Phiên họp của Thường vụ Quốc hội: Chất vấn nhiều vấn đề “nóng” trong lĩnh vực tài chính, ngoại giao

Hình ảnh tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3. (Ảnh: quochoi.vn)
Hình ảnh tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3. (Ảnh: quochoi.vn)
(PLVN) - Ngày 18/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao. Những bất cập liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, quản lý giá các mặt hàng thiết yếu, tình trạng đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật đã được các đại biểu đề cập và được các Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục.

Minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi của những người tham gia bảo hiểm

Tại phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, tình trạng chèo kéo, tranh giành khách hàng quá mức đã làm méo mó thị trường bảo hiểm, tạo hiểu lầm cho khách hàng và gây ảnh hưởng đến chất lượng của dịch vụ bảo hiểm. Bên cạnh đó, hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành, người mua bảo hiểm phụ thuộc vào tư vấn, trong khi người tư vấn thường giới thiệu những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những nghĩa vụ và điều kiện khi tham gia bảo hiểm, dẫn đến người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ những giải pháp để giải quyết trong thời gian tới.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, pháp luật nghiêm cấm cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn để bán bảo hiểm cho những người chưa có nhận thức cao về bảo hiểm. Trước tình trạng đại biểu nêu, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại và xử phạt nghiêm minh, các vụ việc có dấu hiệu sai phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý. Cũng theo Bộ trưởng, trước đây, các hợp đồng bảo hiểm có khi dài hàng chục trang, gây sơ hở, gây thiệt hại cho người tham gia. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có 1 chương quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn. Luật cũng quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Liên quan đến chất vấn của Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) và Đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) về công tác thanh, kiểm tra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2023, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng. Đến nay, Bộ đã ban hành 5 kết luận thanh tra đối với 5 công ty, đang trình thủ tục để ban hành 3 kết luận, 2 kết luận đang triển khai. Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó sẽ thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thông tin, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2013/NĐ-CP, Nghị định số 48/2018/NĐ-CP, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP, Nghị định số 102/2021/NĐ-CP của Chính phủ của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số đã quy định hết sức cụ thể những hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quy định rõ việc việc xử lý bằng tiền phạt và các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, đình chỉ giấy phép để thực hiện nghiêm quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Phải giải được bài toán “càng tăng giá càng lỗ”

Việc quản lý giá các mặt hàng thiết yếu cũng được một số đại biểu đề cập. Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) nêu vấn đề, vừa qua, Nhà nước đã có nhiều biện pháp để kéo giảm giá xăng, dầu. Tuy nhiên, hiện nay, mức giá mặt hàng thiết yếu này còn cao, một phần là do còn nhiều loại thuế, phí chiếm tỷ lệ cao như phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về, phí đưa xăng, dầu từ nhà máy lọc đến bến cảng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để giảm bớt một số loại thuế, phí trong giá xăng, dầu để bình ổn giá.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, giá xăng, dầu được xây dựng dựa trên những yếu tố như giá mua từ nhà máy hay mua từ nước ngoài, cộng với các chi phí trung gian. Chi phí hình thành ban đầu chiếm khoảng 65 - 77%; còn thuế chiếm từ 15 - 29%; chi phí lợi nhuận định mức từ 1,2 - 2%; chưa kể Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Những năm qua, để bảo đảm giảm giá xăng, dầu, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội để giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng, dầu. Còn chi phí định mức chỉ chiếm từ 7 - 12%.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) về việc giá vé máy bay trong thời gian qua tăng cao, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của Luật Giá, Bộ Giao thông vận tải sẽ quyết định khung giá máy bay, còn giá máy bay vận hành trong khung đó là do các công ty kinh doanh bay thực hiện, căn cứ vào nhu cầu để định giá phù hợp. “Vừa qua, giá vé máy bay dù có tăng nhưng các công ty vẫn lỗ. Bây giờ, Bamboo cắt giảm nhiều đường bay, Vietjet cũng khó khăn, Vietnam Airlines thì lỗ đến 37.000 tỷ đồng. Năm nào lãi nhanh nhất, mạnh nhất cũng chỉ được 3.000 tỷ đồng, cho nên vẫn khó khăn”, Bộ trưởng thông tin.

