Cấp Sổ xanh bằng Quyết định nhưng thu hồi theo đường Công văn
Đối tượng khởi kiện của 147 hộ dân thuộc các xã Tiến Thắng, Đồng Hưu, Xuân Lương, Hương Vĩ… của huyện Yên Thế là Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 27/01/2015 (QĐ 35) của UBND tỉnh Bắc Giang về việc cho Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Yên Thế (Cty Lâm nghiệp Yên Thế) thuê rừng gắn với thuê đất lâm nghiệp (hơn 1.800 ha) để sản xuất kinh doanh.
Theo các hộ dân, phần lớn diện tích đất rừng nêu tại quyết định trên đã trùng vào diện tích rừng mà họ đã và đang sản xuất, được UBND huyện Yên Thế cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, Giấy chứng nhận quyền quản lý kinh doanh và đất lâm nghiệp (Sổ xanh) từ năm 1993.
Việc sử dụng đất rừng của các hộ dân dựa theo chủ trương, chính sách “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” của Đảng và Nhà nước từ những năm 80. Sau khi được cấp Sổ xanh vào năm 1993, người dân càng yên tâm khai hoang, phục hóa và đầu tư trồng rừng, phát triển sản xuất kinh tế rừng. Vì vậy, khi biết được QĐ 35 giao đất cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế chồng lấn vào diện tích rừng sử dụng hợp pháp của mình, 147 hộ dân đã khởi kiện UBND tỉnh Bắc Giang, yêu cầu Tòa hủy QĐ 35 vì cho rằng QĐ này ban hành sai về cả nội dung và không đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, cho thuê đất, quản lý đất rừng theo quy định của pháp luật về đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng… nhưng không đúng quy định về quản lý, sắp xếp lại các nông - lâm trường, xâm phạm đến quyền lợi của mình.
Tại phiên tòa, nhiều người dân cho biết, năm 1996, do được hứa hẹn đổi Sổ xanh thành Sổ đỏ có thời hạn sử dụng đất 50 năm, nhiều hộ dân đã nộp Sổ xanh được cấp năm 1993 cho Lâm trường Yên Thế. Nhưng đến nay, người dân vẫn chưa thấy chưa cơ quan nào thực hiện cam kết trên.
Thời điểm đó, có nhiều hộ không giao nộp nên đã giữ được Sổ xanh của gia đình. Thậm chí, có hộ còn dùng Sổ này để thế chấp vay tiền tại ngân hàng.
Tranh luận tại phiên tòa, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Cty Luật Hợp danh INCIP- người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện) nhấn mạnh, theo quy định tại Điều 28 Luật Đất đai 1993 thì việc thu hồi Sổ xanh thuộc thẩm quyền của UBND huyện Yên Thế chứ không phải Lâm trường Yên Thế. Vì vậy, việc UBND huyện Yên Thế ban hành Công văn 206 đồng ý cho Lâm trường Yên Thế tiến hành thu hồi Sổ xanh của dân là không đúng quy định pháp luật. Hơn nữa, Công văn 206 cũng không nêu ra các cơ sở pháp lý trong việc thu hồi này. Còn Lâm trường Yên Thế (là một doanh nghiệp) tiến hành thu hồi Sổ xanh của dân cũng không đúng thẩm quyền. Vì vậy, dù có bị mất hay đã giao nộp Sổ xanh cho lâm trường thì quyền sử dụng đất rừng, quyền quản lý kinh doanh rừng của các hộ dân cũng không hề mất đi. Cho đến nay, không có căn cứ nào để phủ nhận giá trị pháp lý của Sổ xanh cũng như quyền sử dụng đất rừng, quyền quản lý kinh doanh rừng… của người dân.
Theo LS Thiệu, trong vụ việc này, đáng lẽ chính quyền phải xem xét giao đất, giao rừng cho người dân theo quy định của Luật Đất đai 2013 vì họ đã được cấp Sổ xanh, có công sức vun đắp và đầu tư của để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Thế nhưng với QĐ 35, UBND tỉnh Bắc Giang lại giao cho Công ty Lâm nghiệp Yên Thế thuê đất, thuê rừng ngay trên diện tích đang do người dân sử dụng. Giả sử, nếu cho Công ty thuê đất thì UBND tỉnh cũng phải thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Nhưng trong vụ việc này đã không có các thủ tục trên, đồng nghĩa với việc quyền lợi của người dân đã bị “ngó lơ”.
