Phía sau chính sách ưu ái đặc biệt với các đoàn làm phim

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLO) - Chỉ cần một bộ phim Mỹ nhắc tới một quán ăn, một con đường, hay một ngôi làng cổ ở Pháp là cũng đủ để số du khách nước ngoài đổ về đây tăng nhanh. Ở Pháp, từ chính phủ trung ương cho đến chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh đều có những biện pháp hấp dẫn để thu hút các nhà sản xuất quốc tế đến quốc gia này quay phim. 

Những ưu đãi đặc biệt

Quay phim tại Pháp được hỗ trợ như thế nào? Thủ tục hành chính có rườm rà hay không? Đại diện của tổ chức Film France tại Liên hoan Điện ảnh Cannes, Stephan Bender lần lượt trả lời các câu hỏi trên.  Film France là một tổ chức chủ yếu do Trung tâm Điện ảnh Quốc gia Pháp (CNC) tài trợ, với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của nước Pháp với các hãng phim.

Hoạt động từ 22 năm qua và đã tích lũy được 18.000 thông tin về hình ảnh, về các đối tác liên quan, Film France trở thành nhịp cầu của các đoàn làm phim khi họ thực hiện dự án trên quê hương của Louis Lumière, nhân vật được coi là người làm phim đầu tiên trong lịch sử thế giới. 

Mới đây, một báo cáo của trung tâm CNC cho thấy là Pháp ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà làm phim của Pháp và nhất là các hãng phim nước ngoài. Bên cạnh những bộ phim thương mại hay thuộc dòng nghệ thuật, các bộ phim dài nhiều tập có khuynh hướng chọn cảnh của Pháp làm nền. 

Lý do chính giải thích hiện tượng này là kể từ ngày 1/1/2016, một loạt các biện pháp ưu đãi về thuế bắt đầu có hiệu lực. Nếu là một hãng phim nước ngoài, thì trên số tiền chi ra trong thời gian quay phim tại Pháp, họ được hoàn trả đến 30%. Nếu thực hiện phim cho đài truyền hình, phim tài liệu hay một hãng phim Pháp, nhà sản xuất được miễn nhiều khoản thuế. 

Trong năm 2017 đã có tới 52 hãng phim ngoại quốc được hưởng các điều khoản ưu đãi về tài chính, trong số này phải kể đến nhà sản xuất tập phim Sense 8, được phát hành trên mạng Netflix, hay bộ phim hành động rất được chờ đợi Mission: Impossible tập 6, với ngôi sao điện ảnh Tom Cruise. Phim được quay giữa lòng Paris.

Theo thẩm định của CNC, các dự án làm phim thực hiện tại Pháp trong năm qua cho phép thu về 600 triệu euro. 

Tổ chức Film France tổng kết: năm 2016, các hãng nước ngoài đã quay phim trong thời gian 323 ngày trên đất Pháp. Trong khi đó, khối lượng phim Pháp được thực hiện ở hải ngoại với hy vọng kinh phí thấp hơn đã giảm mạnh, đang từ 40% năm 2015 giảm xuống còn 19% trong năm 2017 nhờ chính sách ưu đãi về thuế khóa của chính phủ. 

Sân chơi của các nhà làm phim 

Là một trong những đại diện của Film France tại gian trưng bày trong khuôn viên Pavillon International ở thành phố Cannes trong mùa festival năm nay, Stephan Bender giới thiệu qua về một vài dự án gần đây mà Film France đã tham gia. Trong số này có bộ phim sắp ra mắt công chúng Pháp vào mùa hè năm nay, là Mission: Impossible Fallout.

Trong sáu tuần quay phim tại Paris hồi năm ngoái, đoàn đã tuyển dụng tổng cộng 5.000 người, từ nhân viên kỹ thuật đến hóa trang, dựng cảnh ... và chi tổng cộng 25 triệu euro.

Mỗi một bộ phim có hình ảnh của đường phố hay một tòa nhà, một hiệu ăn … đều là những công cụ quảng cáo cho nước Pháp ở hải ngoại
Mỗi một bộ phim có hình ảnh của đường phố hay một tòa nhà, một hiệu ăn … đều là những công cụ quảng cáo cho nước Pháp ở hải ngoại

Nhưng Paris không phải là điểm duy nhất thu hút các nhà sản xuất ngoại quốc. Để thực hiện At Eternity's Gate, bộ phim nói về cuộc đời của danh họa Van Gogh, đạo diễn Mỹ Julian Schnabel đã đặt ống kính và khởi quay ở thành phố Arles - miền nam nước Pháp và Auvers Sur Oise - ngoại ô Paris. 

