Phiên xử ông Đinh La Thăng: “Có những bị cáo đến đây tôi mới gặp, chứ không tác động gì”

Ông Thăng được đưa đến tòa.
Ông Thăng được đưa đến tòa.
(PLVN) - Từ ngày 14/12/2020, TAND TP HCM đã đưa ông Đinh La Thăng (60 tuổi, từng là Bộ trưởng Bộ GTVT) và 19 bị cáo ra xét xử về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Theo cáo trạng, dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án cao tốc đầu tiên tại miền Nam, được Thủ tướng phê duyệt năm 2004, chủ đầu tư là Bộ GTVT với số vốn gần 10.000 tỷ đồng. TCty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ GTVT) quản lý. Năm 2010, tuyến cao tốc hoạt động nhưng hai năm sau mới chính thức thu phí.

Tháng 2/2012, ông Thăng với vai trò Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo Dương Tuấn Minh (TGĐ Cty Cửu Long) “tạo điều kiện” cho Cty Yên Khánh và Cty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ (đang kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính) mua được quyền thu phí.

Kết quả điều tra xác định, Hệ đã nhiều lần nhờ ông Thăng tác động Minh. Do các Cty không có khả năng tài chính, kinh doanh thua lỗ, nên Hệ chỉ đạo cấp dưới làm báo cáo tài chính khống thành có lãi để làm hồ sơ đấu giá, trúng thầu. Quá trình thu phí, Hệ chỉ đạo Cty Yên Khánh mua phần mềm khác thay thế phần mềm thu phí của Bộ GTVT để che giấu doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí của nhà nước.

CQĐT cáo buộc, ông Thăng đã “phớt lờ” các quy định về quản lý tài sản nhà nước và chuyển giao quyền thu phí. Sai phạm của ông Thăng và các cấp dưới đã giúp Hệ chiếm đoạt 725 tỷ đồng.

Ông Thăng phản bác nhiều vấn đề

Trả lời HĐXX, ông Thăng cho rằng cáo trạng truy tố mình về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí có một nội dung đúng một phần; 5 nội dung còn lại không đúng. “Là Bộ trưởng, bị cáo phải chịu trách nhiệm, nhưng là trách nhiệm chính trị, hành chính. Còn trách nhiệm hình sự thì không thể buộc cho bị cáo”, ông nói.

Theo ông Thăng, cáo trạng nói mình là người chỉ đạo xuyên suốt là không đúng, bởi chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng và một bút phê, còn lại do các thứ trưởng chỉ đạo. Với cáo buộc mình giao cho Cty Cửu Long dự án đấu giá quyền thu phí, ông Thăng tiếp tục khẳng định “không hề giao mà là thứ trưởng (Nguyễn Hồng Trường – NV) trực tiếp giao”.

“Từ đầu tới cuối, văn bản pháp luật mà các bị cáo triển khai là dựa vào hướng dẫn Bộ Tài chính về đấu giá. Không thể dùng văn bản đấu thầu để áp dụng. Cáo trạng nói hành vi vi phạm Thông tư liên tịch 05 là không đúng, bởi đó là thông tư hướng dẫn đấu thầu chứ không phải đấu giá”, ông Thăng nói.

Chủ tọa hỏi: “Trong việc Cty Yên Khánh tham gia mua quyền thu phí, Hệ và Dương Tuấn Minh khai là bị cáo gọi điện cho bị cáo Minh để giới thiệu Hệ?”.

“Tôi không gọi”, ông Thăng trả lời. “Ông Minh không có vai trò nhiệm vụ gì trong đó. Hơn nữa, việc này thuộc thẩm quyền của Bộ nên không có lý gì mà tôi phải gọi cho Minh. Hơn nữa, tháng 8/2012 Cty Cửu Long mới được giao lập dự án, không lý do gì tháng 2 tôi gọi cho Minh để nói về dự án này”.

Về mối quan hệ với Hệ, ông Thăng cho biết có quen biết nhưng ở mức độ “như tất cả mọi người”. “Cáo trạng nêu bị cáo và Hệ “có mối quan hệ từ trước nên giới thiệu” là mang tính suy đoán, không có căn cứ bởi có những bị cáo đến đây tôi mới gặp, chứ không tác động gì. Cáo trạng nêu như vậy sai sự thật, quy chụp tôi”.

Liên quan đến thiệt hại của vụ án, ông Thăng nói rằng, thiệt hại 725 tỷ đồng trong cáo trạng nêu thuộc về hành vi gian dối trốn doanh thu nên ông không có trách nhiệm.

“Tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu”

Về phía Hệ, trả lời về nội dung cáo trạng quy kết “ăn chặn” tiền của nhà nước, bị cáo này nói: “725 tỷ đó thuộc quyền sử dụng của tôi, của Cty Yên Khánh thì làm sao tôi phải chiếm đoạt. Cty đã trúng đấu giá thì lời ăn lỗ chịu”.

Luật sư quay sang hỏi ông Thăng: “Nếu Cty Yên Khánh đã nộp đủ tiền thu phí thì tiền doanh thu vượt quá 2.004 tỷ đồng (tiền trúng đấu giá) thuộc sở hữu của ai?”. Ông Thăng trả lời: “Tiền thu được thấp hơn mức đấu giá thì phải chịu, vượt thì được hưởng. Nhưng thu phải đúng theo quy định pháp luật chứ không phải muốn thu bao nhiêu thì thu”.