Sổ xanh của một trong những người khởi kiện được coi là một chứng cứ quan trọng của vụ án |
Cho lâm trường thuê đất không qua thủ tục thu hồi
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền, lợi ích cho bên bị kiện vẫn khẳng định việc ban hành QĐ 35 là đúng vì diện tích đất và rừng theo quyết định đã giao cho Cty Lâm nghiệp Yên Thế sử dụng (nay chuyển sang cho thuê) và chưa từng được giao cho địa phương quản lý.
Phủ nhận ý kiến này, LS Thiệu cho rằng, Sổ xanh được UBND huyện Yên Thế cấp năm 1993 (ghi rõ diện tích, vị trí lô, khoảnh và kèm theo Sơ đồ rừng…) là đúng thẩm quyền, giao đúng đối tượng. Nội dung Sổ xanh còn nêu rõ: “Ông/bà… được quyền chủ động sản xuất kinh doanh nông lâm kết hợp theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước và của HTX ổn định lâu dài thời gian là 30 năm và được hưởng sản phẩm do thành quả lao động của mình làm ra theo chế độ chính sách hiện hành, được thừa kế và chuyển quyền sử dụng rừng và đất lâm nghiệp theo Luật Đất đai. Khi Nhà nước cần thu hồi rừng và đất lâm nghiệp vào mục đích khác, gia đình được bồi thường thành quả lao động đã làm ra và được Nhà nước giao cho khu đất khác (nếu còn)”. Như vậy, cho dù một số hộ đã bị tiêu hủy Sổ xanh thì quyền sử dụng đất rừng và thành quả lao động của họ cũng không thể mất đi.
Về thủ tục cho Lâm trường Yên Thế thuê đất, LS Thiệu cho hay, quy định liên quan đến sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh chỉ cho phép chuyển đổi từ “giao đất” sang “thuê đất” đối với các thửa đất không có tranh chấp và không có người sử dụng. Nhưng trong vụ việc này, thời điểm UBND tỉnh Bắc Giang ban hành QĐ 35 thì diện tích đất Cty Lâm nghiệp Yên Thế xin thuê đang thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của các hộ dân, đang có rừng do người dân đầu tư. Theo quy định của Luật Đất đai, đối với đất đang có người sử dụng thì trước khi cho người khác thuê, Nhà nước phải thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.
Trong vụ việc này, UBND tỉnh chưa thực hiện việc thu hồi đất, đền bù một cách hợp pháp cho người dân mà đã giao cho Cty lâm nghiệp Yên Thế thuê là trái quy định của pháp luật. Đó là chưa kể trong vụ việc này, UBND tỉnh không giao đơn vị chức năng nghiên cứu và thu thập đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình sử dụng đất của các hộ dân cũng nhưng xác minh cụ thể trên thực địa hoặc làm việc với từng hộ dân về quyền lợi của họ. Hơn nữa, Luật Đất đai 2013 không có quy định về thủ tục chuyển hình thức “giao đất” sang cho “thuê đất”. Nhưng ở đây, UBND tỉnh Bắc Giang vẫn áp dụng thủ tục này đối với Lâm trường Yên Thế theo QĐ 35.
Nhận thấy vụ án còn vấn đề chưa thể làm rõ nên khi phiên xử đang ở phần tranh luận (ngày 29/11), đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang đã đề nghị HĐXX cho tạm dừng phiên tòa để xác minh thêm một số chứng cứ, trong đó có việc thu thập bản đồ chi tiết từng thời kỳ, làm rõ các lô thửa đã được bàn giao cho địa phương quản lý qua các thời kỳ…
Sau khi chấp nhận đề nghị này , HĐXX quyết định mở lại phiên tòa vào ngày 17/12 tới. Đáng nói, đây đã lần thứ 2 HĐXX quyết định “tạm dừng” phiên tòa để tiến hành xác minh thêm.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ kiện này.