phim ngày càng tệ. Phim liên tục ra mắt khán giả nhưng hiếm có phim nào đủ sức đọng lại mà chỉ là những câu chuyện nhạt, dễ dàng trôi tuột đến mức người xem không còn quan tâm, bàn đến. Phim truyền hình đang bị so sánh càng lúc càng giống kịch truyền hình, tấu hài, “chuyện trong nhà ngoài phố”...
Phim Gia đình số đỏ (đang phát sóng trên kênh HTV9) bị chê là phim hài nhảm. |
Khó mà đếm hết số lượng các công ty nhảy vào làm phim truyền hình ở thời điểm này. Nhiều phim đang phát sóng là của những đơn vị mới bước chân vào làng sản xuất phim truyền hình, hàng loạt dự án phim trên trường quay cũng thuộc sở hữu của những đơn vị đầu tư có những cái tên khá lạ, chưa kể nhiều đơn vị “lính mới” đang âm thầm chuẩn bị “ra quân”. Có ý kiến ví von làm phim truyền hình hiện nay giống như “mì ăn liền”: “Các đơn vị tư nhân cứ mặc nhiên làm phim miễn là có nhà tài trợ. Người viết kịch bản cũng có thể tuyên bố một ngày “quăng 2 tập phim. Hay dở gì thì cũng được mua. Vậy nên chúng ta đã có hàng trăm loại “mì ăn liền” chất lượng như nhau. Dẫu có sản xuất thêm một “gói mì” chất lượng tệ cũng không ảnh hưởng gì vì sản phẩm dở cỡ nào cũng tiêu thụ được, ai ăn được hay không thì mặc”. Sự bát nháo, dễ dãi đang bào mòn dần tâm huyết của những người làm nghề. “Guồng máy vẫn chạy không ngừng nghỉ và sự từ chối hợp tác với những gì dễ dãi của anh rốt cuộc cũng không thể làm thay đổi được gì. Chỉ có anh đứng lại, nếu không chịu được thì phải tiếp tục đi, cay đắng hơn là đi theo sự sai khiến của những người không đủ chuyên môn chỉ đạo mình” – một đạo diễn chua chát nói. Một đạo diễn tâm huyết đã thẳng thắn bày tỏ: “Sự đi xuống này chính là hậu quả của việc phát triển không đồng bộ, thiếu căn cơ, chưa tính đến chiến lược dài lâu. Bây giờ cái gì cũng dễ dãi cho qua. Chúng ta có thể sẽ làm hỏng cả một thế hệ với kiểu làm phim thiếu trách nhiệm và chỉ chạy theo những giá trị ảo như thế này”. Cần xóa cơ chế cào bằng Đạo diễn Tường Phương nhìn nhận: “Xã hội hóa là chuyện cần thiết để tạo sự phát triển cho phim nhưng chúng ta chỉ mới xã hội hóa nửa chừng. Phát triển không đồng bộ, thiếu sự khuyến khích để tạo nên sự cạnh tranh về chất lượng. Cơ chế cào bằng là nguyên nhân khiến cho chất lượng phim càng lúc càng tuột dốc. Anh có cố đầu tư cho phim hay đến đâu cũng không được lợi hơn phim chất lượng làng nhàng. Nếu anh là nhà kinh doanh, biết chắc bỏ tiền ra làm một sản phẩm thật tốt nhưng lại được bán bằng một giá với những sản phẩm tồi thì việc gì phải chạy theo chất lượng?”. Tại hội thảo về nâng cao chất lượng phim truyền hình trong khuôn khổ liên hoan phim truyền hình toàn quốc vừa qua, có ý kiến yêu cầu các nhà đài nên điều chỉnh mức đầu tư một cách hợp lý hơn cho từng loại đề tài, loại phim thay vì trả một mức kinh phí sản xuất ngang nhau. Nhiều nhà làm phim đồng thuận với ý kiến cần phải có sự thay đổi trong cơ chế, phim hay thu hút nhiều quảng cáo thì nhà sản xuất cũng được chia phần trăm chứ không thể cứ xếp “cá mè một lứa” cho tất cả các phim. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và đạo diễn Tường Phương có cùng ý kiến: Nếu không có chính sách khuyến khích mà cứ định giá đồng hạng các phim thì khó kích thích đầu tư, thậm chí có thể làm mài mòn những nỗ lực sáng tạo của những người có tâm huyết làm nghề.
Khán giả sẽ quay lưng Diễn đàn điện ảnh ngày càng thưa vắng những lời bình luận dành cho phim đang phát sóng. Hầu như thời điểm này, không còn có phim nào nhận được sự quan tâm nhiều của người xem (trước đây có những phim có khi bình luận lên đến hàng trăm trang). Một khán giả bày tỏ: “Dù là phim bị chê nhiều thì các nhà làm phim cũng nên lấy đó làm mừng vì khán giả có quan tâm theo dõi mới có thể nêu ý kiến. Còn phim lên sóng và kết thúc lặng lẽ, không thấy ai nói gì thì mới đáng lo ngại. Thực tế bây giờ, có rất nhiều phim chỉ phát sóng trong lặng lẽ”. Xét cho cùng, phim ảnh làm ra là để phục vụ khán giả. Một khi công chúng quay lưng thì phim ảnh sẽ chết. Sự thất bại của dòng phim “mì ăn liền” chiếu rạp những năm thập niên 1980, 1990 vẫn là một bài học nhãn tiền. Nếu không có một sự thay đổi cần thiết, khán giả quay lưng là điều khó tránh khỏi. |
Theo Tiểu Quyên
NLĐ