Đây là Trung tâm có chức năng nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy sự phát triển của ngành cây trồng, hải sản, thực phẩm… thông qua việc áp dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Cơ sở này có trình độ chuyên môn cao hàng đầu thế giới, mang đến những giải pháp sáng tạo trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao.
Trung tâm này đã và đang hợp tác với Việt Nam trong việc tập trung vào các dự án nhằm mục tiêu tăng sản lượng, chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh của các cây trồng, thông qua nghiên cứu và sản xuất các giống cây trồng mới chất lượng cao, sử dụng các công nghệ sau thu hoạch, chế biến mới, mang lại lợi ích nhiều hơn cho nông dân và DN.
Chuyến thăm Trung tâm này của Thủ tướng đã có ý nghĩa chuyển tải thông điệp quan trọng. Đó là hợp tác quốc tế về nông nghiệp, khoa học ứng dụng và chuỗi giá trị toàn cầu về các sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, đang hướng tới nông nghiệp xanh, tiếp tục khẳng định vị trí trong chuỗi giá trị logistics.
Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho người dân, hợp tác xã, DN, kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Nhờ đó, hoạt động vận chuyển hàng nông sản sang các thị trường trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có nhiều cải thiện. Năm 2023, nông nghiệp Việt Nam thành công lớn; các sản phẩm nông sản, lâm, thủy sản đều mang lại kim ngạch ấn tượng. Hạt gạo Việt Nam được vinh danh. Năm 2024, đã và đang xuất hiện những tín hiệu quan trọng để nông nghiệp Việt Nam hướng tới những mục tiêu xuất khẩu mới.
Từ trên bàn hội thảo, tọa đàm, nghiên cứu khoa học đến các hoạch định chính sách đã và đang khẳng định, phát triển logistics trong nông nghiệp là giải pháp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ, các địa phương đã và đang chú trọng đầu tư logistics cho nông nghiệp, tăng cường xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic cho hàng hóa nông sản phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; sẽ giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản, đồng thời góp phần tăng thu nhập với người nông dân.
Không thể “thắng” trên thị trường, dù là trong nước hay quốc tế, nếu không liên kết hợp tác. Càng đi xa, càng phải “đi cùng nhau”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhắc đến vấn đề lợi ích phải hài hòa, khi khó khăn phải cùng chia sẻ.
Đây là thời mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải tạo các kênh liên kết. Các cơ quan quản lý của Nhà nước cần thiết kế chính sách đúng, trúng, có tầm nhìn; hỗ trợ, tích cực, kịp thời người nông dân, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc tìm kiếm, phát triển, chiếm lĩnh những thị trường mới.