Phát triển Đảng trong học sinh tại Thừa Thiên Huế (Bài 3): “Hạt giống đỏ, nảy mầm xanh”

Cô giáo Phương Hà (thứ ba từ phải sang) hạnh phúc khi trực tiếp hướng dẫn và chứng kiến các học sinh xuất sắc của mình được kết nạp Đảng
Cô giáo Phương Hà (thứ ba từ phải sang) hạnh phúc khi trực tiếp hướng dẫn và chứng kiến các học sinh xuất sắc của mình được kết nạp Đảng
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào Đảng chính là mốc son, bước ngoặt lớn trong cuộc đời của các em học sinh tuổi 18. Sau sự kiện ý nghĩa này, những “hạt giống đỏ” đều có ý thức rèn luyện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thể hiện được vai trò nổi bật, nòng cốt và tiếp tục chung tay xây dựng Đảng dù ở bất cứ vị trí công tác nào.

Trường THPT Chuyên Quốc Học là một trong những trường trung học lâu đời của Việt Nam, nơi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng theo học và là trường được chọn để xây dựng thành một trong 3 trường THPT chất lượng cao của nước ta. Trường này rất chú trọng phát triển Đảng cho học sinh.

Theo thông tin từ nhiều giáo viên của trường, 19 năm về trước lứa học sinh đầu tiên được trường Quốc Học kết nạp Đảng ở tuổi 18 và rất có thể đây cũng là lần đầu tiên ở địa bàn Thừa Thiên Huế thực hiện công tác này.

Chị Mai Hoài Giang (37 tuổi) xác nhận mình là một trong 4 người được kết nạp Đảng ở trường Chuyên Quốc Học 19 năm về trước. Thời gian đó, Giang là Bí thư Chi đoàn của lớp, đạt giải tiếng Anh quốc gia, giải Nhất cuộc thi tìm hiểu về Asean tổ chức tại Thái Lan. Sau khi kết nạp Đảng, Hoài Giang tốt nghiệp cấp 3 rồi được tuyển thẳng vào Học viện Quan hệ Quốc tế. Một năm sau, chị đi du học Nhật Bản và sống ở đó đến bây giờ.

Mai Hoài Giang nổi bật, toả sáng với tà áo dài truyền thống phát biểu khai mạc ở: “Lễ hội Việt Nam 2021 tại Nhật Bản”

Mai Hoài Giang nổi bật, toả sáng với tà áo dài truyền thống phát biểu khai mạc ở: “Lễ hội Việt Nam 2021 tại Nhật Bản”

Hoài Giang chia sẻ: “Vào Đảng cho mình nhiều lợi thế, là bệ phóng của hoạt động ngoại giao sau này. Hiện tại, tôi tạm gọi là thành công và mới lập một công ty liên doanh tại Huế. Đây là nơi tôi sinh ra, gia đình, bạn bè, thầy cô cũng ở đây. Vì lẽ đó, tôi sẽ quay lại Huế để cống hiến, đóng góp một phần nhỏ xây dựng quê hương và rất mong Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”.

Lê Thị Phương Hà (31 tuổi) là trường hợp đặc biệt khi được kết nạp Đảng ở trường THPT Chuyên Quốc Học với nhiều thành tích “khủng” khi đạt huy chương vàng Olympic Văn, giải thưởng: “Mãi mãi tuổi 20”, được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ...

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ văn loại xuất sắc rồi thủ khoa đầu ra chương trình đào tạo thạc sĩ Văn, Phương Hà đã được quay lại trường cũ để giảng dạy rồi đảm nhận kèm cặp cho học sinh để các em được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Cô giáo Phương Hà tâm sự, những năm tháng hoa niên ở trường Quốc Học Huế, Hà vẫn như in lời cô giáo chủ nhiệm đọc những vần thơ của Tố Hữu: “Đảng cho ta trái tim giàu. Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!”. Vần thơ đó đã gieo vào những người trẻ đang học tập ở một ngôi trường giàu truyền thống cách mạng như Hà lý tưởng và khát vọng sống đẹp.

Phương Hà chia sẻ thêm: “Đến hôm nay, khi đã có hơn 13 năm tuổi Đảng, tôi vẫn luôn thầm tri ân những năm tháng có Đảng đồng hành trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Và khi có cơ hội quay về trường Quốc Học trong vai trò của một người giáo viên, tôi luôn khao khát truyền lại ngọn lửa nhiệt huyết và lý tưởng phấn đấu một thời của mình cho các em học sinh. Trực tiếp hướng dẫn và chứng kiến các học sinh xuất sắc của mình được kết nạp Đảng từ rất sớm, tôi thấy được ý nghĩa trong hành trình tiếp lửa lý tưởng, bởi “Đảng đã cho tôi một trái tim giàu””.

Còn chị Trần Thị Hà (29 tuổi, cựu học sinh trường THPT Vinh Lộc) sau khi tốt nghiệp THPT vào học tại ĐH Ngoại Ngữ Đà Nẵng. Tiếp đó, Hà làm Giảng viên rồi đi du học và làm việc ở Ba Lan.

“Khi qua Ba Lan, tôi đem hồ sơ Đảng của mình tới Đại sứ quán. Sau đó, được phân về sinh hoạt ở Chi bộ nghiên cứu sinh tại thủ đô Vác-Sa-Va. Ở nước bạn, tôi vẫn sinh hoạt Đảng và dù sau này có đi đâu thì trong trái tim của tôi vẫn luôn có Đảng, có Bác Hồ kính yêu và sẽ cố gắng giữ trọn lời thề…”. Trần Thị Hà tự hào nói.

