Phép màu hiến tạng cứu người: “Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì… lâu lắm”

Bà Lê Thị Thảo (bên phải) cùng con gái Bùi Thị Hòa (bên phải) trong một buổi lễ tri ân
Bà Lê Thị Thảo (bên phải) cùng con gái Bùi Thị Hòa (bên phải) trong một buổi lễ tri ân
(PLVN) - “Trước đây, tôi chỉ biết chết đi có thể hiến giác mạc. Vậy là tôi đăng ký hiến giác mạc. Đến khi nghe giảng về hiến tạng xong mới hiểu ra. À, lúc sống cũng cho đi được khối thứ đấy chứ! Đợi đến chết mới có thể chia sẻ thì... lâu lắm. Thế là tôi đăng ký hiến thận, với điều kiện hiến cho người nghèo”, bà Thảo kể.

Quyết định cho đi một bên thận để cứu lấy sinh mệnh của hai con người khác nhưng mẹ con bà Thảo lại bị nhiều người coi là cuồng tín, không bình thường. Mặc kệ những lời dèm pha, dè bỉu, nghi ngờ, sau nhiều năm, chưa giây phút nào hai mẹ con hối hận về quyết định của mình. Họ coi đó là những điều vô cùng bình thường giữa cuộc đời này. 

Phật không dạy dòng nào về hiến tạng

Một buổi chiều tháng 4, chúng tôi về thị trấn Thứa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh để tìm gặp hai mẹ con bà Lê Thị Thảo (SN 1961), cùng con gái Bùi Thị Hòa (SN 1986). Ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong con ngõ nhỏ phố huyện. Mảnh vườn trước nhà là nơi bà Thảo dành cho những chậu cây xanh. 

Đang tranh thủ quét nhà, thấy chúng tôi tới, người phụ nữ có mái tóc ngắn, làn da ngăm đen, gương mặt đã điểm những nếp nhăn tuổi tác tươi cười chào hỏi. Bà Thảo gây ấn tượng với người đối diện bởi sự nhanh nhẹn, lanh lợi và có phần nam tính.

Biết bà là một người phụ nữ tháo vát nhưng chúng tôi vẫn bất ngờ khi bà Thảo kể về những “nghề” mà bà đã trải qua. Ngày còn là thiếu nữ, bà Thảo đi bộ đội, khi xuất ngũ bà kinh doanh hàng cà phê, cơm phở. Công việc kinh doanh không được thuận lợi, bà chuyển qua nấu cơm thuê, chạy chợ, giúp việc... thậm chí cả lơ xe và môi giới buôn bán đất cát. 

Khi nói về những thăng trầm đã trải qua trong cuộc đời, bà Thảo bình thản: “đã có lúc, tôi nắm trong tay những số tiền lớn nhưng rồi vỡ nợ, giờ vẫn còn nợ, nhưng mọi chuyện cũng đều có nguyên do, có số phận của nó hết cả rồi”. 

Nếu trước đây cũng giống như bao người khác bà Thảo sống bon chen, vội vã thì giờ đây bà đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Năm 2012 là quãng thời gian khủng hoảng lớn trong cuộc đời bà, đó cũng là thời điểm người phụ nữ này vô tình tìm tới cửa Phật. 

“Phật pháp đã thay đổi suy nghĩ, cuộc đời của tôi, đưa duyên đến việc tôi tình nguyện hiến thận. Dù rằng, Phật không dạy dòng nào về việc hiến tạng. Nhưng các buổi giảng ở chùa gần nhà, tôi được nghe về sự sẻ chia trong cuộc sống rồi từ đó tôi thấm dần”. 

Giống như nhiều người, bà Thảo vốn nghĩ khi mình đã tự nguyện thì mọi việc liên quan đến hiến tạng sẽ vô cùng đơn giản, cứ tới nơi, bác sĩ “cắt cái là xong”. Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Sau lần đầu làm các xét nghiệm để đáp ứng được các yêu cầu về chỉ số, tiêu chuẩn, bà Thảo về nhà chờ đợi. 