Pháp cũng được các nhà sản xuất phim nhiều tập “chiếu cố” tận tình hơn. Theo ông Bender, Pháp đang trở thành "sân chơi của các nhà làm phim" và đây là một dấu hiệu tốt đối với kinh tế của Pháp. 

"Tác động thứ nhất là khi đoàn làm phim bắt đầu khởi động quay. Ở khâu này, người ta cần thuê địa điểm được dùng làm cảnh phim, thuê phòng cho đoàn phim, thuê nhân viên kỹ thuật tại chỗ, thuê diễn viên phụ...

Qua đó đem lại công việc làm cho người dân tại chỗ. Cái đó gọi là tác động trực tiếp và đoàn phim thường thì phải thanh toán các khoản tốn kém này trong một thời gian nhất định. Nhưng bên cạnh đó, còn phải kể tới lợi thế về lâu dài đối với hình ảnh của một thành phố, từ đó lượng du khách đến tham quan tăng lên rất nhanh. 

Tôi lấy ví dụ như trong bộ phim La La Land của đạo diễn Damien Chazelle: toàn bộ phim quay ở Mỹ, nhưng chỉ vì trong phim nhân vật chính có nhắc tới Caveau de la Huchette, điểm hẹn của giới yêu nhạc jazz ở Quận 5 Paris, thế là khối lượng khách tham quan đã tăng vọt. Điện ảnh là điều gì đó kỳ diệu, gợi lên ham muốn khám phá của người xem".

Vậy một nhà làm phim phải làm những thủ tục nào để được Film France giúp đỡ và họ được hỗ trợ trên những phương diện nào? Đại diện cho tổ chức Film France trả lời: "Sự hỗ trợ của chúng tôi hoàn toàn miễn phí. Chỉ cần gọi điện đến Film France, trình bày nguyện vọng, nhu cầu của đoàn làm phim để chúng tôi bắt đầu hỗ trợ đoàn phim trong công việc tìm kiếm địa điểm phù hợp nhất.

Ví dụ như một hãng phim muốn thực hiện cảnh quay tại một quán ăn ở Cannes hồi đầu thế kỷ 20. Lập tức chúng tôi tìm kiếm trong kho dữ liệu và đề xuất ít nhất là 5 - 6 nơi có thể đáp ứng nhu cầu của đoàn. Nhờ đó đoàn phim tiết kiệm được cả thời gian lẫn kinh phí. 

Ngoài ra, chúng tôi còn tư vấn cho đoàn phim theo hai hướng: hoặc họ có thể hợp tác với một nhà sản xuất hay một nhà cung cấp của Pháp, hoặc là để đoàn được trợ cấp về mặt thuế khóa". 

Về điều khoản thuế khóa, ông Bender đi sâu vào chi tiết khi giải thích rằng Pháp đã sửa đổi điều luật này để khuyến khích các dự án phim của Pháp ở lại Pháp, nhất là sau khi một tên tuổi lớn như đạo diễn Luc Besson, tác giả của những Le Grand Bleu hay Le Cinquième Elémenent (The Fifth Element) đã bỏ Pháp và bấm máy quay tại trường phim Hungary. Biện pháp ưu đãi thuế này nằm trong chương trình chinh phục trở lại các hãng phim quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. 

Stephan Bender cho hay: "Gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, đều có những biện pháp ưu đãi thuế để chiêu dụ các hãng phim nước ngoài. Ví dụ như Los Angeles, kinh đô của điện ảnh, đã và đang làm tất cả để giữ các hãng phim Mỹ thực hiện phim trên đất Mỹ. Nước Pháp từ năm 2009 đã có một chính sách ưu đãi thuế và hiện tại thì điều khoản ưu đãi đó tương đương với 30% các phí tổn phải chi ra trong thời gian làm phim tại Pháp. 