Đối với chi tiết báo cáo doanh thu của Cty Yên Khánh gửi cho Bộ GTVT, ông Thăng nói dự án này đã giao cho các thứ trưởng chỉ đạo. “Hợp đồng kinh tế chi tiết và các văn bản liên quan tôi không nắm được chi tiết”, ông Thăng nói.

Trước đó, để làm rõ về thiệt hại trong vụ án, luật sư hỏi đại diện Bộ Tài chính về việc định giá quyền thu phí là 2.004 tỷ đồng có hợp lý không? Người này khẳng định Bộ Tài chính đã có văn bản quy định về các chỉ tiêu và đã gửi đến Bộ GTVT. Bộ Tài chính không có thẩm quyền để đánh giá số tiền định giá đó là cao hay thấp.

Luật sư cũng đặt câu hỏi với đại diện Bộ GTVT (được xác định tư cách bị hại của vụ án) về những thiệt hại nào đã xảy ra, yêu cầu bồi thường bao nhiêu và ai phải bồi thường. Ông này trả lời: “Đến nay chưa biết tính thiệt hại thế nào, chưa xác định được thiệt hại bao nhiêu nên chờ vào phán quyết của toà”.

Trước quan điểm phải chịu trách nhiệm chính về đề án bán quyền thu phí dự án, ông Thăng nói: “ Tôi không có trách nhiệm hình sự vì dự án đã được phân công cụ thể. Tôi chỉ ký một văn bản trình Thủ tướng, một văn bản trình hội đồng bán đấu giá và một bút phê. Những ai trực tiếp thực hiện thì chịu trách nhiệm. Tôi chỉ chịu trách nhiệm người đứng đầu”.

“Việc quy trách nhiệm cho tôi về mặt hình sự là rất chủ quan và áp đặt. Ví dụ, xảy ra tai nạn giao thông do rất nhiều nguyên nhân như uống rượu bia, sử dụng ma tuý... thì làm sao có thể quy trách nhiệm cho tôi”, ông Thăng nói.

Tại phiên xử, ông Thăng giải thích, trách nhiệm của Bộ GTVT là phát triển hạ tầng giao thông cả nước, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, song chỉ đầu tư được 54 km đường cao tốc là quá ít nên “thấy rất có lỗi với đồng bào ở đây”. “Dự án này được đầu tư từ TP HCM về đến Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. Do đó, anh em chuẩn bị cho tôi báo cáo Thủ tướng là đồng ý tiếp nhận lại dự án này để tiếp tục đầu tư hoàn thành dự án chứ không có động cơ nào khác”, ông Thăng nêu quan điểm.

Trả lời đại diện VKS về cáo buộc tháng 2/2012 chỉ đạo Minh “tạo điều kiện” cho công ty của Hệ mua được quyền thu phí, ông Thăng khẳng định thời điểm đó không biết đã được Thủ tướng chấp thuận cho Bộ GTVT (Văn bản 217) thực hiện đề án bán quyền thu phí, thì không thể can thiệp.

VKS đặt câu hỏi: “Là bộ trưởng khi phát công văn trình Thủ tướng thì khi có công văn gửi ngược lại, bị cáo phải người tiếp nhận đầu tiên chứ?”.

Ông Thăng: “Tôi xin lỗi đó là suy nghĩ của anh, còn hoạt động của Bộ GTVT hay bộ khác làm sao anh biết. Nếu văn bản nào tôi cũng phải biết và chịu trách nhiệm pháp luật thì tất cả cấp trưởng ở đất nước này đều đi theo tôi hết”.

Đọc thêm

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.

Từ bạn tù đến đồng bọn ma túy, bộ ba lĩnh án chung thân

Các bị cáo tại phiên xét xử.
(PLVN) - Ngày 10/1, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án mua bán trái phép chất ma túy đối với 3 bị cáo: Nguyễn Phú Long Thành (SN 1976, trú phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP. Hà Nội); Vi Xuân Hoài (SN 1954, trú xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Kha Văn Minh (SN 1977, trú xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An).

Phúc thẩm vụ án 'thuê người đánh ghen' ở Bến Tre

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Ngày 7/1/2025, TAND tỉnh Bến Tre mở phiên xử phúc thẩm với các bị cáo Lê Thị Trang (SN 1982), Phạm Thành Lộc (SN 1998), Đinh Văn Chăng (SN 2004), Lê Đoàn Thiên Phúc (SN 2004) và Đinh Văn Hùng (SN 1978) cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”.

Bắt tạm giam chủ Mái ấm Hoa Hồng (TP HCM)

Tống đạt các quyết định tố tụng với hai bị can. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM mới ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam với Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) để điều tra hành vi "Hành hạ người khác".

Dùng dao chém mẹ vợ, con rể lãnh 9 năm tù

Bị cáo gần tại phiên tòa.
(PLVN) - Cuối phiên xử sơ thẩm ngày 2/1/2025, TAND tỉnh Kiên Giang tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Gần (SN 1975, ngụ xã Hòa Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang), 9 năm tù về tội "Giết người". Nạn nhân trong vụ án này là bà Trần Thị Tư (mẹ vợ của bị cáo).

Phạt tù 4 bị cáo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của người dân qua mạng điện thoại

Các bị cáo Tài, Chương (hàng đầu), Thái và Phúc (hàng thứ 2) (từ trái sang) tại phiên tòa
(PLVN) - Ngày 23/12, TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án đối với các bị cáo gồm Nguyễn Thông Thái (SN 1995), Dương Văn Tài (SN 2000), Trương Hán Chương (SN 2000) và Hồ Minh Phúc (SN 1995) về tội "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Các bị cáo cùng ngụ TP HCM.