Tranh luận về vấn đề này, Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) khẳng định, hiện nay chúng ta đã khuôn khổ pháp lý rất đầy đủ về vấn đề quản lý giá. “Tuy nhiên, có một vấn đề, có thể nói cũng là một nghịch lý, đó là đối với các mặt hàng này càng tăng giá, doanh nghiệp nhà nước lại càng lỗ. Câu chuyện đặt ra là phải giải được bài toán này và đặc biệt xác định giá phải có xác định được đầu vào, đầu ra; xác định được các chi phí. Đối với giá máy bay, đặc biệt với Vietnam Airlines, tôi cho rằng chi phí cao quá, ảnh hưởng ngay đến giá chứ không phải liên quan đến vấn đề cung - cầu và liên quan đến vấn đề về nhiên liệu”, Đại biểu nói.

Đề cập đến giá điện, Đại biểu Trịnh Xuân An chỉ ra rằng, lâu nay giá điện chỉ có lên chứ không bao giờ xuống, nhưng thực tế EVN vẫn lỗ. “Cách thức chúng ta áp dụng việc tính giá trên cơ sở quy định pháp luật có vấn đề chưa ổn, chúng ta đã tính đúng, tính đủ, công khai, minh bạch hay chưa?”, Đại biểu đặt vấn đề và cho rằng, với vai trò là Bộ quản lý ngành, quản lý chung, Bộ Tài chính cũng cần có sự rà soát, thậm chí thanh tra, kiểm tra để vừa bảo đảm được lợi ích của doanh nghiệp, vừa bảo đảm được lợi ích của người dân.

Tiếp thu ý kiến của 2 đại biểu nêu trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, các doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ bay đang thực hiện đúng quy định về giá máy bay. “Trong hệ thống dịch vụ bay thì chỉ có Vietnam Airlines là doanh nghiệp nhà nước, còn lại là tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân quan tâm hơn hết vấn đề quản trị và hạ giá thành. Còn Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn và Bộ Giao thông vận tải rất quan tâm và về phía chúng tôi cũng yêu cầu tái cơ cấu để tinh giản được biên chế, nâng cao được chất lượng và bảo đảm kinh doanh có hiệu quả”, Bộ trưởng nói thêm.

“Chặt đứt” những đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật

Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Công tác bảo hộ công dân là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, nêu chất vấn. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân Việt Nam, nhất là thanh, thiếu niên ở các vùng sâu, vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc trái pháp luật, bị cưỡng bức lao động.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, tình trạng thanh, thiếu niên bị dụ dỗ, lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay. Trước vấn đề hết sức phức tạp này, thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan đã tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân; hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. “Phải chặt đứt những đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ thanh, thiếu niên của chúng ta ra nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao sẽ chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp, có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu hết số công dân bị cưỡng bức lao động, là nạn nhân của tội phạm buôn bán người.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ. Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài nhưng năm 2023, có hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Trong bối cảnh đó, đã xảy ra một số vụ người lao động vi phạm pháp luật các nước.

Trước tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các Bộ, ngành liên quan phải xây dựng quy trình, quy chế đào tạo để bảo đảm lao động nước ta sang nước ngoài làm việc chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại; đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và quan hệ giữa Việt Nam và các nước.

Đọc thêm

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), sáng 26/4, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn.

Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về thực tế tại Việt Nam

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.
(PLVN) - "Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4/2024 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam".

Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp: Bảo đảm xây dựng nền công nghiệp quốc phòng chủ động, lưỡng dụng

Đại tướng Phan Văn Giang tham quan Nhà máy Z131 (Tổng cục CNQP). (Ảnh: Lam Hạnh)
(PLVN) - Mới đây Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và Động viên công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện biên chế

Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đánh giá kết quả đạt được và hạn chế, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2026. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Hôm qua (24/4), tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế (Phiên họp thứ 3). Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế Trương Thị Mai chủ trì Hội nghị.

Cần xây dựng lộ trình kiểm soát giá

Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Hằng)
(PLVN) - Ngày 24/4, khi chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành cần xây dựng lộ trình tăng giá các mặt hàng dịch vụ một cách hợp lý, nhịp nhàng.

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'

Lễ xuất quân Hành trình 'Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông'
Sáng 24/4, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn tổ chức Lễ xuất quân hành trình "Điện Biên Phủ - Khát vọng non sông" với chuỗi các hoạt động thăm, tặng quà, tri ân các gia đình cựu chiến sĩ Điện Biên, các thương - bệnh binh, gia đình có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ

Báo chí Uruguay và Argentina khẳng định ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), trang El Popular của Đảng Cộng sản Uruguay và tờ Resumen Latinoamericano của Argentina đã đăng bài phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Argentina Ngô Minh Nguyệt, trong đó khẳng định chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử; là chiến thắng của đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.