“Lúc đó chờ lâu quá, không thấy Trung tâm (Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - PV) gọi, tôi sốt ruột gọi điện cho các anh ở bên đó, chỉ sợ họ quên hoặc… mình không đủ điều kiện hiến thôi”, bà Thảo nhớ lại. 

Có lần Trung tâm gọi về bảo kết quả kiểm tra cho thấy bà hơi thiếu máu, đề nghị bà… tẩy giun. “Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết đến tẩy giun”, bà Thảo kể. Vốn là người đã muốn làm gì thì phải làm cho nhanh, cho xong và trọn vẹn nên việc chờ được hiến tạng là việc phải chờ đợi lâu nhất đối với bà Thảo. 

Vì biết việc hiến tạng còn lạ lẫm và khó chấp nhận tại quê mình nên bà Thảo năm lần bảy lượt viện đủ lý do giấu chồng con. Bà một mình khăn gói lên Hà Nội để làm các xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe. Người duy nhất biết chuyện là sư thầy ở chùa, nhưng cũng phải đợi đến lúc trước khi lên Trung tâm mổ ghép tạng một ngày, bà Thảo mới nói với thầy.

Giáp Tết năm 2015, sau gần 1 năm chờ đợi, trải qua các cuộc kiểm tra, bác sỹ báo tin bà đạt yêu cầu để hiến tạng. Một ngày trước mổ, bất đắc dĩ bà phải cho người con gái thứ hai là chị Hòa biết chuyện để có chữ ký đại diện gia đình vào biên bản trước khi phẫu thuật. 

Thời gian ngắn sau mổ, bà hồi phục sức khỏe nhanh chóng. Sau khi hiến thận 12 ngày, bà đã lên chùa làm công quả, mang theo 300 bông sen dâng lên Phật. Sau đó một tháng, bà lại quay trở lại công việc để kiếm tiền trả nợ. Bà kể lúc đó bản thân vẫn đủ sức khỏe để bê bao đất 40 - 50kg trồng cây.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho rằng, hai mẹ con Hòa là trường hợp đặc biệt, là những người dũng cảm và có tấm lòng quảng đại rất đáng ngưỡng mộ. 

Ông Phúc nhớ lại cách đó 5 năm, khi Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia bắt đầu đi vào hoạt động độc lập, trung tâm tổ chức tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến tặng mô tạng ở một ngôi chùa nhỏ tại ngoại thành Hà Nội.

Khi đó, đa số người tham dự là bạn bè, người thân quen của các cán bộ trung tâm, trong số ít ỏi những người chưa quen đến tham dự có một phụ nữ trung niên là bà Lê Thị Thảo. Ngày hôm đó nhà bà Thảo có giỗ, bà chỉ tham dự buổi gặp trong một thời gian rất ngắn, nhưng điều đọng lại trong bà là ý nghĩ hiến tặng một quả thận ngay khi còn sống. Bà Thảo chỉ yêu cầu người nhận thận của bà phải là một người nghèo.

Ngay đi biết được suy nghĩ và mong muốn đó, ông Phúc đã chia sẻ rằng việc hiến tặng tạng phải hài hòa các chỉ số của người nhận và người hiến, và người hiến luôn phải tuân thủ nguyên tắc vô danh và không vụ lợi, bà Thảo mới đồng ý tặng thận cho bất kỳ ai đó phù hợp các chỉ số với bà. Không mấy ai biết, người phụ nữ có ba con ấy là người thứ 3 ở Việt Nam đăng ký hiến tạng khi còn sống.

Cô gái chưa chồng quyết tâm hiến tạng

Cùng mẹ tới bệnh viện, bà Thảo không ngờ rằng đây lại là nơi bắt nguồn cho cô gái suy nghĩ: cô cũng sẽ hiến tạng cứu người. 

“Từ trước đến nay nhà tôi chưa có ai phải đi viện, lần đầu tiên đến viện lại làm phẫu thuật lúc đó tôi cảm thấy rất sợ. Tối hôm đó, tôi ở ở viện chăm sóc mẹ và sau đêm đó tôi mới hiểu được vì sao mẹ lại muốn làm việc đó. Khi chứng kiến những đau đớn của mẹ, nhưng mẹ vẫn "đánh đổi" để giúp đỡ cho người khác thì đó chính là động lực để tôi phải làm một điều gì đó”, chị Hòa kể lại với đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc. 