Trần Thị Hà (tay cầm điện thoại): “Dù ở bất cứ đất nước nào, tôi cũng luôn tự hào mình là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”

Trần Thị Hà (tay cầm điện thoại): “Dù ở bất cứ đất nước nào, tôi cũng luôn tự hào mình là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”

Những đảng viên được kết nạp ở tuổi 18 đang là sinh viên đa phần đều là cán bộ lớp, có em còn là Phó Bí thư Chi bộ nơi mình sinh hoạt Đảng dù tuổi đời vừa tròn 20. Những anh chị lớn hơn khi đã ra trường, người đang là Kỹ sư chất lượng cao công tác ở Peru, rồi người đang là Bí thư đoàn trường ĐH Y Dược Huế, cô giáo là Tiến sĩ Ngôn ngữ học, rất nhiều Bác sĩ, người khác đang là Sĩ quan thông tin, rồi có người đã thành lập được doanh nghiệp riêng khá thành đạt… Có thể nói, dù ở bất kỳ cương vị nào, những “hạt giống đỏ” này đều hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và là những đảng viên mẫu mực.

“Hạt giống đỏ” góp phần xây dựng đội ngũ kế cận chất lượng cao cho Đảng.

Dù còn nhiều khó khăn trong công tác phát triển Đảng từ học sinh nhưng thành phố Huế đã làm tốt và luôn là đơn vị dẫn đầu các địa phương trong tỉnh về công tác này.

Ông Phan Thiên Định (UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ) chia sẻ, xác định phát triển đảng viên là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Huế rất quan tâm đến việc phát triển đảng viên tại các trường học. Luôn xác định đây là những “hạt giống đỏ” góp phần xây dựng đội ngũ kế cận chất lượng cao cho Đảng.

Hiện nay, Đảng bộ thành phố Huế có 99 Chi bộ, Đảng bộ trực thuộc; trong đó có 17 Chi bộ, Đảng bộ trường học. Hai năm nay, Thành uỷ đã mở 3 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho học sinh, sinh viên với số lượng 213 học viên và đã kết nạp 35 học sinh đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là những học sinh ưu tú, có nhiều thành tích trong quá trình học tập cũng như các hoạt động xã hội, phong trào do trường và địa phương phát động.

Để đạt được những kết quả trên, ông Phan Thiên Định chia sẻ thêm kinh nghiệm: "Thường vụ Thành uỷ luôn đôn đốc các cấp uỷ đảng và vai trò của từng cấp uỷ viên trong việc đề ra những biện pháp, giải pháp tạo nguồn. Bên cạnh đó, Thành uỷ cũng tổ chức quán triệt và triển khai các quy định, hướng dẫn về việc kết nạp đảng viên mới đến tận các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cũng như việc ban hành Chỉ thị, Kế hoạch một cách kịp thời".
Từ khi sáp nhập vào thành phố Huế, được sự quan tâm của Thành uỷ, trường THPT Phan Đăng Lưu kết nạp được 5 học sinh vào Đảng

Từ khi sáp nhập vào thành phố Huế, được sự quan tâm của Thành uỷ, trường THPT Phan Đăng Lưu kết nạp được 5 học sinh vào Đảng

Đa phần ở các huyện, thị xã các em lớp 12 (đúng tuổi) sinh từ tháng 5 trở về trước mới được kết nạp Đảng nhưng ở thành phố Huế những em sinh tháng 6, tháng 7 vẫn được quan tâm tạo điều kiện.

Lý giải cách làm hay này, ông Định chỉ ra, tại khoản 1.1.1 Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 về thi hành Điều lệ Đảng: “Tại thời điểm Chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi đến 60 tuổi (tính theo tháng)”. Vào thời điểm tháng 6, tháng 7 hàng năm, học sinh chưa có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như giấy báo trúng tuyển của các trường Đại học, Cao đẳng… Do đó, vẫn đang sinh hoạt Đoàn, Câu lạc bộ, Đội, Nhóm…tại các trường THPT. Vì vậy, việc kết nạp cho những học sinh này vẫn được. Việc làm này đã thể hiện được sự quan tâm của tổ chức cơ sở đảng, đồng thời ghi nhận sự nổ lực, phấn đấu của học sinh cũng như tạo nguồn động lực cho thế hệ học sinh kế cận.

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Khu di tích lịch sử đền Hùng đang là điểm đến của hàng triệu người dân và du khách trong và ngoài nước

Hân hoan trẩy hội Đền Hùng

(PLVN) -  Không khí rộn ràng, vui tươi đang tràn ngập khắp nơi trên quê hương Đất Tổ với muôn sắc cờ hoa được điểm tô rực rỡ. Dưới chân núi Hùng, nô nức dòng người đổ về dâng hương, muôn triệu trái tim của người dân đất Việt cũng đang hướng về nguồn cội. Tất cả cùng hoà chung tạo nên một lễ hội đầy thiêng liêng nhưng cũng vô cùng sống động và rực rỡ sắc màu.

Đọc thêm

Huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Phát huy những tiềm năng, lợi thế để bứt phá đi lên

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan. (Ảnh: Lê Hanh)
(PLVN) - Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn, Cao Lộc từng được biết tới như một huyện khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng hạn chế. Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện đã tập trung mọi nguồn lực khai thác tốt lợi thế vùng biên giới, kinh tế cửa khẩu cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng Cao Lộc đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).