Trong hôn nhân, có những thứ phải khi mất đi rồi mới khiến chúng ta hối tiếc vì không biết trân trọng. Nhưng cũng có những thứ buông đi rồi mới nhẹ nhõm nhận ra: Đáng lẽ ta nên từ bỏ sớm hơn thì nhẹ nhàng biết mấy. Dưới đây là câu chuyện của một nữ thẩm phán về một phiên tòa ly hôn mà bà không thể quên.
1. “Trong cuộc đời làm thẩm phán của mình, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu cặp vợ chồng ly hôn. Mỗi vụ ly hôn là một lý do, hoàn cảnh khác nhau. Ghen tuông có, mâu thuẫn với nội ngoại có, có cặp dù đã hết tình cảm với nhau rồi nhưng cố tình làm khó bên kia cũng có… Nhưng có một phiên tòa khiến tôi ấn tượng sâu sắc và rất khó quên.
Đó một buổi chiều cuối đông nhiều năm trước. Tôi tiếp nhận một vụ ly hôn. Nguyên đơn là người chồng. Hai người ra tòa, chấm dứt cuộc hôn nhân năm năm sau những lần hòa giải không có kết quả.
Trước mặt tôi là một người đàn ông hơn 30 tuổi, ăn mặc gọn gàng nhưng gương mặt có phần tiều tụy. Anh nói rằng ly hôn vì muốn giải thoát cho vợ. Bằng giọng khản đặc, trầm buồn, anh kể, trước kia hai người đến với nhau với hai bàn tay trắng. Cuộc sống giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng hạnh phúc, cùng hướng tới những dự định tương lai, sinh con đẻ cái, mua nhà, mua xe. Anh tự nhủ sẽ không bao giờ vợ anh phải khổ, phải cố gắng thật nhiều để cô có được cuộc sống đầy đủ hơn.
Anh lao vào công việc, liên tục tăng ca không biết mệt mỏi, cố gắng làm việc gấp hai, ba lần người khác. Thế rồi, mọi nỗ lực của anh cũng được đền đáp, cuộc sống dần khá lên, gia đình nhỏ đón thêm một thành viên mới. Nhưng cuộc đời đâu ai biết được chữ ngờ. Năm năm sau công ty cử anh đi công tác tại nước ngoài, khi đó vợ anh đang mang bầu đứa con thứ hai.
Thời gian đi công tác anh ít có thời gian quan tâm đến vợ con vì công việc quá bận rộn, một năm chỉ thu xếp được vài ngày về thăm nhà. Ngày về nước, anh sững sờ biết tin vợ anh có người khác, hai người đã qua lại với nhau thời gian khá dài. Anh không khóc nhưng trong lòng như bị ai xé nát. Anh hỏi tại sao lại như vậy, vợ anh không khóc lóc, không giải thích, chỉ lạnh lùng nói rằng muốn ly hôn, để chị có thể đến với người tình một cách đàng hoàng, thoải mái.
Anh tự hỏi tại sao lại ra nông nỗi này, anh chấp nhận xa vợ con, cật lực làm việc không ngừng nghỉ để lo cho gia đình, nhưng bây giờ đổi lại là sự phản bội. Anh cảm thấy đau đớn nhưng vì vẫn còn rất yêu vợ, nghĩ đến con còn nhỏ, anh nài nỉ chị hãy suy nghĩ lại, anh có thể bỏ qua tất cả và chấp nhận làm lại từ đầu.
Chị trách anh vô tâm để mình chị vật lộn với chuỗi ngày con nhỏ, công việc bộn bề, để rồi chị bí bách muốn buông xuôi. Anh không biết chị đã vất vả thế nào khi vừa trông con khóc, không để con nghịch, vừa lo cơm nước. Anh không thể biết được chị có khi vừa phải một tay bế con, một tay nhặt rau, có khi khi đi vệ sinh vẫn phải ôm con theo. Khi chị đau đớn vượt cạn, anh cũng không ở bên...
2. Thời gian đầu, mỗi khi chị đưa tờ đơn ly hôn, anh đều xé đi vì hi vọng chị sẽ suy nghĩ lại, vì hai đứa con mà thay đổi quyết định. Chị không thay đổi. Sau nhiều lần hòa giải không có kết quả, anh đồng ý ly hôn. Anh đã hiểu, không thể cố giữ một người đã hết yêu mình.
Mọi tài sản chung, anh chấp nhận để lại hết cho cho chị với điều kiện anh phải được quyền nuôi con. Anh chấp nhận nuôi con, vì với anh, tương lai sẽ dễ dàng hơn một người đàn bà từng đi qua đổ vỡ. Vợ anh còn rất trẻ, còn phải bước tiếp và tìm kiếm hạnh phúc cho mình. Anh và chị, ai nuôi con cũng vậy, miễn là họ cố gắng vì con làm mọi điều tốt đẹp. Lỗi không thuộc về ai. Anh đã quá tự tin vào tình yêu gia đình, mải miết lao vào làm việc, lao vào những dự định mà không hiểu hôn nhân và hạnh phúc mong manh nhường nào.
Anh không thấy mình thiệt thòi, anh cũng không thấy chị ích kỉ khi để con lại cho anh nuôi. Anh chỉ thương hai đứa con bé bỏng, chúng được sinh ra từ tình yêu, cũng đồng thời là nạn nhân khi gia đình đổ vỡ.... Nghĩ đến hai đứa nhỏ hồn nhiên không biết những giông bão đã ập đến gia đình mà lòng anh như ngàn mũi dao đâm.
Sau cùng, dù đồng cảm nhưng tôi cũng buộc lòng phải tuyên bố: “Tòa thuận tình cho anh chị ly hôn”. Người đàn ông ôm lấy đứa con nhỏ, nghẹn ngào: “Xin lỗi, vì bố đã không giữ được mẹ cho con”. Kế bên, người vợ bình thản, ngẩng cao đầu đi ra cửa.
Cảnh tượng đó, chắc có lẽ tôi không bao giờ có thể quên được, sao mà có thể đắng cay, chua xót đến thế. Người ta vẫn thường hay nói “đàn bà say đắm tình xưa, đàn ông say đắm tình vừa mới quen”; nhưng trong tình huống này, hoàn toàn không phải vậy”.