Cô gái trẻ Bùi Thị Hòa quyết tâm hiến tạng sống khi chưa lập gia đình
Cô gái trẻ Bùi Thị Hòa quyết tâm hiến tạng sống khi chưa lập gia đình 

Khi Hòa quyết định hiến thận, ông Nguyễn Hoàng Phú, thấy Hòa còn trẻ, chưa có gia đình, chưa sinh con nên cứ cố trì hoãn. Ông Phúc khuyên Hòa nên suy nghĩ lại về việc hiến tạng sống hay không nhưng Hòa bảo với ông: “Mẹ cháu vẫn khỏe sau khi hiến tạng nên cháu đã quyết định rồi”.

Trước quyết tâm của Hòa, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đã chấp nhận nguyện vọng của cô. Hòa đã đi khám sức khỏe, khi cầm kết quả khám đủ sức khỏe có thể hiến tạng sống được Hòa hạnh phúc rơi nước mắt.

Chia sẻ về quãng thời gian đầu tiên khi Hòa quyết định hiến tạng, cô cho rằng đó là thời điểm cô phải nghe nhiều những lời không hay nhất: “Nhiều người cho rằng tôi “khùng” và khác thường nhưng tôi thấy rất bình thường. Khi họ hàng biết chuyện hai mẹ con tôi cùng hiến thận họ nói mẹ và tôi cuồng tín. Nhiều người thân trong gia đình quay sang trách mẹ tôi đã xúi giục, lôi khéo tôi đi hiến thận như mẹ. Tôi chưa chồng, chưa con lại để tôi đi hiến thận như vậy…

Nhưng cả tôi và mẹ đều hiểu mình đang làm điều gì. Bản thân người trong gia đình tôi, bố cũng đã rất “sốc” khi tôi muốn hiến thận. Bố tôi luôn muốn tôi sống như người bình thường lấy chồng sinh con. Giờ thì bố tôi cũng đã hiểu dù tôi cho đi một bên thận sức khỏe của tôi vẫn tốt”.

Tới tháng 3/2016, Hòa lên bàn mổ để tặng một quả thận cho một người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình. Người được nhận thận quê ở Hà Nam đã bị suy thận nhiều năm và cần được ghép thận để tiếp tục được sống. Hòa không quen biết người được nhận thận, lần gặp gỡ đầu tiên là trước khi cả hai người lên bàn mổ.

Tỉnh dậy sau ca mổ, Hòa thấy bắt đầu đau, khi hết thuốc mê thì rất đau, thậm chí không được khỏe bằng mẹ nên Hòa phải nằm suốt ba ngày, khi dậy được thì cô bắt đầu tập đi. Những ngày con gái đi hiến thận là những ngày bà Thảo ở bên cạnh, vì đã có “kinh nghiệm” hiến thận nên bà biết con đau đớn như thế nào và luôn dỗ cho con ăn để khỏe lại.

Mới đầu Hòa ăn rất ít và hai năm sau khi hiến tạng, Hòa vẫn gầy hơn trước khi hiến khoảng 2kg. Chính vì thế mà đến giờ Hòa chưa gặp lại người nhận thận của cô vì sợ người ấy áy náy khi nhìn thể trạng của cô hiện tại. Hòa chỉ biết tin là người ấy đã khỏe lại và làm được nhiều việc nhà. Còn bản thân mình, Hòa quả quyết khỏe hay yếu không phải là do có một hay hai quả thận. “Tôi thấy rất khỏe, chỉ là chưa mập lên thôi. Bao giờ tôi mập lại thì tôi sẽ gặp người ấy”, Hòa cho biết. 

Giờ đây, nếu có ai hỏi về chuyện hiến thận đã qua, bà Thảo chỉ phẩy tay cười: “Cứ nghĩ bình thường đi, bình thường với nhau đi, bây giờ tôi chẳng đang rất khỏe là gì...”. Nhưng chính nhờ cái "bình thường" của mẹ con bà Thảo, giờ đây có thêm hai gia đình được hạnh phúc vì người thân của họ khỏe mạnh trở lại…

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.