Nói một cách đơn giản, nếu quay một bộ phim nước ngoài tại Pháp tốn hết một triệu euro, sau một năm người ta có thể được hoàn trả lại tối đa là 300 ngàn euro. Để so sánh, thì tại Anh, tỷ lệ được giảm thuế này là khoảng 25% nhưng tại Canada, trong một số trường hợp, lợi thế đó có thể lên tới 54%".

Một mũi tên trúng nhiều đích

Vậy cụ thể thì tại Liên hoan phim Cannes lần này, Film France có những hoạt động nào? Stephan Bender trả lời: “Chúng tôi vừa đưa một phái đoàn Ấn Độ đi tham quan năm hay sáu thành phố lớn ở miền nam nước Pháp, như Montpellier, Nimes, Toulouse... giới thiệu với họ nét đa dạng về phong cảnh, gợi nguồn cảm hứng thu hút các nhà sản xuất của Bollywood đến Pháp quay phim.

Trong gần hai tuần lễ tại Liên Hoan Cannes, mục đích của chúng tôi là có nhiều trao đổi chừng nào tốt chừng nấy với các nhà làm phim ngoại quốc, giới thiệu với họ những ủy ban tài trợ cho điện ảnh của các vùng để khuyến khích họ đến Pháp dựng phim". 

Thông thường một đoàn phim khi khởi quay tại Pháp chi ra bao nhiêu tiền, thời lượng quay là bao lâu? Theo đại diện của tổ chức Film France, mỗi dự án là một trường hợp riêng lẻ: "Thật ra không có mô hình mẫu. Có những bộ phim được thực hiện với những phương tiện rất hạn hẹp, ngược lại thì có những phim chi ra hàng triệu đô la.

Có những dự án được thực hiện chỉ trong một hai tuần lễ, thế nhưng đôi khi thời gian quay phim kéo dài đến vài ba tháng. Các phim của Mỹ thì có nhiều phương tiện tài chính, ngược lại các nhà sản xuất Ấn Độ thì ít tiền hơn, nhưng họ ở lại Pháp lâu hơn... Thành thử khó có thể nói một cách chính xác là mỗi dự án hợp tác đem về được khoảng bao nhiêu tiền cho thành phố ...

Tuy nhiên, có một điều hết sức quan trọng là khoảng 50% các dự án phim của nước ngoài đến Pháp được hưởng một điều khoản ưu đãi về thuế". 

Film France phối hợp chặt chẽ với chính quyền cấp vùng, cấp tỉnh trong việc thu hút chú ý của các nhà sản xuất phim nước ngoài. Vùng Alpes Maritimes chẳng hạn, nơi mà cứ tháng Năm, Cannes trở thành điểm hội tụ của các ngôi sao điện ảnh thế giới, trong 10 năm qua khu vực này đã dẫn dắt 62 đoàn làm phim, trong đó có cả phim ngắn, phim dài, phim nhiều tập và cả tài liệu. Và theo thống kê chính thức của chính quyền cấp vùng, 62 dự án nói trên đã cho phép thu về 21 triệu euro. 

Các chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng đóng một vai trò rất lớn trong việc phát triển điện ảnh. Tại Liên hoan Cannes năm 2013 đã có tới 26 bộ phim tranh tài ở các hạng mục nhận được sự hỗ trợ của các chính quyền ở cấp vùng. Bản thân La Vie d’Adèle của đạo diễn Pháp gốc Tunisia Abdellatif Kechiche, giải Cành Cọ Vàng năm đó, đã được vùng Nord Pas de Calais tài trợ 175 ngàn euro. 

Thành phố Paris sở dĩ dễ dàng cấp giấy phép cho các nhà làm phim, bởi hoạt động này là một nguồn cung cấp việc làm cho người dân Paris và các vùng phụ cận.

Đó là chưa kể mỗi một bộ phim có hình ảnh của đường phố Paris hay một tòa nhà, một hiệu ăn … đều là những công cụ quảng cáo cho nước Pháp ở hải ngoại. Ví dụ như với bộ phim Midnight in Paris khai mạc Festival Cannes 2011, đạo diễn Mỹ Woody Allen đã đưa sáu địa điểm của thành phố này đến gần với triệu, triệu lớp khán giả: nào là Cầu Alexandre đệ Tam, bảo tàng Orangerie, nhà thờ Saint Etienne du Mont… 

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.