Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Chiến lược và Đề án 123 đã được đa số cấp ủy, UBND các tỉnh, thành phố quan tâm. Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo sát sao trong quá trình hoàn thiện thể chế về luật sư và hành nghề luật sư, xây dựng các chính sách phát triển nghề luật sư. Bộ Tư pháp đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của cơ quan đầu mối giúp Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược, Đề án 123.
Theo thống kê, từ thời điểm triển khai Chiến lược (tháng 7/2011) đến tháng 5/2020, đội ngũ luật sư nước ta đã tăng từ 6.250 luật sư lên hơn 14.000 luật sư (tăng khoảng 800 luật sư/năm, đạt mục tiêu Chiến lược đề ra trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015). Việc phát triển số lượng luật sư tại một số tỉnh, thành phố đã đạt mục tiêu của tỉnh đề ra.
Số lượng luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế tăng lên nhiều so với thời gian trước khi ban hành Đề án, chủ yếu là các luật sư tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài. Số lượng các tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế đạt mục tiêu Đề án đề ra (30 tổ chức), trong đó có nhiều tổ chức được các tạp chí luật có uy tín trong khu vực và thế giới xếp hạng.
Dịch vụ pháp lý mà luật sư cung cấp ra ngày càng đa dạng, phong phú; chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của luật sư đã được Hội đồng xét xử ghi nhận. Trong quá trình giải quyết nhiều vụ án, sự tham gia của luật sư đã góp phần đáng kể vào việc xác định đúng tính chất của vụ án, giảm thiểu oan, sai của các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Công tác quản lý nhà nước đối với luật sư được thực hiện theo hướng tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ phát triển nghề luật sư và công tác thanh tra, kiểm tra như Chiến lược hướng tới. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư đã làm tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của luật sư, tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho luật sư, tham gia tích cực vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý của luật sư, mở rộng quan hệ hợp tác với luật sư của nhiều nước trên thế giới.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu về phát triển luật sư chưa đạt được so với mục tiêu Chiến lược, Đề án 123 đề ra. Số lượng luật sư tăng nhiều nhưng chưa phân bổ đồng đều mà chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn; còn thiếu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho luật sư hành nghề để đáp ứng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chiến lược, Đề án 123, Bộ Tư pháp sẽ thực hiện tổng kết, đánh giá thi hành Luật Luật sư; rà soát các quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong tổ chức và hoạt động của luật sư; tăng cường tuyển sinh, liên kết đào tạo luật sư phục vụ hội nhập quốc tế; chú trọng các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư, đặc biệt là nâng cao chất lượng luật sư.
Cùng với đó, Bộ Công an cần rà soát các quy định pháp luật liên quan đến việc tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Các cơ quan tiến hành tố tụng thiết lập và tăng cường cơ chế phối hợp, thống kê, chia sẻ thông tin, dữ liệu về luật sư và hành nghề luật sư giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Liên đoàn luật sư Việt Nam. Sửa đổi thống nhất quy định về đăng ký bào chữa tại các Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính và pháp luật có liên quan, bảo đảm quyền hành nghề của luật sư trong hoạt động tố tụng, tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư thực hiện quyền của mình trong việc thu thập chứng cứ, tham gia đầy đủ và thực chất trong các giai đoạn tố tụng.
Liên đoàn luật sư Việt Nam nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm góp phần đạt được mục tiêu về phát triển số lượng, chất lượng luật sư theo những mục tiêu mà Chiến lược, Đề án 123 đã đề ra; chủ động đề xuất việc xem xét, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển nghề luật sư. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư tại địa phương; đề cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư.