Bị cáo Kỳ do đang bị ung thư nên có đơn xin xét xử vắng mặt và được chấp thuận.
Theo cáo trạng, tháng 8/2019, một người họ hàng của chị Phạm Thị Trà My (26 tuổi, ngụ thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) đang làm việc tại Anh, nhờ Trường làm thủ tục đưa My sang Anh làm việc. Trường liên lạc với Thúy Hòa, thỏa thuận chi phí 21.000 USD.
Khi báo giá với gia đình My, Trường yêu cầu 22.000 USD và được đồng ý. Trường sau đó nhận giấy tờ rồi nộp cho Hòa, Quốc Thành để chuyển Nguyễn Thị Thúy Diễm (30 tuổi, chị gái Thành, ngụ Trung Quốc, đang bị truy nã quốc tế) làm visa du lịch sang Trung Quốc với giá 160 USD.
Ngày 3/10/2019, My đi ra Hà Nội gặp Thành nhận hộ chiếu đã cấp visa Trung Quốc, sau đó lên cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) rồi sang Trung Quốc. Tại đây, Diễm đón My cùng một số người khác sắp xếp chỗ ăn ở. Ngày 17/10/2019, khi có visa sang châu Âu, My bay từ Trung Quốc đến Ethiopia, quá cảnh Pháp, sau đó dùng hộ chiếu giả nhập cảnh Pháp.
Một ngày sau, My từ Pháp trốn sang Anh, bị cảnh sát phát hiện trục xuất trở lại Pháp. Ngày 23/10/2019, My ngồi trong thùng xe container đông lạnh tiếp tục trốn sang Anh. Khi đến hạt Essex, Vương quốc Anh, My tử vong cùng 38 người khác trong thùng container, nguyên nhân do ngạt thở.
Quá trình điều tra theo trình báo của bố My, 7 người liên quan đến việc đưa My sang Anh cùng hàng chục lao động khác sang châu Âu làm việc bất hợp pháp bị bắt.
Theo cáo trạng, ngoài việc liên quan My, biết nhiều người muốn sang châu Âu lao động, từ tháng 5-10/2019, Diễm chỉ đạo Thành nhận hồ sơ thông qua Hòa, Kỳ, Hồ và Huệ làm hồ sơ xuất ngoại theo hai con đường qua Trung Quốc và Hy Lạp với mức giá 17.000-20.000 USD. Người lao động khi đến hai nước này sẽ được làm giấy tờ giả, sang tiếp nước khác.
Theo điều tra, thông qua Thành và Diễm, Hòa đã tổ chức, môi giới đưa 16 người sang châu Âu, hưởng lợi 3.000 USD; Trường đưa 3 người (trong đó có chị Trà My), hưởng lợi 1.500 USD; Kỳ và Hồ đưa 3 người, hưởng 28 triệu đồng; Huệ đưa 3 người, hưởng 1.500 USD. Triều môi giới 6 người, thu 1.000 USD.
Trả lời thẩm vấn, Trường trình bày từng có thời gian làm việc tại Anh, trước khi bị bắt kiếm sống bằng nghề dạy làm móng. My là em họ của Trường, nên khi được nhờ đưa sang châu Âu làm việc, biết là trái phép song vẫn nhận lời giúp. Trường chỉ giới thiệu My đến Pháp, không liên quan đến chặng đường tại Anh, nên việc bị quy kết "làm chết nạn nhân là không phù hợp". Bị cáo "không nhớ rõ đã đưa bao nhiêu người sang châu Âu để hưởng lợi".
Do chưa bắt được Thúy Diễm, bị cáo Thành (em trai Diễm) được xác định là người đứng đầu vụ án này, nhận 71 hồ sơ. Thành khai quen Hòa, ông Huệ và Kỳ, sau đó chỉ đạo một số chân rết liên lạc với ba người này để lấy hồ sơ của Trà My cùng nhiều người để làm thủ tục xuất cảnh. "Bị cáo làm theo chỉ đạo của chị Diễm. Sau khi nhận hồ sơ thì gửi cho chị, sẽ có người sắp xếp khách hàng đưa sang Trung Quốc, mọi việc sau đó đều không biết", bị cáo Thành nói.
Tại tòa, bố nạn nhân My nói: "Gia đình bỏ ra 22.000 USD cho con sang Anh song vỡ mộng, giờ mất trắng. Chỉ mong các bị cáo hỗ trợ phần nào đó để khắc phục, vì vợ chồng già yếu không biết lấy đâu ra khoản tiền lớn như vậy". Trong vụ án này, bị cáo Thành đã hỗ trợ cho gia đình ông Thìn 200 triệu đồng, Trường hỗ trợ 60 triệu, Hòa 50 triệu đồng.
Trước đó, như PLVN đã phản ánh, hôm 23/10/2019, cảnh sát Anh tìm thấy 39 thi thể trong thùng container tại khu công nghiệp Grays, hạt Essex, đông bắc thủ đô London. Các nạn nhân được xác định nhập cư trái phép, mang quốc tịch Việt Nam, chết trong xe container do thiếu oxy và quá nóng.
Nghệ An là tỉnh nhiều nạn nhân nhất với 21 người, Hà Tĩnh 10 người, Hải Phòng 3 người, Quảng Bình 3 người, Thừa Thiên - Huế và Hải Dương mỗi tỉnh một người.
Tại phiên xử hôm 28/8 tại Tòa Hình sự Trung tâm Anh và xứ Wales ở London, Ronan Hughes, đối tượng cầm đầu đường dây buôn người đã nhận tội ngộ sát. Nhiều người liên quan vụ án đã bị bắt và buộc tội tại Anh, Pháp và Bỉ.