Chánh án TAND quận Đống Đa, thẩm phán Đào Vĩnh Tường làm chủ tọa phiên tòa.
Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 4/4/2022, tại khu vực ngõ 98 Khâm Thiên (phường Khâm Thiên, quận Đống Đa, TP Hà Nội), tổ công tác Công an quận Đống Đa đã bắt quả tang Tạ Đức Hoàng (SN 1988 ở phường Thổ Quan, quận Đống Đa, TP Hà Nội) mang 0,072 gram ma túy heroin.
Mở rộng điều tra, Hoàng khai nhận mua ma túy của Nguyễn Duy Định (SN 1962, ở tập thể Văn Chương, phường Văn Chương, quận Đống Đa, TP Hà Nội) về sử dụng.
Khoảng 14h cùng ngày, Công an quận Đống Đa đã tổ chức khám khẩn cấp nơi ở của Định. Quá trình khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 1 cân điện tử tại ngăn kéo tủ trong nhà Định và thu giữ trong túi quần đùi của bị cáo viên 3 nén màu đỏ, 3 gói giấy bạc màu xanh, 5 gói giấy bạc màu đỏ.
Qua giám định, chất bột dính trên cân điện tử là heroin, toàn bộ chất trong 8 gói giấy bạc màu xanh đỏ có trọng lượng hơn 1,4 gram heroin, 3 viên nén màu đỏ là ma túy tổng hợp Metaphetamin có trọng lượng 0,283 gram.
Tại phiên toà, bị cáo Nguyễn Duy Định đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội.
Được biết, trước đó, tháng 11/2000, bị cáo Định bị toà phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội xử phạt 8 năm tù cũng về tội Mua bán trái phép chất ma túy, chưa được xoá án tích.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Định 42 tháng tù giam. Đối với Tạ Đức Hoàng, HĐXX cho rằng hành vi của Hoàng chưa đủ cấu thành tội phạm nên chỉ xử phạt hành chính.
Chánh án TAND quận Đống Đa Đào Vĩnh Tường chia sẻ với báo chí sau phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại Hà Nội. |
Chia sẻ về công tác chuẩn bị phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại Hà Nội, Chánh án TAND quận Đống Đa Đào Vĩnh Tường cho biết, TAND quận Đống Đa chuẩn bị trước phiên tòa khoảng 2 tuần với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm. Được sự hỗ trợ của Thành phố và các ban ngành liên quan đến hôm nay TAND quận Đống Đa hoàn thành lắp đặt thiết bị để đưa vụ án ra xét xử. Kết quả của phiên tòa trực tuyến đầu tiên rất tốt, giảm thiểu nhiều thời gian đi lại, khó khăn trong quá trình dẫn giải.
"Ngoài thuận lợi về việc xét xử trực tuyến tiếp kiệm được nhiều thời gian, chi phí khi dẫn giải, đặc biệt là khi bị cáo bị dẫn giải từ nơi xa đến thì tại phiên tòa trực tuyến, HĐXX sẽ vất vả hơn trong quá trình thẩm định. Bên cạnh đó, để lắp đặt hệ thống thì liên quan đến nhiều cơ quan cùng một lúc, cần có sự phối hợp của 3 ngành từ trung ương, có chỉ đạo một cách thống nhất, toàn diện trong việc thực hiện phiên tòa trực tuyến, tránh sự cố trục trặc vì chỉ cần một trong các đơn vị trục trặc thì phiên tòa trực tuyến không thể tổ chức được", Chánh án Đào Vĩnh Tường chia sẻ.
Chánh án TAND quận Đống Đa cũng cho biết, về cơ bản phiên xét xử trực tuyến hôm nay vẫn giống như phiên tòa hình sự công khai, song có điểm mới và điểm khác liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo. Vì vậy, khi xét xử trực tuyến cần phải đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
"Hiện nay, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Trại tạm giam số 1 - Công an TP Hà Nội đã phối hợp rất tốt từ việc chuẩn bị phòng xét xử, chuẩn bị đường truyền mạng, chuẩn bị các cơ sở vật chất để lắp đặt hệ thống phục vụ cho việc xét xử trực tuyến hôm nay.", Chánh án TAND quận Đống Đa Đào Vĩnh Tường đánh giá công tác phối hợp sau phiên xét xử trực tuyến đầu tiên tại Hà Nội.